Sự kiện nổi bật ngày 16.7

Sự kiện qua ảnh - Ngày đăng : 21:06, 16/07/2020

Thường trực Chính phủ tổ chức họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương về đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; hội nghị lần thứ 151 Ban Thường vụ Tỉnh ủy... là những sự kiện nổi bật ngày 16.7.

TRONG NƯỚC


Ngày 16.7, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các địa phương để đôn đốc tiến độ nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công – điểm nghẽn lớn trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, ngành, địa phương nhiều năm qua. Hội nghị lần này nhằm thống nhất những biện pháp đảm bảo giải ngân 100% vốn đầu tư trong năm 2020. Do tầm quan trọng đặc biệt đó, Hội nghị có sự tham dự của Thường trực Chính phủ và 45 Ủy viên Trung ương Đảng là lãnh đạo các bộ, ngành, Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất- TTXVN


Ngày 16.7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến thăm và làm việc tại Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel). Chủ tịch Quốc hội mong muốn Tập đoàn luôn giữ vững vị trí số 1 về hoạt động viễn thông trong khu vực Đông Nam Á; cần có sự đột phá về phát triển ngành viễn thông và mang lại nguồn tài chính lớn cho Tập đoàn, đóng góp cho nhà nước rất lớn và đóng góp cho sự lớn mạnh về nguồn lực của Quân đội nhân dân Việt Nam. Bên cạnh đó, tập đoàn cần tiếp tục chú trọng hoạt động nghiên cứu sản xuất và trở thành hạt nhân cho Tổ hợp Công nghiệp Quốc phòng công nghệ cao, đặt nền móng cho việc nước ta có thể làm chủ trang bị, vũ khí công nghệ cao, tự chủ việc sản xuất các trang bị, thiết bị này, tiếp tục nâng cao chất lượng, tính năng của các sản phẩm do Viettel chế tạo, phù hợp với khả năng tác chiến của Quân đội để củng cố sức mạnh quân sự, bảo vệ đất nước. Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi làm việc tại Tập đoàn Viễn thông Quân đội. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN


Ngày 16.7, Mạng lưới các Trung tâm Gìn giữ hoà bình ASEAN (APCN) tổ chức Hội nghị trực tuyến với chủ đề "Tăng cường hợp tác APCN ứng phó với dịch COVID-19". Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành về tham gia Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Trưởng Ban Chỉ đạo đến dự và phát biểu chào mừng tại điểm cầu Hà Nội. Trong ảnh: Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Dương Giang – TTXVN


Liên tục từ sáng sớm 16.7, Bệnh viện Lê Lợi (TP Vũng Tàu) tiếp nhận và cấp cứu cho gần 100 bệnh nhân với cùng các triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy. Những bệnh nhân trên trong đoàn khách du lịch khoảng 600 người thuộc Công ty CP Khử trùng Việt Nam (VFC) đi tham quan, nghỉ dưỡng tại TP Vũng Tàu.Theo các nhân viên Công ty, sau khi tham gia hội nghị khách hàng vào chiều tối 15.7, khoảng 20 giờ cùng ngày, toàn bộ nhân viên Công ty cùng dự bữa tiệc tại Nhà hàng Hera Palace tại 119 Hoàng Hoa Thám, phường Thắng Tam, TP Vũng Tàu. Sau khi dùng xong bữa, đến khoảng 23 giờ, nhiều người bắt đầu bị đau bụng, tiêu chảy, nôn ói. Tình trạng ngày một trầm trọng hơn nên gần sáng, rất đông người trong đoàn đã phải đến Bệnh viện Lê Lợi cấp cứu. Trong ảnh: Y, bác sĩ Bệnh viện Lê Lợi cấp cứu bệnh nhân bị ngộ độc. Ảnh: Mạnh Dương-TTXVN


Ngày 16.7, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Sơn La đã thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Hạng A Mua (sinh năm 1994, trú tại bản Làng Sáng, xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) về hành vi giết người. Nạn nhân là Hạng A Sồng, sinh năm 1972, cùng trú tại bản Làng Sáng, xã Háng Đồng. Tại cơ quan Công an, bước đầu Hạng A Mua khai nhận, tối 7.7, đối tượng lên lán của Hạng A Sồng ngủ cùng. Sáng 8.7, Mua dậy xin Sồng cơm ăn và ma túy nhưng Sồng không cho. Bức xúc, Mua đã dùng dao nhọn (loại dao của người dân tộc Mông) chém vào cổ Sồng làm nạn nhân tử vong. Sau đó, Mua lấy ma túy của Sồng sử dụng. Gây án xong, Mua trở về bản coi như không có chuyện xảy ra cho đến khi bị lực lượng chức năng bắt giữ. Trong ảnh: Đối tượng Hạng A Mua tại cơ quan công an. Ảnh: TTXVN


Cứ mỗi lần bãi rác Nam Sơn gặp vấn đề lại khiến Thủ đô Hà Nội gặp vấn nạn về môi trường. Đến ngày 16.7, sau 3 ngày người dân tại các xã Hồng Kỳ (Sóc Sơn, Hà Nội) căng lều bạt, ngăn cản xe vào đổ rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn rất nhiều tuyến phố trong nội thành Hà Nội rác thải đã ùn ứ, chất đống tại nhiều góc phố, lòng lề đường, gây mất mỹ quan đô thị và bốc mùi khó chịu ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Nếu tình trạng này còn kéo dài trong vài ngày tới có thể dẫn đến mức độ báo động về ô nhiễm môi trường cho Thủ đô Hà Nội. Trong ảnh: Tại khu vực Trần Hữu Dực quận Nam Từ Liêm xuất hiện những bãi rác dài đến gần 500 m (ảnh chụp ngày 16.7). Ảnh: Thành Đạt - TTXVN

TRONG TỈNH


Chiều 16.7, phát biểu kết luận hội nghị lần thứ 151 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển cơ bản nhất trí với những phương án Ban Cán sự đảng UBND tỉnh đề xuất để bảo đảm cân đối thu, chi ngân sách năm 2020. Các phương án được đề xuất gồm: Huy động Quỹ dự trữ tài chính; sử dụng 50% nguồn kết dư ngân sách cấp tỉnh năm 2019; cắt giảm dự toán ngân sách cấp tỉnh; tiết kiệm thêm 15% chi thường xuyên khác còn lại 6 tháng cuối năm 2020 và cắt giảm 70% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước ở tất cả các đơn vị thụ hưởng ngân sách, các cấp ngân sách; huy động tạm thời nguồn cải cách tiền lương... Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu từ nay đến tháng 10, các huyện, thị xã, thành phố chưa bố trí tiền tăng thu sử dụng đất đầu tư các dự án mới để có nguồn chủ động bảo đảm cân đối thu, chi ngân sách của địa phương và của tỉnh. Các cơ quan chức năng của tỉnh kiên quyết không xem xét, chấp thuận đầu tư các dự án mới đối với những nhà đầu tư năng lực kém, có biểu hiện không hợp tác, chây ỳ nộp tiền sử dụng đất. Trong ảnh: Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương chủ trì hội nghị lần 151 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ảnh: Hoàng Biên


Phát biểu tại hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến giai đoạn 2015-2020 của Sở Y tế tổ chức chiều 16.7, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lương Văn Cầu ghi nhận những nỗ lực của các cán bộ, nhân viên y tế trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Đồng chí cũng chỉ ra những định hướng cho phong trào thi đua yêu nước của ngành giai đoạn 2020-2025. Ngành y tế cần gắn phong trào thi đua yêu nước với việc học tập và làm theo tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nâng cao y đức, quy tắc ứng xử, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Tích cực nghiên cứu khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính để phục vụ người bệnh ngày càng tốt hơn. Trong ảnh: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lương Văn Cầu tặng bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020. Ảnh: Đức Thành


Ngày 16.7, hơn 19.600 thí sinh toàn tỉnh bước vào ngày thi đầu tiên lớp 10 THPT năm học 2020-2021. Buổi sáng thí sinh thi môn ngữ văn, chiều thi môn toán. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, 19.633 thí sinh đã thi môn ngữ văn, vắng 63 thí sinh; 19.626 thí sinh thi môn toán, vắng 70 thí sinh. Ngoài những thí sinh vắng do thuộc diện miễn thi, nhiều thí sinh bỏ thi không có lý do, 1 thí sinh ở Thanh Miện bị tai nạn. 2 thí sinh ở Chí Linh và Gia Lộc dù bị gãy chân vẫn cố gắng đi thi. Trong ngày đầu, không có giám thị và thí sinh vi phạm quy chế. Trong ảnh: Các thí sinh làm bài môn toán tại điểm thi Trường THPT Thanh Hà. Ảnh: Thành Chung

QUỐC TẾ


Dữ liệu chính thức do Cục thống kê quốc gia (NBS) của Trung Quốc công bố ngày 16/7 cho thấy kinh tế Trung Quốc đã trở lại đà tăng trưởng trong quý II, phục hồi mạnh hơn dự kiến từ sự suy giảm lịch sử do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.Theo NBS, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã bất ngờ tăng 3,2% trong giai đoạn từ tháng 4-6 trong bối cảnh công nhân, nhà máy và các công ty thận trọng trở lại hoạt động bình thường sau các biện pháp cách ly nghiêm ngặt để kiểm soát dịch COVID-19. Trong ảnh: Cảng hóa ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 12.4. Ảnh: THX/TTXVN


Đã có 7 nhân viên an ninh thiệt mạng khi một máy bay trinh sát chở họ bị rơi xuống núi ở tỉnh Van, miền đông Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 16.7, hãng thông tấn Anadolu dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu cho biết máy bay trên đã khởi hành từ sân bay Van Ferit Melen, trước khi bị rơi ở độ cao 2.200m xuống núi Artos. Lần cuối phi công liên lạc với trạm kiểm soát không lưu là khi máy bay đang bay ở huyện Baskale. Vào rạng sáng 16.7, máy bay đã bị mất liên lạc hoàn toàn. Theo Bộ trưởng Soyly, trong số các nạn nhân thiệt mạng có 2 phi công.Bộ trưởng Soylu sau đó đã tới hiện trường vụ rơi máy bay để kiểm tra. Trong ảnh: Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân tại hiện trường vụ rơi máy bay ở tỉnh Van, miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 16.7. Ảnh: AP/TTXVN


Nhà chức trách Indonesia ngày 16.7 cho biết tổng số người thiệt mạng do lũ tại huyện Luwu Utara ở tỉnh Nam Sulawesi của nước này đã tăng lên 24, ngoài ra còn 69 người mất tích. Hiện tại có 39 trung tâm tạm trú dành cho những người phải rời bỏ nhà cửa, gồm cả những trung tâm ở các khu vực miền núi chỉ có thể đến bằng xe 2 bánh để chuyển giao hàng tiếp tế do các cây cầu và đường sá bị hư hại. Trong ảnh: Lực lượng cứu hộ chuyển thi thể nạn nhân thiệt mạng do lũ lụt tại làng Radda, khu vực Bắc Luwu, Nam Sulawesi, Indonesia, ngày 15.7. Ảnh: THX/TTXVN


Apple ngày 16.7 đã lần đầu tiên cho ra mắt chương trình bản tin phát thanh, cung cấp nguồn tin hấp dẫn, phong phú từ hàng trăm tờ báo và tạp chí trên thế giới. Dịch vụ Apple News cập nhật các bản tin phát thanh hằng ngày do các diễn viên chuyên nghiệp đọc, với nội dung khai thác từ các đối tác như Esquire, Sports Illustrated, Time, Wired và Wall Street Journal. Tổng biên tập của Apple News, Lauren Kern, cho biết: "Apple News cung cấp cho người dùng rất nhiều nguồn tin tức hay và hấp dẫn. Chúng tôi mong muốn mang đến những cách tiếp cận mới với các bản tin phát thanh trên Apple News+ và chương trình tin tức hằng ngày mới ra mắt". Trong ảnh: Biểu tượng của Apple tại một cửa hàng ở Brussels, Bỉ. Ảnh: AFP/TTXVN