Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công

Kinh tế - Ngày đăng : 15:46, 18/07/2020

Ngày 18.7, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 242/TB-VPCP thông báo về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị giao ban trực tuyến đôn đốc triển khai công tác đầu tư công năm 2020.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Cụ thể, ngày 16.7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến đôn đốc triển khai công tác đầu tư công năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể và lãnh đạo các bộ, cơ quan: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ; các Bí thư, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Sau khi nghe Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư báo cáo; ý kiến phát biểu của các địa phương, bộ, ngành, cơ quan và ý kiến phát biểu của các Phó Thủ tướng, Thủ tướng Chính phủ kết luận.

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế sáu tháng đầu năm của Việt Nam chỉ đạt 1,81%, là mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm; tình hình sản xuất kinh doanh nhiều lĩnh vực khó khăn.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới dự báo tiếp tục suy thoái nặng nề, chúng ta cần quyết liệt thực hiện “Mục tiêu kép" đó là vừa nỗ lực phòng chống dịch bệnh, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công là vấn đề quan trọng, cấp thiết, góp phần kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho người lao động.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sửa đổi, hoàn thiện nhiều quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai và tăng cường phân cấp cho các địa phương nhằm thúc đẩy việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả đầu tư. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công sáu tháng đầu năm nay chỉ đạt 34,96 % kế hoạch (bao gồm cả vốn kéo dài từ các năm trước chuyển sang năm 2020), cao hơn so với cùng kỳ năm 2019 nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra, đặc biệt các dự án sử dụng vốn ODA có tỷ lệ giải ngân rất thấp. Trong khi nhiều bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao thì còn những bộ, cơ quan, địa phương giải ngân rất chậm.

Việc giải ngân chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu; một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự vào cuộc quyết liệt, thiếu quyết tâm chính trị; vai trò người đứng đầu chưa được phát huy; công tác lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế; một số dự án được giao vốn không giải ngân được hoặc giải ngân chậm, trong khi các dự án khác có nhu cầu vốn, có khả năng giải ngân nhanh nhưng không được bố trí vốn hoặc bố trí vốn thiếu; công tác chuẩn bị đầu tư nhiều dự án chưa kỹ, nhất là các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài; công tác thanh tra, kiểm tra chưa quyết liệt, còn xảy ra sai phạm trong đầu tư.

Hội nghị thống nhất xác định đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ chính trị trong tâm của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, là nhiệm vụ trực tiếp của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương. Mục tiêu đặt ra là phải nỗ lực phấn đấu quyết tâm cao nhất để giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020 và các năm trước chuyển sang, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau.

1. Triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19; các nghị quyết về phiên họp thường kỳ của Chính phủ; các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4.3.2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19; Văn bản số 622/TTg-KTTH và số 623/TTg-KTTH ngày 26.5.2020 về việc tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.

2. Các bộ, cơ quan, địa phương phải xác định rõ các tồn tại, yếu kém trong các khâu từ chỉ đạo, điều hành, quản lý đến tổ chức thực hiện dự án đầu tư. Xác định công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vướng mắc về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, thủ tục nghiệm thu, thanh quyết toán vốn đầu tư... là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy Đảng và chính quyền. Từ đó đề ra các giải pháp cụ thể, đồng bộ, kịp thời tháo gỡ các rào cản, khó khăn, vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn, khắc phục những yếu kém, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; phát động phong trào thi đua ở từng cấp, ngành, cơ quan, đơn vị để tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng còn lại năm 2020; đồng thời, thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đầu tư tư nhân để tạo động lực góp phần phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.


Đoàn tàu của dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+

3. Xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cụ thể về đầu tư công để có giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng, đấu thầu; thường xuyên rà soát, kiểm tra, đôn đốc không để xảy ra tình trạng chậm trễ, tồn đọng vốn, nợ đọng xây dựng cơ bản, tồn đọng hồ sơ giải quyết các thủ tục dự án đầu tư, đẩy nhanh công tác nghiệm thu, quyết toán, không để dồn vào cuối năm; chủ động rà soát tiến độ giải ngân của từng dự án để kịp thời có phương án điều chuyển theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định, bảo đảm hiệu quả vốn đầu tư.

4. Phân công trách nhiệm từng lãnh đạo của bộ, cơ quan trung ương và địa phương phụ trách trực tiếp từng lĩnh vực đầu tư, theo dõi tiến độ thực hiện, giải ngân của từng dự án, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiên quyết không để chậm những việc thuộc thẩm quyền được giao và phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành liên quan. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân, coi đây là căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020, là căn cứ để đánh giá cán bộ, bình xét thi đua khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra, phải kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan; kiên quyết chống trì trệ, tham nhũng, tiêu cực trong đầu tư công; điều chuyển, kiểm điểm, xử lý những trường hợp làm chậm, sai phạm theo quy định.

5. Đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo sát sao các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các quận, huyện, xã, phường trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư, xử lý kịp thời khiếu nại, tạo sự đồng thuận của nhân dân, không được để chậm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án đầu tư công.

6. Đối với số vốn kế hoạch năm 2020 chưa giao chi tiết cho từng dự án, yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương giao trước ngày 31.7.2020; quá thời hạn trên, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, tổng hợp chung, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ để điều chuyển cho bộ, cơ quan, địa phương khác có khả năng giải ngân cao, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án trong năm 2020.

7. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì:

a) Phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan, địa phương liên quan rà soát đối với số vốn năm 2019 kéo dài sang năm 2020, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8.2020 để xem xét, điều chuyển từ các dự án giải ngân chậm hoặc không có khả năng giải ngân sang dự án có nhu cầu giải ngân cao, các dự án cần hoàn thành trong năm 2020 theo đúng Nghị quyết Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 14, Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 14.7.2020 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ trực tuyến với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6.2020.

b) Phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương khẩn trương rà soát, tổng hợp tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương năm 2020 (bao gồm cả vốn ODA) và nhu cầu bổ sung vốn của các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương; trên cơ sở đó, báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trong tháng 8.2020 xem xét, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trong tổng mức vốn ngân sách Trung ương đã được Quốc hội quyết định.

8. Thủ tướng Chính phủ sẽ họp giao ban 1 tháng/lần với các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương định kỳ 15 ngày phải rà soát, cập nhật kết quả giải ngân, những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Hàng tháng công khai kết quả giải ngân của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương tại phiên họp Chính phủ, trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

9. Bộ Xây dựng phối hợp với Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn thiện Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định số 68/2009/NĐ-CP ngày 14.8.2013 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

10. Các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục rà soát các quy định pháp luật liên quan đến các thủ tục về đầu tư công và giải ngân đầu tư công, kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ theo quy định.

11. Tổ chức các đoàn kiểm tra do lãnh đạo Chính phủ và một số bộ trưởng dẫn đầu để trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân đầu tư công tại một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. Các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ở Trung ương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý, địa bàn được giao; thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo theo quy định.

Văn phòng Chính phủ thông báo để cơ quan, địa phương biết, thực hiện.

Theo TTXVN