Bàn giải pháp làm giàu tài nguyên rừng khu di tích Côn Sơn

Di tích - Ngày đăng : 15:03, 14/07/2020

Các cây được chọn phải bảo đảm các tiêu chí như tôn tạo được cảnh quan, tạo được độ che phủ, giảm bụi, tiếng ồn và phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của khu di tích.


Các đại biểu tham gia hội thảo đã đề xuất 27 loài cây có thể trồng tại khu di tích Côn Sơn

Sáng 14.7, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với Viện Nghiên cứu lâm sinh (Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam) cùng Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo “Nghiên cứu giải pháp phục hồi, bảo tồn và quản lý bền vững tài nguyên rừng khu di tích Côn Sơn và rừng dẻ tự nhiên trên địa bàn TP Chí Linh”.

Các đại biểu tập trung thảo luận, tham vấn ý kiến của các chuyên gia, cán bộ quản lý và người dân địa phương về danh mục các cây để có thể trồng phục hồi rừng ở khu di tích Côn Sơn. Các cây được chọn phải bảo đảm các tiêu chí như tôn tạo được cảnh quan, tạo được độ che phủ, giảm bụi, tiếng ồn và phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của khu di tích, ít sâu bệnh và có khả năng chống chịu các điều kiện thời tiết khắc nghiệt... Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, các thành viên tham gia hội thảo đã đề xuất 27 loài cây có thể trồng tại khu di tích Côn Sơn.
Các đại biểu cũng thảo luận, tìm giải pháp phục hồi, bảo tồn và phát triển bền vững rừng dẻ ở Chí Linh.

Khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc có khoảng 1.000 ha rừng thông, keo, bạch đàn, trong đó có 600 ha là rừng keo, bạch đàn già cỗi. Thảm thực vật, rừng tự nhiên ít, thành phần loài đơn điệu, không có tính bản sắc khu vực, giá trị đa dạng sinh học thấp, ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái rừng và cảnh quan khu di tích.

TRUNG TUÂN