Mỹ sẽ trừng phạt các tập đoàn Trung Quốc cải tạo trái phép Biển Đông, đe dọa nước khác?
Bình luận - Ngày đăng : 19:00, 18/07/2020
Tàu nạo vét Trung Quốc cải tạo và bồi đắp trái phép đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Bắc Kinh chiếm đóng bất hợp pháp. Ảnh: AMTI/CSIS
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell đã ám chỉ những điều này trong một hội thảo về Biển Đông ngày 14.7 và khẳng định Washington không loại trừ các biện pháp trừng phạt Bắc Kinh. Ông Stilwell chỉ ra việc các công ty nhà nước Trung Quốc đã hỗ trợ như thế nào trong các hoạt động cưỡng ép, bắt nạt các nước khác trên Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sau đó đã làm rõ hơn các ám chỉ của ông Stilwell ngày 15.7. Ông Pompeo tuyên bố Mỹ sẽ sử dụng tất cả các công cụ có thể để hỗ trợ các nước bị Trung Quốc xâm phạm tuyên bố chủ quyền và tuyên bố hàng hải hợp pháp.
Theo trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, trong 4 công cụ Trung Quốc sử dụng nhằm kiểm soát Biển Đông có tới 2 công cụ có sự hỗ trợ đắc lực của các công ty nhà nước Trung Quốc.
Theo báo South China Morning Post, hai cái tên cụ thể được ông Stilwell đặc biệt nhắc tới là Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC) và Tập đoàn Dầu khí xa bờ Trung Quốc (CNOOC). Ông Stilwell cũng chỉ mặt các tàu khảo sát thương mại thuộc công ty nhà nước Trung Quốc, nhấn mạnh những tàu này đã liên tục xâm phạm các vùng biển của nước khác.
"Nhiều công ty du lịch, viễn thông, ngư nghiệp và ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước cũng góp tay cho các hành vi bắt nạt và yêu sách bất hợp pháp của Trung Quốc. Các đội tàu đánh cá Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông dưới sự chỉ đạo của quân đội đã quấy rối và đe dọa các nước khác", ông Stilwell nói.
"CCCC đã cầm đầu việc nạo vét các căn cứ quân sự (trái phép) trên Biển Đông, với những tác động tàn phá khủng khiếp đối với môi trường biển và sự ổn định khu vực", theo ông Stilwell, chính từ "các pháo đài nhân tạo" này, Bắc Kinh đã đưa ra những yêu sách xâm phạm "vùng đặc quyền kinh tế" của các nước Đông Nam Á.
"Trong khi đó, CNOOC sử dụng giàn khoan khổng lồ HD-981 để đe dọa Việt Nam tránh xa quần đảo Hoàng Sa năm 2014. Giám đốc điều hành của CNOOC lúc đó đã tuyên bố giàn khoan này là lãnh thổ di động của Trung Quốc", trợ lý ngoại trưởng Mỹ lập luận.
Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio trước đó đã thúc đẩy các biện pháp trừng phạt đối với một số công ty nhà nước Trung Quốc, bao gồm CNOOC, CCCC và hai công ty con. Ông yêu cầu Chính phủ Mỹ chặn tài sản các tập đoàn này ở Mỹ và cấm các lãnh đạo của chúng làm ăn ở Mỹ.
Theo Tuổi trẻ