Phá bỏ ''hòn đá tảng'' trong quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ

Tin tức - Ngày đăng : 09:37, 10/07/2020

Bên cạnh quan hệ hợp tác và phát triển nhanh trong thời gian qua, Việt Nam-Hoa Kỳ cùng chia sẻ, cùng chung mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực Đông Nam Á nói riêng, thế giới nói chung.


Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng ngày 3.2.1994 về việc công bố quyết định bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận thương mại kéo dài 19 năm của Hoa Kỳ đối với Việt Nam, bước khởi đầu cho việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước (11.7.1995). Ảnh: AFP/TTXVN

Trong thời gian 9 năm công tác tại Hoa Kỳ với các vai trò là Trưởng văn phòng liên lạc, đại biện lâm thời, Đại sứ đầu tiên tại Hoa Kỳ (nhiệm kỳ 1995-2000), Đại sứ Lê Văn Bàng là một trong những người đã chứng kiến toàn bộ quá trình đàm phán bình thường hóa đầy thăng trầm trong quan hệ giữa hai quốc gia Việt Nam-Hoa Kỳ.

Nhân kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ (1995-2020), phóng viên đã phỏng vấn Đại sứ Lê Văn Bàng, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao để cùng nhìn lại quan hệ hai nước khi bắt đầu bình thường hóa; hướng về phía trước để định hình một tương lai tốt đẹp hơn với mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

- Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton tuyên bố bỏ cấm vận Việt Nam ngày 3.2.1994 rồi tiếp đến là sự kiện Hoa Kỳ tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam tháng 7.1995. Được chứng kiến thời khắc lịch sử của hai quốc gia đã từng là "cựu thù," đại sứ có thể chia sẻ những cảm xúc của mình?

- Trong suốt 20 năm kiên trì và bền bỉ nhằm bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ (1975-1995), tôi đã chứng kiến không biết bao nhiêu thăng trầm, khó khăn trong đấu tranh; những nỗ lực của Việt Nam.

Đặc biệt, năm 1986, Việt Nam bắt đầu mở cửa, yêu cầu phá bỏ cấm vận bao vây và hội nhập quốc tế của đất nước vô cùng cao, cho nên việc cấm vận của Hoa Kỳ như "hòn đá tảng" chắn cửa, khiến chúng ta không thể đi ra thế giới "một cách bình thường."

Điển hình, vào thời điểm khoảng năm 1988-1989, có những chủ doanh nghiệp chia sẻ với tôi rằng họ bán cho Ấn Độ được 200.000 USD tiền phế liệu đồng. Ấn Độ trả qua ngân hàng Hoa Kỳ nên bị giữ lại khiến các doanh nghiệp rất vất vả. Khó khăn đó gây bức bối trong mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp, mỗi nhà ngoại giao như chúng tôi lúc bấy giờ. 

Tôi được cử sang làm Đại sứ Liên hợp quốc giai đoạn 1993-1994, phụ trách quan hệ với Hoa Kỳ. Đây cũng là giai đoạn tiến hành bình thường hóa quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ, bắt đầu từ thành phố New York.

Ngày 5.8.1995, tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Warren Christopher và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm ký Nghị định thư, chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ

Bằng những nỗ lực của cả hai quốc gia, vào sáng 3.2.1994, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mời tôi từ New York đến Washington D.C để thông tin "một vấn đề đặc biệt trong quan hệ ngoại giao hai nước".

Tại đây, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thông báo từ 15 giờ ngày 3.2.1994, Tổng thống Bill Clinton chính thức tuyên bố bỏ cấm vận Việt Nam và đề nghị tôi báo về Thủ đô Hà Nội thông tin này.

Sau đó, đến 15 giờ cùng ngày, Tổng thống Bill Clinton xuất hiện trên truyền hình, tuyên bố bỏ cấm vận Việt Nam. Mặc dù đã biết trước thông tin, đã mong mỏi trong nhiều năm nhưng tôi vẫn không thể ngăn được cảm xúc vui sướng, hạnh phúc đến chảy nước mắt. Điều đó có nghĩa là trải qua 20 năm đấu tranh gian khổ, chúng ta đã đạt được mục tiêu. Bỏ cấm vận có nghĩa Việt Nam có quyền được buôn bán, giao thương với Hoa Kỳ, với các nước khác trên thế giới không bị ngăn cản về tài chính, đầu tư, thương mại...

Tôi nhớ rất rõ một kỷ niệm nhỏ liên quan đến sự kiện quan trọng này. Trước đó, trong một cuộc nói chuyện, khi đưa ra bàn luận về vấn đề thời điểm Hoa Kỳ gỡ bỏ cấm vận Việt Nam, một vị giáo sư Hoa Kỳ nhận định "đây là việc rất khó". Do đó, ngay sau khi lệnh gỡ bỏ cấm vận ban hành, người bạn đó đã viết cho tôi bức thư ngắn gọn "You win!" (tạm dịch: Bạn đã chiến thắng) trong dịp Tết Nguyên đán của Việt Nam năm 1994 để chúc mừng tôi, chúc mừng Việt Nam. Điều đó chứng tỏ, người dân Hoa Kỳ rất quan tâm đến mối quan hệ hai nước. 

Sau sự kiện Hoa Kỳ tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam tháng 7.1995, tôi nhớ rất rõ về lần đầu tiên chúng ta tiến hành thực hiện nghi lễ kéo cờ, hát Quốc ca, chào cờ trước trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ vào ngày 5.8.1995. Với tôi, đây không chỉ là nghi lễ long trọng mà còn là một nhiệm vụ vẻ vang, một nhiệm vụ hết sức quan trọng với người cán bộ ngoại giao như tôi nói riêng, người dân Việt Nam lúc bấy giờ nói chung.

- Tại thời điểm đó, Việt Nam đứng trước thách thức và cơ hội như thế nào khi Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, thưa Đại sứ?

- Sự kiện Hoa Kỳ tuyên bố bỏ cấm vận Việt Nam ngày 3.2.1994 rồi tiếp đến là tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam tháng 7.1995 trước hết tạo ra cơ hội cho Việt Nam bình thường hóa quan hệ không chỉ với Hoa Kỳ mà còn kết nối với tất cả các nước trên thế giới, trên các lĩnh vực.

Bên cạnh đó, đây cũng là tiền đề để chúng ta đạt được những thành tựu đối ngoại quan trọng khác như: chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995; gia nhập Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 1998… Tóm lại, đây chính là điểm mở đầu cơ hội cho Việt Nam hội nhập quốc tế một cách bình thường.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, Việt Nam gặp không ít những thách thức bởi "hội chứng chiến tranh" Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn còn, không thể hết trong ngày một ngày hai. Bên cạnh đó, để đi đến thương lượng về Hiệp định thương mại với Hoa Kỳ, có những điều khoản Việt Nam phải cân nhắc kỹ lưỡng, thậm chí thay đổi luật pháp để đáp ứng yêu cầu của Hoa Kỳ. Cả hai đất nước vẫn phải giải quyết các hậu quả tồn tại sau chiến tranh như tìm người mất tích, vấn đề trẻ lai, người trong trại cải tạo... để đáp ứng đòi hỏi của cả phía Việt Nam và Hoa Kỳ.

Do đó, trong những ngày đầu tiên làm Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, một trong những nhiệm vụ chính của tôi là thay đổi dư luận, suy nghĩ của người dân Hoa Kỳ về Việt Nam, xóa bỏ dần dần "hội chứng Việt Nam"… Khi đó, tôi đã tích cực đi nhiều nơi, thông qua nhiều hoạt động gửi gắm thông điệp hòa bình, hợp tác, đổi mới, hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Đặc biệt, tôi không thể quên vào tháng 8.1995, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai giao cho tôi nhiệm vụ đến quận Cam, tiểu bang California, Hoa Kỳ để gặp gỡ, nói chuyện với người dân ở đây về tình hình Việt Nam, về mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ; qua đó kiểm chứng về dư luận, tin tức tại địa phương này. Đây không chỉ là nhiệm vụ khó khăn, nhạy cảm về mặt ngoại giao mà còn là sự đấu trí, đấu lòng dũng cảm khi đến nói chuyện trước hơn 500 người với những quan điểm trái chiều, khác nhau về Việt Nam, về mối quan hệ hai nước.

Tôi xác định bản thân phải thực sự nỗ lực, quyết tâm cao nhất để hoàn thành công việc; truyền tải thông điệp hòa bình của Việt Nam đến tất cả mọi người. Và sau đó, tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, từ những tiếng tranh cãi, bàn tán ồn ào, thậm chí đả kích phản đối lúc ban đầu đã chuyển sang những câu hỏi, những bàn luận có tính xây dựng và thiện chí hơn.

- Đại sứ đánh giá như thế nào về bước phát triển trong mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ tại thời điểm hiện nay so với 25 năm trước?

- Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ ở thời điểm hiện tại so với cách đây 25 năm "một trời một vự". Trên lĩnh vực kinh tế, năm 1994, kim ngạch thương mại song phương đạt con số khiêm tốn với khoảng 400 triệu USD, năm 2019 đạt gần 70 tỷ USD, tăng hơn 130 lần...

Trong những năm gần đây, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã bắt đầu bùng nổ. Việt Nam đã liên tục xuất siêu và Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Rõ ràng, lòng tin chiến lược giữa nhân dân, lãnh đạo cấp cao hai quốc gia được nâng cao rõ rệt; được thể hiện qua các chuyến thăm cấp cao giữa hai quốc gia. Tiêu biểu một số chuyến thăm như: cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Việt Nam chính thức từ ngày 23- 25.5.2016 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Donald Trump tới Việt Nam ngay trong năm đầu cầm quyền vào tháng 11.2017; tiếp đó Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đến Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần hai tại Hà Nội với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-Un và có các hoạt động song phương tại Việt Nam.


Chiều 4.3.2020, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đoàn doanh nghiệp thuộc Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (US-ABC) do ông Alex Feldman, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành US-ABC dẫn đầu

Về phía Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thăm chính thức Hoa Kỳ vào tháng 7.2015. Sau đó, vào tháng 5.2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Donald Trump.

Do đó, tôi tin tưởng, trong tương lai, quan hệ hai nước sẽ phát triển rất tốt đẹp. Đặc biệt, Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ Ðối tác toàn diện năm 2013, theo đó tăng cường và mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực, từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, đầu tư, đến quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục, khoa học-công nghệ, khắc phục hậu quả chiến tranh và giao lưu nhân dân.

Bên cạnh quan hệ hợp tác và phát triển nhanh trong thời gian qua, hai nước đang cùng chia sẻ, cùng chung mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực Đông Nam Á nói riêng, thế giới nói chung. Tôi tin tưởng, mục tiêu này trong tương lai sẽ tiếp tục duy trì và phát triển. 

Hiện nay, vấn đề ưu tiên của Việt Nam là phát triển kinh tế, khoa học-kỹ thuật và tiếp cận thị trường Hoa Kỳ, đặc biệt phát triển công nghệ cao.

Tôi muốn nhấn mạnh đến ưu tiên hợp tác kinh tế Việt Nam-Hoa Kỳ trong phát triển các lĩnh vực công nghệ cao như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và bền vững, phát triển đô thị thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ cao… Tuy nhiên, Việt Nam cần khắc phục các trở ngại để thu hút đầu tư của Hoa Kỳ vào lĩnh vực này, đặc biệt chú trọng khắc phục những hạn chế của luật pháp. 

Tương tự, Hoa Kỳ mong muốn cùng Việt Nam giữ hòa bình, ổn định, trật tự ở khu vực Đông Nam Á, châu Á-Thái Bình Dương. Do đó, quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ còn phát triển.

Theo TTXVN