Giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến: Người dân còn ngần ngại
Tin tức - Ngày đăng : 16:03, 14/07/2020
Một ngày bộ phận "một cửa" ngành bảo hiểm xã hội tỉnh vẫn tiếp nhận hơn 100 hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính trực tiếp
Dù có hơn 99% số thủ tục hành chính (TTHC) cấp tỉnh có thể triển khai trực tuyến ở các mức độ 3, 4, song cả năm 2019, toàn tỉnh mới chỉ có 1,34% số hồ sơ giải quyết TTHC được thực hiện theo hình thức này. Tỷ lệ tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích cũng chưa đạt 50%.
"Dậm chân tại chỗ"
Hằng ngày, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tiếp nhận hằng trăm hồ sơ đề nghị giải quyết TTHC, nhưng số hồ sơ đề nghị giải quyết qua hình thức trực tuyến rất ít. Tháng 6 vừa qua, cả trung tâm tiếp nhận hơn 4.000 hồ sơ trực tuyến, chiếm 20% trong tổng số hồ sơ do trung tâm tiếp nhận. Trong đó, có 3.200 hồ sơ trực tuyến thuộc lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH). Tuy nhiên, đối với ngành đã có 100% số TTHC được thực hiện trực tuyến theo các mức độ 3, 4 như BHXH, con số này chưa phải là cao, bởi vẫn có hơn 3.000 hồ sơ nộp trực tiếp tại quầy tiếp nhận của ngành tại trung tâm.
Trong thời gian giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, bộ phận "một cửa" huyện Kim Thành tiếp nhận 2 hồ sơ đề nghị giải quyết TTHC trực tuyến. Sau khi được cán bộ tư vấn do hồ sơ còn thiếu, người đề nghị lại đến và giải quyết TTHC trực tiếp.
"Dậm chân tại chỗ" là tình trạng chung của hầu hết các bộ phận "một cửa" cấp huyện trong tiếp nhận, giải quyết TTHC trực tuyến. Các bộ phận "một cửa" cấp huyện mới chỉ cung cấp được 1-3 TTHC trực tuyến ở các mức độ 3, 4. UBND TP Chí Linh trong nửa đầu năm đã tiếp nhận, giải quyết gần 22.000 hồ sơ nhưng chưa có TTHC nào được thực hiện trực tuyến theo các mức độ 3, 4.
Cán bộ nhiều bộ phận "một cửa" cấp huyện cho biết đa số người dân từ chối giải quyết TTHC trực tuyến, ít người chọn sử dụng dịch vụ bưu chính công ích. Nguyên nhân chính do thói quen phải đến tận nơi, nộp hồ sơ tận tay cán bộ thì người dân mới yên tâm. Nhiều người sợ thiếu chính xác khi thao tác trên máy tính, điện thoại thông minh... Mặt khác, nhiều TTHC còn rườm rà, cần nhiều giấy tờ, hồ sơ nên không thuận tiện cho giao dịch trực tuyến, nhất là các TTHC liên quan đến đất đai...
Loay hoay tìm giải pháp
Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh từ ngày 31.7.2019 đã tiếp nhận tờ khai điện tử đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông cho người dân trong tỉnh. Tại bộ phận "một cửa" này bố trí 3 màn hình máy tính với phần mềm làm tờ khai điện tử hiển thị sẵn, rất dễ sử dụng. Phòng cử cán bộ trực để "cầm tay chỉ việc" cho người dân hoặc hướng dẫn tận nơi theo đề nghị.
Một số địa phương giao nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho Phòng Văn hóa - Thông tin cấp huyện. Cổng Dịch vụ công của tỉnh đã có video hướng dẫn từng bước thực hiện dịch vụ công trực tuyến…
Những giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ người sử dụng dịch vụ công trực tuyến như trên đã có nhưng chưa nhiều và phần nào chưa phát huy hết hiệu quả. Nếu như các Phòng Văn hóa - Thông tin cấp huyện có thể triển khai tốt các hình thức tuyên truyền thì lại không chuyên sâu về chuyên môn, trình tự thực hiện TTHC để hướng dẫn người dân. Để thay đổi nếp nghĩ, dần hình thành thói quen trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho người dân cần phải có các giải pháp đồng bộ, đầu tư trang thiết bị, bố trí cán bộ chuyên môn phù hợp. Các trang, cổng thông tin điện tử, mạng xã hội… cần được tận dụng để phổ biến các video hướng dẫn, các hoạt động hỗ trợ người dân sử dụng thiết bị giải quyết TTHC trực tuyến. Cán bộ các bộ phận "một cửa" phải chính là người "cầm tay chỉ việc" hỗ trợ người dân chuyển dần từ giao dịch trực tiếp sang giao dịch trực tuyến.
Hội đồng đánh giá xác định chỉ số cải cách hành chính tỉnh đã giao Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu biện pháp khắc phục hạn chế trong giải quyết TTHC trực tuyến và qua dịch vụ bưu chính công ích ngay trong năm nay. Theo yêu cầu, sở này sẽ phải phân tích rõ nguyên nhân yếu kém, đề xuất các giải pháp tổng thể, cụ thể để khắc phục. Các sở, ngành khác cũng được Hội đồng phân công nhiệm vụ tương tự theo chức năng của mình. Nhưng đến nay, việc này vẫn chậm trễ. Một số ngành vẫn chưa đề xuất được giải pháp theo khung thời gian Hội đồng đã yêu cầu. Tuy muộn so với các tỉnh, thành phố khác nhưng việc tìm ra giải pháp thiết thực nâng cao tỷ lệ giải quyết TTHC trực tuyến là yêu cầu bắt buộc để hiện đại hóa nền hành chính.
LINH AN