Lập trường về Biển Đông của Mỹ thay đổi ra sao trong 25 năm qua?

Tin tức - Ngày đăng : 14:10, 14/07/2020

Từ tuyên bố đầu tiên chỉ nói chung chung năm 1995, Mỹ đã ngày càng cụ thể hơn và chỉ đích danh Trung Quốc là nước có yêu sách phi pháp.


Tiêm kích tàng hình F-35B trên tàu đổ bộ tấn công USS America của Mỹ trong thời gian hoạt động trên Biển Đông. Ảnh: US NAVY

Rạng sáng 14.7 (giờ Việt Nam), Bộ Ngoại giao Mỹ phát đi thông cáo bác bỏ phần lớn các yêu sách chủ quyền Trung Quốc tự vẽ ra trên Biển Đông. Không chỉ nhấn mạnh đến sự phi pháp của những yêu sách này, Washington còn chỉ trích Bắc Kinh là bên đang quấy rối và bắt nạt các nước trong khu vực.

Đây được xem là tuyên bố mạnh mẽ, trực tiếp nhất của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông trong vòng 25 năm qua. Trong suốt thời gian đó, gần như mọi sự điều chỉnh của Mỹ đều được tiến hành sau các sự cố nghiêm trọng trong khu vực và có liên quan tới Trung Quốc.

Lập trường đầu tiên

Tháng 5.1995, sau sự kiện Trung Quốc chiếm đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố nêu rõ quan điểm của nước này đối với vấn đề Biển Đông và Trường Sa. Tuyên bố ngắn gọn này đã trở thành lập trường cơ bản của Mỹ trong nhiều năm sau đó.

Có thể tóm gọn thành các ý chính sau:

1. Mỹ không ủng hộ yêu sách của bên nào ở Biển Đông và "cực kỳ quan ngại" về các yêu sách hàng hải trái với luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).

2. Mỹ quan ngại về các hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng, kêu gọi các bên tự kiềm chế và phản đối mạnh mẽ việc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp.

3. Mỹ ủng hộ giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình, hoan nghênh tuyên bố của ASEAN về Biển Đông năm 1992 và sẵn sàng hỗ trợ.

4. Washington có lợi ích trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, nhấn mạnh tự do hàng hải và hàng không trong khu vực có ý nghĩa với các nước châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Mỹ.

Quan điểm dưới thời Obama

Tháng 3.2009 xảy ra sự kiện tàu khảo sát USNS Impeccable của hải quân Mỹ bị tàu chiến và máy bay Trung Quốc đe dọa trên Biển Đông. Tổng thống Barack Obama, người vừa bước vào Nhà Trắng được 2 tháng, buộc phải ra lệnh cho một tàu khu trục đến giải vây và bảo vệ tàu khảo sát.

Washington bắt đầu nhận ra tự do hàng hải trên Biển Đông đang bị Bắc Kinh đe dọa và sự khác biệt giữa hai bên về tự do hàng hải.

Tháng 7.2009, trong một phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Scot Marciel khi đó đang là phó trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, đã đọc một tuyên bố sau này được xem như cột mốc đánh dấu quan điểm mới của Mỹ về Biển Đông sau hơn một thập kỷ.

Dù tiếp tục khẳng định "không đứng về bên nào" trong tranh chấp Biển Đông, ông Marciel nhấn mạnh Washington "bày tỏ quan ngại về các yêu sách chủ quyền hay hàng hải không xuất phát từ lãnh thổ đất liền" và nhấn mạnh các yêu sách này "không phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là những gì đã được phản ánh trong UNCLOS 1982".

Cũng trong cuộc điều trần đó, ông Marciel nhắc đến chuyện Trung Quốc đã đe dọa các công ty Mỹ nếu thăm dò dầu khí ngoài khơi Việt Nam và "sự mơ hồ đáng kể trong yêu sách chủ quyền của Trung Quốc" trên Biển Đông.

Tháng 7.2010, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton chính thức công bố quan điểm điều chỉnh của Mỹ về Biển Đông khi tham dự Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 17 tại Hà Nội. Ngoài các điểm cơ bản như năm 1995, bà Hillary đã nêu ra một số điểm mới như sau:

1. Mỹ ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng các nỗ lực ngoại giao tập thể và khuyến khích các bên tiến tới một bộ quy tắc ứng xử toàn diện trên Biển Đông sau Tuyên bố các bên về ứng xử trên Biển Đông (DOC) năm 2002.

2. Kêu gọi tôn trọng "lợi ích của cộng đồng quốc tế", nhấn mạnh tự do hàng hải ở Biển Đông có lợi ích với tất cả các nước trong và ngoài khu vực.

3. Khẳng định UNCLOS 1982 "có được sự ủng hộ lưỡng đảng" tại Mỹ và xác định thúc đẩy Thượng viện phê chuẩn công ước này là một trong những ưu tiên ngoại giao hàng đầu.


Tàu hải cảnh Trung Quốc hung hăng dùng vòi rồng tấn công tàu cảnh sát biển Việt Nam trong sự kiện giàn khoan HD-981 xâm phạm trái phép vùng biển Việt Nam năm 2014.Ảnh: Cảnh sát Biển Việt Nam

Trong những năm tiếp đó, Mỹ liên tục chứng minh là một quốc gia đã hiện diện lâu dài ở châu Á - Thái Bình Dương và có lợi ích liên quan ở Biển Đông.

Tháng 8.2012, 3 tháng sau sự kiện Trung Quốc chiếm bãi Scarborough từ tay Philippines và hội nghị ngoại trưởng ASEAN (tháng 7.2012) không ra được tuyên bố chung, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố thúc giục tất cả các bên "làm rõ các yêu sách lãnh thổ và hàng hải ở Biển Đông dựa trên các điều luật quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982".

Tiếp đó, tháng 9.2012, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Đông Á Kurt M.Campbell nhấn mạnh UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất để các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông làm rõ yêu sách của mình.

Đầu năm 2013, Philippines đưa yêu sách "đường 9 đoạn" của Trung Quốc ra Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII UNCLOS. Sự kiện này mở đầu cho việc Washington công khai thách thức và chất vấn "đường lưỡi bò" Bắc Kinh vẽ ra trên Biển Đông.

Trong 2 năm cuối của chính quyền Obama, trung bình mỗi tháng lại có một tuyên bố hoặc phát ngôn từ Mỹ về vấn đề này. Giới học giả Trung Quốc sau này cho rằng việc Mỹ lên tiếng ủng hộ Philippines trong phiên tòa Biển Đông vào tháng 3-2014 đã đặt dấu chấm hết cho chính sách "trung lập" của Mỹ đối với tranh chấp Biển Đông.

Các quan chức Mỹ, trong đó có Trợ lý ngoại trưởng Daniel R.Russel, bắt đầu chỉ đích danh Trung Quốc đang âm mưu thay đổi hiện trạng tranh chấp khi cải tạo các thực thể đã chiếm đóng trên Biển Đông.

"Cho dù các ông có đổ bao nhiêu cát lên những rạn san hô ở Biển Đông, các ông cũng không tạo ra được chủ quyền", ông Russel nhắn Trung Quốc trong một cuộc điều trần tháng 3.2015.

Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trước và sau khi bị Trung Quốc chiếm đóng, cải tạo trái phép thành tiền đồn quân sự trên biển - Ảnh: AMTI/CSIS

Tăng cường hiện diện trên Biển Đông thời Donald Trump

Chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên dưới thời tổng thống Trump đã xác định Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh chiến lược". Tần suất các chiến dịch tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông được tăng lên từ khi ông Trump lên nắm quyền.

Các tàu chiến tham gia hoạt động này cũng áp sát các thực thể Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp trên Biển Đông, thách thức các yêu sách như đường cơ sở thẳng Bắc Kinh vẽ ra ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Lập luận chính của Washington là Biển Đông không phải là "ao nhà" của Trung Quốc và Mỹ cùng các nước khác có quyền tự do đi lại, hoạt động và khai thác dầu khí ở những khu vực được luật quốc tế cho phép. Giai đoạn này chứng kiến chiến thuật vùng xám của Trung Quốc khi sử dụng tàu hải cảnh để đe dọa các nước trên Biển Đông.


Tàu khảo sát Hải Dương 4 của Trung Quốc, tàu kiểm ngư Việt Nam và tàu chiến Mỹ xuất hiện cùng nhau hôm 1.7. Ảnh lớn: US NAVY. Ảnh nhỏ: Một tàu kiểm ngư lớp KN-750 của Việt Nam

Tháng 8.2019, trong lúc tàu khảo sát Hải Dương 8 và nhóm tàu hải cảnh hộ tống vẫn ngang nhiên hoạt động ở bãi Tư Chính của Việt Nam, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố chỉ trích Bắc Kinh đang leo thang các hành động đe dọa "hoạt động khai thác dầu khí đã có từ lâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam".

Tháng 5.2020, nhóm tàu Hải Dương 8 lại quấy rối hoạt động dầu khí ngoài khơi Malaysia. Mỹ phản ứng bằng việc đưa tàu chiến tới gần tàu khảo sát Malaysia đang bị đe dọa và tổ chức tập trận gần đó.

Ngày 1.6, Mỹ gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc tuyên bố "các yêu sách chủ quyền thái quá của Trung Quốc trên Biển Đông không phù hợp với UNCLOS 1982 và can thiệp phi pháp vào các quyền của Mỹ cùng các nước khác".

Cuối tháng 6 và đầu tháng 7.2020, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố lên án cuộc tập trận trái phép của Trung Quốc ở Hoàng Sa của Việt Nam. Hai tàu sân bay Mỹ tiến vào Biển Đông và tập trận tại một khu vực không xác định.

Ngày 14.7, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố quan điểm điều chỉnh mới và lần đầu tiên gọi các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông là "phi pháp" sau thời gian dài sử dụng cụm từ "không phù hợp".

Washington cũng bác bỏ yêu sách hàng hải của Bắc Kinh tại các khu vực Bãi Tư Chính, Luconia, Natuna Besar cũng như bãi Scarborough và bãi ngầm James.

Theo Tuổi trẻ