Dừng chi trả phụ cấp thâm niên cho giáo viên: Quyết định vội vàng

Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 16:58, 17/07/2020

Từ tháng 7.2020, giáo viên trong toàn tỉnh đã bị dừng chi trả phụ cấp thâm niên. Việc này làm nhiều thầy cô giáo hụt hẫng.


Việc dừng chi trả phụ cấp thâm niên từ 1.7 khiến nhiều giáo viên băn khoăn, lo lắng. Trong ảnh: Giáo viên Trường THCS Phạm Sư Mạnh (Kinh Môn) tiếp nhận hồ sơ tuyển sinh 

Giáo viên băn khoăn

Theo Luật Giáo dục năm 2019 vừa có hiệu lực từ 1.7, trong kết cấu tiền lương của giáo viên không có phụ cấp thâm niên. Mặc dù chưa có hướng dẫn cụ thể nhưng Hải Dương là một trong số ít địa phương trên toàn quốc đã dừng chi trả phụ cấp thâm niên cho giáo viên từ ngày 1.7.

Khi bị dừng chi trả phụ cấp thâm niên, nhiều giáo viên rất băn khoăn, lo lắng. Chị Ngô Thị Thu Hằng, giáo viên tiếng Anh Trường THCS Phạm Sư Mạnh (Kinh Môn) buồn bã cho biết: “Trước đây hằng tháng, tôi nhận được hơn 9,5 triệu đồng gồm lương và tiền phụ cấp thâm niên nhưng tháng 7 này chỉ nhận được hơn 8,4 triệu đồng, giảm hơn 1,1 triệu đồng”.

Hai vợ chồng chị Hằng đang nuôi 2 con, 1 cháu học đại học, 1 cháu chuẩn bị thi đại học. Cuộc sống gia đình và tiền cho con ăn học chủ yếu phụ thuộc vào thu nhập từ nghề giáo. Theo chị Hằng, giá cả thị trường ngày càng tăng trong khi thu nhập từ nghề của nhà giáo lại giảm, mỗi tháng mất hơn 1 triệu đồng khiến cuộc sống khó khăn hơn. 

Cô giáo Nguyễn Thị Hạnh Nguyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Lưu (Kinh Môn) cho biết năm nay nghỉ hè ngắn nên các chị em trong trường không còn thời gian đi làm thêm. Nhiều năm trước vào dịp này không ít cô giáo đã đi làm công nhân. Phụ cấp thâm niên bị cắt nên ảnh hưởng nhiều đến tâm lý, tâm huyết của giáo viên, có người bị giảm vài trăm nghìn đồng, có người giảm từ 3-4 triệu đồng so với trước.

Tháng này, chị Nguyễn Thị Kim Oanh, giáo viên Trường THPT Nam Sách II cũng bị giảm gần 1 triệu đồng tiền phụ cấp thâm niên. Chị Oanh cho biết vì đồng lương thấp nên cứ đến dịp hè nhiều giáo viên phải đi làm thêm để có thêm thu nhập.

Tiếp tục thực hiện đến khi có hướng dẫn cụ thể

Hiện nay, lương của giáo viên thường thấp hơn so với nhiều ngành nghề khác. Phụ cấp thâm niên là một sự chia sẻ, động viên của Nhà nước giúp giáo viên ổn định với nghề. Nhà giáo có thời gian giảng dạy từ 5 năm (60 tháng) trở lên thì được hưởng phụ cấp thâm niên. 

Theo Luật Giáo dục 2019, đội ngũ giáo viên không thuộc diện đặc thù không được hưởng phụ cấp thâm niên mà sẽ được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm, được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ. Theo đó, thu nhập của giáo viên theo luật mới gồm có tiền lương theo vị trí việc làm và phụ cấp đặc thù của nghề. Tuy nhiên, để thực hiện chế độ tiền lương mới của giáo viên thì phải xây dựng được các bảng lương mới theo vị trí việc làm và đã xây dựng được các khoản phụ cấp đặc thù nghề khi sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành theo Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21.5.2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Đến nay, các nội dung nêu trên đều chưa thực hiện xong.

Trả lời ý kiến của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh liên quan tới vấn đề này, ngày 6.7 vừa qua, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã có văn bản số 939/NGCBQLGD-CSNGCB hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo kể từ ngày 1.7.2020. Trong văn bản nêu rõ Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện phụ cấp thâm niên nhà giáo. Theo đó, các chính sách về chế độ tiền lương (trong đó có chế độ phụ cấp thâm niên) đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục vẫn thực hiện theo các quy định hiện hành cho đến khi có các quy định, hướng dẫn mới.

Như vậy, việc dừng chi trả phụ cấp thâm niên ở Hải Dương và một số tỉnh khác là vội vã. Kho bạc Nhà nước tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan cần sớm tham mưu với tỉnh tiếp tục chi trả phụ cấp thâm niên cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cho đến khi có hướng dẫn mới. 

PV