Khi đại dịch làm bùng nổ dân số

Bình luận - Ngày đăng : 17:01, 11/07/2020

Từ tháng 5, những đoàn xe được trang bị loa thường xuyên xuất hiện ở các thị trấn và thành phố của Indonesia, phát đi một thông điệp thẳng thắn: "Bạn có thể kết hôn. Nhưng đừng vội mang thai!"


Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Giới chức Indonesia đang lo lắng về một hậu quả của lệnh phong tỏa nhằm kiểm soát dịch COVID-19: các ca mang thai ngoài ý muốn và sự bùng nổ dân số sau đại dịch.

Trong tháng 4, khi người dân Indonesia phải ở nhà chống dịch, khoảng 10 triệu cặp vợ chồng đã ngừng sử dụng biện pháp tránh thai, theo thống kê của Cơ quan Dân số và Kế hoạch hóa gia đình Indonesia. Nhiều phụ nữ không thể tiếp cận các biện pháp tránh thai, đơn giản vì các cơ sở cung cấp dịch vụ đã phải đóng cửa vì đại dịch. Những người khác không muốn mạo hiểm đến các phòng khám và bệnh viện vì sợ lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Giới chức Indonesia đang dự báo một làn sóng sinh con ngoài kế hoạch vào năm tới, phần nhiều trong đó là ở các gia đình nghèo.

Lana Mutisari, một phụ nữ 36 tuổi đã lập gia đình ở ngoại ô Jakarta, chia sẻ cô rất lo lắng về việc rời khỏi nhà, đặc biệt là đến bệnh viện, và đã hoãn nhiều cuộc hẹn đặt vòng tránh thai.

Chuyên gia sản khoa Hasto Wardoyo, Giám đốc Cơ quan Dân số và Kế hoạch hóa gia đình Indonesia, ước tính quốc gia đông dân thứ tư thế giới này có thể có thêm 370.000 đến 500.000 ca sinh con ngoài ý muốn vào đầu năm tới.

Khoảng 50% số phụ nữ Indonesia sử dụng biện pháp tránh thai lựa chọn phương án tiêm hormone, tức là phải tiến hành tiêm hằng tháng hoặc ba tháng một lần. Ngoài ra, có 20% sử dụng thuốc tránh thai, mà nữ giới có thể đến nhận hằng tháng tại các cơ sở phân phối của chính phủ. Tính định kỳ này đã bị gián đoạn do đại dịch COVID-19.

Một nghiên cứu gần đây của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) nhấn mạnh rằng nếu phong tỏa liên tục trong 6 tháng gây gián đoạn các dịch vụ y tế cũng như các chuỗi cung ứng toàn cầu, khoảng 47 triệu phụ nữ ở các nước thu nhập thấp và trung bình có khả năng không thể tiếp cận các biện pháp tránh thai, dẫn đến 7 triệu ca mang thai ngoài ý muốn. UNFPA cũng ước tính có 31 triệu trường hợp bạo lực giới mà nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái.

Đáng báo động hơn, sự gián đoạn các chương trình dân số của UNFPA còn có nguy cơ dẫn đến 2 triệu trường hợp trẻ em gái, phần lớn ở các nước châu Phi nghèo đói, bị cắt bỏ bộ phận sinh dục và 13 triệu trường hợp tảo hôn trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030 mà đáng ra có thể được ngăn chặn. Đại dịch đang tấn công mạnh vào các nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương, làm gia tăng sự bất bình đẳng và đe dọa đẩy lùi các nỗ lực “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong chiến lược phát triển bền vững về dân số.

Ngày Dân số thế giới 11.7 năm nay, UNFPA lựa chọn chủ đề: "Đẩy lùi COVID-19: Cách thức bảo vệ quyền và sức khỏe của phụ nữ, trẻ em gái trong bối cảnh hiện tại”, hướng tới nâng cao nhận thức về các nhu cầu cũng như những vấn đề cần giải quyết liên quan tới sức khỏe sinh sản của phụ nữ và bảo đảm quyền của trẻ em gái trong đại dịch.

Theo UNFPA, tốc độ gia tăng dân số thế giới rất cao, bình quân 1 phút có 272 trẻ em được sinh ra; 1 giờ đồng hồ có trên 16.300 trẻ em ra đời, mỗi ngày có thêm 393.000 trẻ em, mỗi năm thế giới tăng thêm 87 triệu người. Đáng lưu ý, dân số cứ thêm 100 người thì có tới 97 người sinh ra tại các quốc gia kém phát triển, dẫn tới khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội đang ngày càng gia tăng.

Trong khi dân số thế giới nói chung tiếp tục tăng, sự tăng trưởng này không đồng đều và cũng mang lại những hệ quả không cân bằng. Đối với nhiều quốc gia kém phát triển, nhất là ở châu Phi và châu Á, những thách thức đối với phát triển bền vững chủ yếu xuất phát từ tình trạng gia tăng dân số nhanh chóng cũng như dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu. Một số quốc gia phát triển lại đang đối mặt với thách thức của dân số già, bao gồm nhu cầu thúc đẩy lối sống cao tuổi tích cực lành mạnh và cung cấp bảo vệ xã hội đầy đủ.

Mặc dù đã đạt nhiều tiến bộ trong việc giảm tỷ lệ tử vong của mẹ khi sinh cũng như tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn, sức khỏe sinh sản nữ giới vẫn là vấn đề đặt ra nhiều thách thức, liên quan tới những nội dung như quyền nữ giới trong sinh sản cũng như các dịch vụ y tế thiết yếu. Các vấn đề liên quan đến mang thai vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ vị thành niên nữ từ 15 đến 19 tuổi. Ngoài ra, bạo lực giới, bắt nguồn từ sự bất bình đẳng, tiếp tục gây ra hậu quả khủng khiếp.

Tình trạng gia tăng dân số thiếu bền vững có ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống con người, tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái. UNFPA đã kêu gọi kiểm soát sự gia tăng dân số trên phạm vi toàn cầu và xây dựng tầm nhìn chiến lược về chất lượng dân số.

Đại dịch COVID-19 đang trở thành thách thức đối với chiến lược phát triển dân số bền vững ở những quốc gia như Indonesia. Trong tháng 3 vừa qua, khoảng 10% trong tổng số 28 triệu người thuộc chương trình kế hoạch hóa gia đình tại nước này đã gặp khó khăn trong việc tiếp cận các biện pháp kiểm soát sinh sản. Ước tính, việc giảm sử dụng các biện pháp tránh thai trong vòng một tháng có thể khiến tỷ lệ mang thai tại Indonesia tăng thêm 15% trong khoảng thời gian từ 1 đến 3 tháng, tương đương khoảng 420.000 em bé. Nếu tình trạng trên kéo dài 3 tháng, tỷ lệ mang thai sẽ tăng thêm 30% trong các tháng tiếp đó.

Chuyên gia sản khoa Hasto Wardoyo cảnh báo việc thiếu các biện pháp kiểm soát sinh có thể kéo theo các trường hợp mang thai ngoài ý muốn, gây tổn hại tâm lý cho các bà mẹ và các hậu quả lâu dài khác, như tình trạng chậm phát triển ở trẻ sơ sinh tại các gia đình nghèo. Nghiêm trọng hơn, nhiều phụ nữ mang thai ngoài ý muốn sẽ tìm đến phá thai và đối mặt với nguy cơ tử vong.

Giới chuyên gia cũng cảnh báo tại các nước nghèo, tại những vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, đại dịch là "thời điểm tồi tệ" để phụ nữ mang thai do nhiều người không thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe phù hợp và đầy đủ, khi chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị gián đoạn.

Indonesia, quốc gia đông dân nhất trong các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đã sửa đổi một số quy định để cho phép cung cấp các biện pháp tránh thai tại nhà và cho phép phụ nữ có thể nhận lượng thuốc tránh thai cho hơn một tháng. Từ tháng 4, nhiều nhóm y bác sĩ đã tới từng điểm dân cư để cung cấp những biện pháp tránh thai tận nơi cho người dân cùng với nguồn cung cấp thực phẩm khẩn cấp. Đó chỉ là một trong những biện pháp mà Indonesia thực hiện để bảo đảm quyền và sức khỏe sinh sản của phụ nữ trong thời kỳ đại dịch vẫn đang hoành hành.

25 năm trước, tại Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển (ICPD) ở Cairo, các nhà lãnh đạo thế giới lần đầu tiên nêu bật mối quan hệ giữa dân số, phát triển và quyền con người. Từ đó, cộng đồng quốc tế đã đi tới một nhận thức chung rằng thúc đẩy bình đẳng giới, trong đó bao gồm bảo vệ quyền và sức khỏe nữ giới, là một trong những con đường đáng tin cậy nhất để phát triển bền vững và cải thiện hạnh phúc cho tất cả mọi người. Trong bối cảnh đại dịch, bảo vệ quyền và sức khỏe của phụ nữ và trẻ em gái cũng chính là cách để bảo đảm duy trì động lực đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030. 

Theo TTXVN