Chuyện lạ ở câu lạc bộ không sinh con thứ ba

Xã hội - Ngày đăng : 17:22, 11/07/2020

Mô hình Câu lạc bộ Phụ nữ không sinh con thứ ba trở lên đã được thành lập từ khá lâu với chức năng tuyên truyền, vận động chị em thực hiện đúng chính sách dân số - KHHGĐ. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều thành viên đã xin ra khỏi câu lạc bộ để sinh con thứ ba.

Nhiều gia đình dù có 2 con gái nhưng cũng không có tư tưởng sinh thêm con 

Xin ra khỏi câu lạc bộ để... đẻ

Được thành lập từ năm 2018, CLB Phụ nữ không sinh con thứ ba trở lên của thôn Bồ Bản, xã Thượng Quận (Kinh Môn) đã từng có 35 thành viên tham gia sinh hoạt. Cứ đều đặn 3 tháng, CLB tổ chức sinh hoạt một lần hoặc lồng ghép trong các buổi họp Chi hội Phụ nữ của thôn. Tại các buổi sinh hoạt, chị em được tuyên truyền, trang bị kiến thức về chăm sóc sức khỏe bản thân, thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ, kỹ năng chăm sóc gia đình... “Từ những buổi sinh hoạt, nhiều chị em hiểu về chính sách dân số, gia đình họ không đẻ thêm dù sinh con 1 bề. Có thành viên trải qua 2 lần sinh nở đẻ ba con gái nhưng không có ý định sinh thêm con hoặc cố gắng đẻ con trai”, chị Nguyễn Thị Ngà, Chủ nhiệm CLB nói.

Bên cạnh những gia đình có tư tưởng tiến bộ thì vẫn còn nhiều người mong muốn sinh con trai để “nối dõi tông đường”. Chị C. tham gia CLB từ những ngày đầu thành lập. Nhà có 2 con gái đã lớn, ngày tham gia chị C. cũng quyết tâm không sinh thêm. Nhưng vì sức ép của chồng và gia đình, chị C. phải chủ động xin ra khỏi CLB để chuẩn bị... đẻ. Khi biết ý định của chị C., Ban Chủ nhiệm CLB đã tới nhà gặp chồng chị C. để tuyên truyền, vận động. Khi gặp gỡ, gia đình khẳng định sẽ không đẻ thêm, nhưng rồi chị C. vẫn sinh con thứ ba. Vì vậy, số lượng thành viên của CLB ở thôn Bồ Bản ngày càng giảm, chỉ còn 26 thành viên, cũng không phát triển được thêm hội viên mới.  

Hội Phụ nữ xã Liên Mạc (Thanh Hà) thành lập được 5 CLB Phụ nữ không sinh con thứ ba trở lên, hiện có 80 thành viên tham gia sinh hoạt. Tuy nhiên, dù được thành lập từ năm 2016, đến nay cả 5 CLB này cũng chỉ phát triển được thêm 10 thành viên so với ngày đầu. Ở đây không có tình trạng các thành viên phải xin ra khỏi CLB để sinh con thứ ba trở lên nhưng việc phát triển thành viên mới lại khá khó khăn. Những người có ý định sinh con thứ ba trở lên không muốn tham gia CLB, trong khi chính những người này mới cần vận động vào CLB sinh hoạt để tuyên truyền thực hiện chính sách dân số.

Cần thay đổi nhận thức

Theo tổng hợp tình hình sinh con thứ ba trở lên trong tỉnh của Chi cục Dân số-KHHGĐ, năm 2019 có tới hơn 4.622 trẻ được sinh ra là con thứ ba trở lên (tăng 202 trẻ so với năm 2018) trong tổng số 27.769 trẻ mới ra đời. Tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh ta năm 2019 là 115 bé trai/100 bé gái. Dù đã giảm so với những năm trước nhưng Hải Dương vẫn có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao. 

Theo chị Phạm Thị Phương, Trưởng Ban Gia đình - Xã hội (Hội Phụ nữ tỉnh), toàn tỉnh hiện còn khoảng 168 CLB Phụ nữ không sinh con thứ ba trở lên với hơn 8.446thành viên. Như vậy, mới chỉ có khoảng 71% số xã, phường, thị trấn có mô hình này. Nếu tính tới thôn, khu dân cư thì chỉ có hơn 12% số thôn, khu dân cư có CLB Phụ nữ không sinh con thứ ba. Đây là mô hình của Hội Phụ nữ nên thành viên chủ yếu là chị em. Trong khi thực tế việc quyết định số lần sinh, số lượng con cái không chỉ phụ thuộc vào quyết định của họ. Hơn nữa, CLB hoạt động chủ yếu dựa trên sự tự nguyện của các thành viên mà không có quy định rõ ràng. Việc sinh con thứ ba trở lên phụ thuộc vào suy nghĩ, hoàn cảnh của từng gia đình, các cấp hội cũng chỉ có thể vận động, tuyên truyền các gia đình thực hiện đúng chính sách dân số.

Để mô hình CLB Phụ nữ không sinh con thứ ba trở lên phát huy được hiệu quả, trước hết cần có sự tham gia của cả nam giới. Các CLB cũng cần đổi mới nội dung sinh hoạt, cách thức tổ chức tuyên truyền, vận động phù hợp thu hút đông đảo chị em tham gia sinh hoạt. Các CLB cũng cần chia đối tượng để có phương pháp tuyên truyền hiệu quả như đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ; đối tượng là các bà, các mẹ... "Quan trọng nhất là các cấp, các ngành cần tăng cường tuyên truyền để người dân tự nâng cao nhận thức trong việc lựa chọn số lượng con cho phù hợp và không vi phạm chính sách dân số, từ bỏ suy nghĩ "trọng nam hơn nữ". Ngành y tế cần quản lý chặt chẽ các cơ sở y tế nhằm hạn chế việc lựa chọn giới tính thai nhi...", chị Phương nói thêm.

TÂM PHÚC