Độc giả sửa chữ cho nhà thơ lớn

Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 11:27, 12/07/2020

Nguyễn Bính đánh giá cao việc thay chữ trong câu thơ trên và nâng người thợ in trở thành “đồng tác giả”. Ông nói: “Quần chúng sáng tạo, quần chúng làm thầy nhà thơ”.

Nguyễn Bính là nhà thơ có biệt tài sử dụng tiếng Việt. Ngôn ngữ trong thơ của ông dễ hiểu, gần gũi với lời ăn tiếng nói của nhân dân. Trong rất nhiều thi phẩm, Nguyễn Bính dùng từ ngữ rất đắt, mang tính thẩm mỹ cao, giúp tiếng Việt càng sang trọng hơn. Tuy vậy, có một lần thơ Nguyễn Bính lại được một người thợ sắp chữ ở nhà in sửa chữ cho.

Khoảng tháng 5.1964, Ty Văn hóa - Thông tin tỉnh Nam Định tổ chức trao giải và bình các bài thơ được giải trong cuộc thi thơ “Người mới, việc mới” do tỉnh phát động. Chủ tọa buổi lễ ấy là nhà thơ Nguyễn Bính. Sau khi đánh giá, phân tích những ưu điểm và hạn chế của các bài thơ được giải, nhà thơ Nguyễn Bính nhấn mạnh: “Làm thơ phải chú ý từng từ, từng chữ, biết đặt đúng chỗ làm cho cả bài thơ, hồn thơ bật dậy”. Trong niềm hứng khởi đó, nhà thơ kể lại chuyện được một người thợ nhà in đã thay đổi một chữ mà làm cho bài thơ của ông hay hơn, ngoài cả dự kiến của tác giả. 

Đó là vào mùa hè năm 1956,  Nguyễn Bính đưa đăng báo bài thơ Trưa hè. Bài thơ kể về những đổi thay trên miền Bắc dưới chế độ xã hội chủ nghĩa và ca ngợi sự hy sinh cao cả của người mẹ đã lấy thân mình che chở cho con trong mưa bom, bão đạn. Nguyên văn hai câu cuối bài thơ như sau: Thương con càng nhớ lời chồng/Lấy thân làm bức thành đồng cho con. Thế nhưng khi báo in ra, Nguyễn Bính ngỡ ngàng đến sung sướng, khâm phục thấy chữ "cho" đã được thay bằng chữ "che". Không hiểu người thợ in vì tài thi phẩm xuất chúng hay chỉ đơn giản là sự nhầm lẫn mà đã xếp thành câu: "Lấy thân làm bức thành đồng che con". Nhà thơ bảo rằng, cái từ "cho" ấy yếu ớt, bị động, tầm thường bao nhiêu thì từ "che" lại năng nổ, chủ động, dũng cảm và quyết liệt bấy nhiêu.

Nguyễn Bính đánh giá cao việc thay chữ trong câu thơ trên và nâng người thợ in trở thành “đồng tác giả”. Ông nói: “Quần chúng sáng tạo, quần chúng làm thầy nhà thơ”. Qua đây, chúng ta càng thấy được nét đẹp trong ứng xử của nhà thơ lớn Nguyễn Bính.  

TRẦN VĂN LỢI (st)