Xét tuyển vào lớp 6 chất lượng cao: Đừng gây áp lực cho con

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 07:08, 19/07/2020

Nhiều gia đình khá giả mong muốn con phải học trường chuyên, lớp chọn dẫn đến việc chạy trường, chạy lớp mà không quan tâm đến năng lực thực sự của con.

Việc chọn trường, chọn lớp cần phù hợp với năng lực của học sinh. Trong ảnh: Một phụ huynh hướng dẫn con làm hồ sơ đăng ký xét tuyển vào Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Hải Dương)

Một bộ phận không nhỏ phụ huynh tìm mọi cách để đưa con mình vào học trong những trường, lớp chất lượng cao dù năng lực học tập của các em hạn chế. Để rồi khi học, chính các em phải chịu áp lực tâm lý khi đuối hơn so với bạn bè. 

Bố mẹ muốn "mát mặt"...

Ngồi uống nước tại một quán trà đá ven đường Đỗ Ngọc Du (TP Hải Dương), hai người đàn ông nói chuyện sôi nổi về chuyện xét tuyển lớp 6 chất lượng cao của con mình. Câu chuyện xoay quanh việc con người này thiếu tiêu chuẩn xét tuyển vào lớp 6 chất lượng cao nên gia đình anh phải nhờ vả người quen tìm mọi cách để con được vào học. Chung quy là bởi gia đình anh này có điều kiện, không muốn con chỉ học lớp thường. "Vợ chồng tôi như này mà con chỉ học lớp bình thường thì đồng nghiệp, bạn bè cười vào mặt", anh này bảo. Đây cũng là suy nghĩ chung của không ít phụ huynh trong cuộc chạy đua vào trường chuyên, lớp chọn vẫn tồn tại lâu nay.

Nghe câu chuyện của hai người đàn ông trên, tôi sực nhớ cách đây mấy năm, chính người nhà của tôi cũng nhờ quen biết mà xin được 1 suất cho con vào lớp 6 một trường chất lượng cao, dù cháu chỉ là học sinh tiên tiến, lực học bình thường.

Chạy lớp, chạy trường cho con không phải là chuyện mới. Nhiều gia đình khá giả, bố mẹ có chức sắc hay có mối quan hệ với người này người kia... luôn muốn con mình phải học trường chuyên, lớp chọn. Thực tế, nhiều học sinh học giỏi vào lớp chất lượng cao bằng chính năng lực của mình. Nhưng cũng không hiếm trường hợp học lực hạn chế, chưa đủ điều kiện xét tuyển vẫn được bố mẹ tìm mọi cách chạy chọt để có suất vào lớp chọn. Một bộ phận không nhỏ phụ huynh cho rằng nhà mình giàu có, lại có chức quyền nên con cái cũng phải học ở lớp chọn mới nở mày, nở mặt với thiên hạ. Nếu con chỉ học những trường bình thường thì họ lo mất thể diện với bạn bè, đồng nghiệp và cả người nhà.

Hiệu trưởng một trường THCS có lớp chất lượng cao ở TP Hải Dương chia sẻ: "Thú thực thời gian này vào buổi tối vợ chồng tôi phải đi ra ngoài tới khuya mới về, không dám ở nhà vì nhiều người cứ đến nhờ vả xin cho con họ. Điện thoại cũng tắt nguồn hoặc không nghe máy, trừ người quen. Làm hiệu trưởng một trường như này cũng chịu nhiều áp lực lắm".

Một đồng nghiệp của tôi thông tin dù chỉ là phóng viên nhưng dịp này cũng nhận vài cuộc điện thoại của người quen nhờ kết nối để xin cho con họ vào trường, lớp chất lượng cao. Hầu hết những người đi xin đều muốn con mình được học tập trong môi trường tốt nhưng cũng có người thừa nhận vì muốn "mát mặt".

... nên con "gánh" hậu quả

Năm học 2019-2020, con gái chị V.T.N. ở huyện Tứ Kỳ đủ điều kiện tham dự xét tuyển vào lớp 6 một trường THCS chất lượng cao. Nhưng khi làm bài kiểm tra năng lực hai môn toán và ngữ văn, con chị N. chỉ được 13 điểm (thang điểm 20) nên không trúng tuyển. Nhờ vả người quen, cuối cùng chị N. cũng giúp con gái chen chân được vào một lớp của trường chất lượng cao. Tưởng như được học trong môi trường giáo dục tốt con chị N. sẽ tiến bộ nhưng thực tế lại không như vậy. "Cháu bị tâm lý, hay tỏ ra buồn bã khi học lực luôn đứng trong tốp cuối của lớp. Có những lúc cảm tưởng như cháu muốn bỏ học. Khoảng cách về khả năng nhận thức, trình độ làm bài giữa cháu và các bạn khá xa. Lúc trước chỉ vì sĩ diện mà tôi chạy chọt cho con, giờ nhận ra hậu quả đã muộn", chị N. buồn rầu nói.

Tôi giật mình khi nhìn vào kết quả khảo sát của 1 học sinh lớp 9 chất lượng cao của một trường THCS ở TP Hải Dương chuẩn bị tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2020-2021. Trong khi đa số các em đạt điểm cao, em này và hàng chục học sinh khác có tổng điểm bài kiểm tra 3 môn toán, ngữ văn và hóa học chỉ được 12-15 điểm. Có em bị điểm 1 môn toán, nhiều em chỉ đạt 2-3 điểm môn hóa học, 3-4 điểm môn ngữ văn. Hiệu trưởng trường này cho biết kết quả thi thử của các em được gửi về từng gia đình và chắc chắn nhiều phụ huynh đã thấy được hệ quả của việc chạy trường, chạy lớp không phù hợp với sức học của con.

Theo hiệu trưởng một số trường THCS chất lượng cao, những học sinh năng lực học tập hạn chế khi vào các lớp chất lượng cao thường bị đuối so với các bạn. Nhiều em có quyết tâm nên bắt kịp được số đông nhưng cũng không ít em học kém dẫn tới chán nản. 

Hiệu trưởng Trường THCS Bình Minh (TP Hải Dương) Đặng Quang Hải Việt cho rằng trong xã hội nhiều em từ khi sinh ra đã bị khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn mà không được học hành đến nơi đến chốn. Vì thế, các bậc phụ huynh cần hiểu rằng con mình khỏe mạnh, được học tập bình thường đã là hạnh phúc rồi. Hãy giáo dục tinh thần tự học cho học sinh, để các em phát huy đúng năng lực, sở trường của mình. Không nên điều khiển việc học hành của con cái chỉ vì sự sĩ diện của bản thân bố mẹ. "Quan trọng nữa là mỗi nhà trường cần không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục để học sinh có môi trường học tập tốt và biết phát huy khả năng", thầy Việt nói.

BÌNH MINH