Chinh phục đệ nhị sơn ở vùng Đông Nam Bộ̣

Du lịch - Ngày đăng : 07:24, 12/07/2020

 Với độ cao 837 m so với mực nước biển, núi Chứa Chan hay còn gọi là núi Gia Lào, thuộc huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) cao thứ hai ở Đông Nam Bộ (sau núi Bà Đen, Tây Ninh).

Các nhóm leo núi thường chọn đường có cột điện để lên núi 

Hành trình... đếm cột

Núi Chứa Chan cách TP Hồ Chí Minh hơn 100 km. Xuất phát từ 14 giờ ở TP Hồ Chí Minh, khoảng 16 giờ 30 đoàn chúng tôi đến chân núi, cả nhóm chia nhau mang lều, bạt, đồ ăn... và bắt đầu hành trình chinh phục.

Giống nhiều đoàn khám phá khác, chúng tôi chọn leo theo đường cột điện và xuống đường chùa. Đường cột điện lên núi bắt đầu từ cột số 20, chỉ cần theo dấu các cột điện sẽ lên được đỉnh núi ở cột số 145. Theo nhiều người dân địa phương, con đường này dốc và khó đi hơn rất nhiều so với đường qua chùa Gia Lào được xây dựng ở lưng chừng núi.

 Đỉnh núi

Ngọn núi thử thách sức bền của con người ngay từ những bước chân đầu tiên. Từ dưới chân đường cột điện nhìn lên, chúng tôi chỉ thấy toàn đá. Hòn nhỏ như chiếc ba lô, hòn to như tấm phản với nhiều hình dáng. Hai bên đường đi chủ yếu là cỏ lau, ít cây tán rộng. Dù bắt đầu leo vào chiều muộn nhưng trời vẫn nắng to khiến chúng tôi mất nhiều sức ở đoạn đường này. "Cố lên, qua đoạn đầu, rồi toàn đường mòn dễ đi lắm mọi người ơi!", được người dẫn đoàn động viên, cả nhóm lại cùng tiến lên. Tuy nhiên, leo cao chúng tôi vẫn chưa thấy đường mòn ở đâu mà chỉ toàn đá, có lúc phải dùng cả tứ chi để leo trèo. Đường dốc, ba lô trên lưng nặng, ai nấy đều có cảm giác mỗi bước chân nặng như chì. Mồ hôi ướt đẫm áo, thấm cả vào ba lô của từng người. 

Đường lên núi đúng là hành trình... đếm cột. Chưa kịp đến quãng đường dễ đi thì trời đã sập tối, chúng tôi phải di chuyển cẩn thận tránh ngã, lạc mất nhau. Đường cao và dốc, di chuyển buổi tối càng khó khăn. Qua cột thứ 99, đường dễ đi hơn. Dù vậy lúc này nhiều thành viên đã đuối sức nên càng về cuối, qua được một cột điện là một... "chiến thắng". Từng "chiến thắng" nhỏ dẫn chúng tôi đến "chiến thắng" sau cùng là đỉnh núi.

Cắm trại trên núi

"Phiêu" bên bếp lửa hồng

Lên đến cột điện số 145, trong đoàn chúng tôi có người đã phấn khích hét to vì đến đích sau 4,5 giờ thử thách sức bền. Trên đỉnh núi khá đông người. Từ cột điện số 130 đã có đoàn hạ trại, mỗi đoàn chọn cho mình một khu vực rộng rãi để cắm trại, đốt lửa. Các lều trại được trang trí nhiều đèn màu bắt mắt. Từ đỉnh núi nhìn xuống là một khoảng sáng rực rỡ của những con đường, xe cộ đi lại đông vui, ánh đèn sum vầy bên mâm cơm chiều muộn...

Loanh quanh một lúc chúng tôi đã tìm được lều trại của đoàn mình, thưởng thức gà nướng, khoai nướng, xúc xích nướng. Bên bếp lửa hồng, các thành viên vừa nghỉ ngơi, thưởng thức món ngon dân dã, vừa chia sẻ về hành trình của mình với những người đồng hành. Giai điệu từ chiếc loa du lịch vang lên trong không gian thoáng đãng giữa núi rừng khiến chúng tôi quên mỏi mệt, tận hưởng cảm giác thảnh thơi, tách ra khỏi nhịp sống thường ngày để chan hòa với thiên nhiên, cây cỏ. 

Khi sương đêm xuống nhiều là lúc người hướng dẫn giục mọi người tắt bếp đi ngủ để giữ sức khỏe trên chặng đường về. Mang theo túi ngủ, cả đoàn đều ngon giấc dù đêm trên núi khá lạnh.

Sớm dậy đón bình minh là khoảnh khắc được mong đợi nhất. Chúng tôi đã phải chờ đợi rất lâu mới tới lượt chụp ảnh chóp núi và cây cô đơn.

Đường xuống núi tương đối dễ so với đường lên vì hầu hết là đường mòn đi qua rừng điều. Dọc đường đi nhiều người thích thú nhặt những quả điều chín mọng thơm nức về làm kỷ niệm. Xuống được nửa chặng đường, chúng tôi đi qua chùa Gia Lào. Thời gian đi từ đỉnh xuống chân núi chỉ mất chừng 1,5-2 tiếng.

Được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia từ năm 2012, núi Chứa Chan là điểm đến của nhiều người yêu thích leo núi dịp cuối tuần. Với tôi, chuyến đi đã thành công mỹ mãn khi chụp được những bức hình "sống ảo", ghi lại nụ cười rạng rỡ trên hành trình vượt qua bản thân để đến đích dù trước đó muốn từ bỏ nhiều lần.  

VIỆT QUỲNH