Game bạo lực - tác hại khôn lường

Góc nhìn - Ngày đăng : 11:04, 17/07/2020

Game online bạo lực đang ngày càng lan tràn, gây ra những tác hại khôn lường đối với giới trẻ hiện nay.

Chứng nghiện game online bạo lực đang lan nhanh như một bệnh dịch, không ít thanh thiếu niên đã bị cuốn vào vòng xoáy của nó. Những trò chơi bạo lực đã trở thành gợi ý cho nhiều đối tượng thực hiện các vụ bắt cóc, giết người dã man. Trong nhiều năm qua, chúng ta đã biết đến những vụ án do người cuồng game gây ra khiến dư luận không khỏi rùng mình. Tại Hải Dương từng có vụ Nghiêm Viết Thành (ở TP Hải Dương) giết chính bố đẻ của mình rồi chặt xác làm nhiều mảnh để phi tang chỉ vì bị bố mắng, nhắc nhở do Thành mải chơi game, về nhà muộn. Hay vụ Phạm Duy Quý ở thôn Ngoại Đàm, xã Phượng Hoàng (nay là xã An Phượng, Thanh Hà) chém chết 4 người thân trong gia đình cũng vì bị mắng do đi chơi game. Trong vụ án bé 5 tuổi chết ở nhà hoang tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) gần đây, nghi phạm khai “làm theo game”, giấu bé trai dẫn tới cái chết thương tâm của nạn nhân... 

Những kẻ nghiện game online bạo lực không khác gì những kẻ nghiện ma tuý, đầu óc họ đã biến thành nô lệ của game online bạo lực. Khi cơn nghiện game online bạo lực lên đỉnh điểm thì hành động của kẻ nghiện khi ấy không phải được điều khiển bằng lý trí của một người bình thường, mà bị điều khiển bởi ảo giác của những trò chơi bạo lực mà họ nghiện, không phân định được thế giới ảo và thật. 

Những vụ án mạng đau lòng do game bạo lực cảnh báo các gia đình cần giám sát và quan tâm nhiều hơn đến lứa tuổi teen. Cha mẹ cần nhận thức rằng nghiện game online bạo lực là một bệnh lý không hề đơn giản. Trên thế giới từng có một số trường hợp người chơi game chết trong tư thế đang ngồi chơi game hoặc gục xuống bàn phím máy tính hoặc ngất xỉu tại chỗ do chơi game thông mấy ngày đêm.

Bên cạnh đó, giới trẻ khi nghiện game online sẽ bị những tác động tiêu cực như bỏ bê việc học, quên đi nhiệm vụ chính của mình, bị sa sút về trí tuệ và thể chất. Những con nghiện game online bạo lực luôn ở trạng thái bị kích động mạnh, không thể kiểm soát hành vi cá nhân, phản xạ lờ đờ, chậm chạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mối quan hệ xã hội. Thậm chí người nghiện game online bạo lực còn có thể mắc các trạng thái bệnh lý như trầm cảm, lo âu, tăng động giảm chú ý hoặc trở nên hung hăng bất thường.

Nguyên nhân dẫn tới việc giới trẻ nghiện game online bạo lực là do nhu cầu giải trí của bản thân, sự hấp dẫn, lôi cuốn của các trò game online bạo lực, sự rủ rê của bạn bè và sự buông lỏng, thiếu quan tâm, giám sát của gia đình và nhà trường.

Để giúp đỡ các thanh thiếu niên cai nghiện game online bạo lực, cha mẹ cần phải giáo dục các con tính tự giác từ nhỏ, dạy các con biết chịu trách nhiệm với những việc mình làm, lời mình nói. Nếu có những kỹ năng này thì những đứa trẻ sẽ không sợ hãi khi mắc lỗi và các em sẽ không giấu giếm việc mình làm. Cha mẹ hãy gần gũi, lắng nghe con em mình để có thể làm bạn với chúng và hiểu tâm tư, nguyện vọng của chúng nhằm hạn chế tối đa những điều đáng tiếc mà tuổi trẻ thường vấp phải. Cần quan tâm tới các mối quan hệ xung quanh của con. Gia đình cần thường xuyên liên hệ với nhà trường để biết thông tin về tình hình học tập, tình cảm bạn bè để có những biện pháp giáo dục hợp lý.

Cơ quan quản lý nhà nước cần quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh internet, trò chơi trực tuyến. Các cơ quan truyền thông nên xây dựng chương trình tuyên truyền về tác hại của nghiện game online bạo lực, cách phòng tránh nghiện và phương pháp can thiệp. Song song với đó, chính quyền và đoàn thể cần tạo cho thanh thiếu niên những sân chơi, khu thể thao, giải trí để các em có thể thư giãn, giảm căng thẳng sau những giờ học tập thay vì sa vào các trò game online bạo lực như hiện nay.

Bản thân giới trẻ ngoài thời gian học tập nên tham gia vào các câu lạc bộ, hoạt động của tổ chức đoàn, hội, các nhóm học tập trong trường học, khu dân cư nơi sinh sống, tham gia tập thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe. Thanh thiếu niên nên có thói quen tạo lập thời gian biểu cho mình. Mỗi công việc, hoạt động nên đề ra kế hoạch, thời gian thực hiện hợp lý để tránh áp lực. Khi gặp khó khăn, căng thẳng, các em nên chia sẻ với bố mẹ, thầy cô giáo, bạn bè để được hướng dẫn, động viên đúng lúc, kịp thời.

ĐẶNG XUÂN KA(TP Hải Dương)