Ở trong nhà có nên thoa kem chống nắng?
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 17:08, 15/07/2020
Khi ở trong nhà, dùng kem có chỉ số SPF thấp, khoảng 30+ kết hợp với kem dưỡng ẩm
Bác sĩ Lê Thái Vân Thanh, Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, cho biết tia UV có thể khúc xạ khi chiếu vào các mặt phẳng vật chất như kính, mặt nước, mặt đường nhựa... Do đó khi chúng ta ngồi trong phòng nơi có ánh sáng chiếu vào nhiều, vị trí ngồi làm việc gần cửa, gần mặt đường, gần vách kính, thì làn da cũng bị tác động gián tiếp.
Ngoài ra, ánh sáng từ màn hình công nghệ, đặc biệt phổ ánh sáng xanh dương phát ra từ các màn hình điện thoại, máy tính... tác động trên da suốt 8 giờ làm việc mỗi ngày. Loại ánh sáng này cũng gây hại rất nhiều cho da thông qua sự sản sinh các gốc tự do tế bào của da.
Năng lượng tia UV hoặc tia sáng tác hại trên da khi chúng ta làm việc trong môi trường trong nhà, thấp hơn so với làm việc trong môi trường. Song, tích lũy dần, chúng sẽ gây lão hóa và các vấn đề về sắc tố da.
Bác sĩ da liễu Robyn Gmyrek, Bệnh viện Park View Laser, Mỹ, cho rằng sử dụng kem chống nắng ngay cả khi ở trong nhà trong suốt cả năm là cần thiết, bởi tác dụng phụ lên da của tia UVA. "Nó không gây sạm da nên có thể bạn không biết được mức độ UVA mà mình tiếp xúc", bác sĩ nói.
Bác sĩ da liễu Orit Markowitz, Bệnh viện Mount Sinai, Mỹ, cho biết ngoài tia cực tím A, còn có tia cực tím B có thể làm hỏng DNA của da, gây viêm da, cháy nắng. Bác sĩ cũng giải thích, ánh sáng xanh phát ra từ màn hình kỹ thuật số như máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng có thể làm tăng mức độ sản sinh của sắc tố da, xuất hiện tàn nhang, gây viêm da, từ đó phá vỡ collagen và các mô đàn hồi trên da.
Bác sĩ Thanh cho biết, kem chống nắng bao gồm các hoạt chất bảo vệ da chống tia UV (UVA và UVB); các hoạt chất chống oxy hóa. Những hoạt chất này giúp da dọn dẹp gốc tự do tạo ra trong quá trình chuyển hóa tế bào hoặc do tác động của các yếu tố môi trường khác như ánh sáng khả kiến từ màn hình điện thoại, máy tính...; làm chậm tiến trình lão hóa của làn da theo tuổi tác.
Sử dụng kem chống nắng khi ở trong nhà tương tự khi ra đường. Yếu tố tác động đặc thù của hai môi trường có thể khác nhau ở một số điểm cần lưu ý. Ví dụ, cường độ năng lượng tia gây hại ngoài trời cao hơn, độ ẩm không khí trong văn phòng thấp hơn, ra đường có khẩu trang và áo che chắn giúp hỗ trợ chống nắng nhưng dễ gây trôi hoặc gây nhày nhụa lớp kem bôi chống nắng... Do đó, bạn lựa chọn các sản phẩm có tác dụng dưỡng ẩm hoặc bôi phối hợp lớp lót dưỡng ẩm trước khi bôi lớp kem chống nắng nếu chỉ ở trong nhà.
Chọn chỉ số chống nắng phù hợp với làn da và môi trường tiếp xúc. Khi ra ngoài trời, tiếp xúc ánh nắng cường độ cao, nên chọn chỉ số SPF cao, còn khi làm việc trong môi trường không bị nắng chiếu trực tiếp cần SPF thấp hơn.
Lựa chọn loại kem chất lượng phù hợp vùng da, loại da (da nhờn, da khô, da nhạy cảm...). Bôi trước khi ra nắng ít nhất 20 phút. Thoa lại sau 3-4 giờ. Ưu tiên những vùng tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời. Nếu có điều kiện, bôi kem chống nắng cho cả vùng tay chân, thân mình.
Theo VnExpress