Nhật Bản hỗ trợ 15 doanh nghiệp mở rộng sản xuất ở Việt Nam, dần rời khỏi Trung Quốc
Thế giới - Ngày đăng : 17:14, 20/07/2020
Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) vừa công bố danh sách 30 doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của nước này, có nhà máy ở các nước Đông Nam Á, đủ điều kiện để nhận hỗ trợ chuyển dịch, mở rộng nhà máy.
Đây là những doanh nghiệp được lựa chọn đầu tiên trong số 124 doanh nghiệp đã đăng ký của chương trình "Hỗ trợ đa dạng hoá chuỗi cung ứng ở nước ngoài" do chính phủ Nhật Bản triển khai từ tháng 4.2020
Đáng chú ý, trong 30 doanh nghiệp đầu tiên được chọn trong vòng tài trợ di dời sang khu vực Đông Nam Á lần này, có đến 15 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế như găng tay, mặt nạ, áo choàng y tế, vải y tế, linh kiện động cơ.
Các doanh nghiệp còn lại đến từ các nước Phillipines, Myanmar, Thái Lan, Malaysia, Indonesia...
Chương trình nhằm khuyến khích các nhà sản xuất Nhật Bản chuyển cơ sở sản xuất ở nước ngoài tới Đông Nam Á, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 làm rối loạn đáng kể chuỗi cung ứng của những công ty này, vốn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.
Các doanh nghiệp phải liên hệ lại với đại diện JETRO để thực hiện nhiều thủ tục khác trước khi chính thức nhận gói hỗ trợ từ chính phủ và sẽ chỉ được nhận trợ cấp khi mở thêm nhà máy hoặc thúc đẩy công suất hiện có của mình.
Chương trình này trị giá 23,5 tỷ yen (220 triệu USD), được tích hợp vào gói kích thích kinh tế khẩn cấp của Chính phủ Nhật Bản nhằm giảm bớt đà đi xuống của nền kinh tế do COVID-19, hướng đến mục tiêu giúp các công ty đa dạng hóa chuỗi cung ứng bằng việc hỗ trợ tài chính để xây dựng các cơ sở sản xuất cũng như những nghiên cứu khả thi tại các nước ASEAN.
Sáng kiến này được đưa ra sau khi nhiều hãng sản xuất xe hơi và các nhà chế tạo khác của Nhật Bản bị thiếu hụt phụ tùng sản xuất ở Trung Quốc do đại dịch COVID-19.
Theo JETRO, đây là động thái để cải thiện lỗ hổng trong chuỗi cung ứng của Nhật Bản, đồng thời tăng cường mối quan hệ hợp tác kinh tế và công nghiệp Nhật Bản - ASEAN .
Tỉ lệ nhận hỗ trợ vốn/trên dự án sẽ được điều chỉnh theo quy mô của doanh nghiệp, hợp đồng tài trợ cũng chia theo nhiều giai đoạn trong đó hạn kết thúc là 31.3.2025.
Trao đổi với phóng viên, ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện văn phòng JETRO tại TP Hồ Chí Minh, cho biết dịch bệnh cũng là lúc các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam xem xét lại chuỗi cung ứng sản xuất của mình.
Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng như nhiều doanh nghiệp FDI khác tại Việt Nam đều gặp khó trong tìm kiếm các nhà cung cấp mới, đây là thách thức không dễ giải quyết trong một tháng, hai tháng hay một năm.
Nhưng doanh nghiệp cần chấp nhận rủi ro, chuệch choạc ban đầu để giảm phụ thuộc vào bên ngoài từ nhà cung cấp đến đội ngũ nhân sự.
"Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam đi kèm với chiến lược, mục tiêu dài hạn vì vậy một chuyển động khác chúng tôi cũng nhìn thấy lúc này là họ đang lên kế hoạch thay đổi phù hợp với tình hình mới, chưa có doanh nghiệp nào nói rằng họ muốn rời Việt Nam", ông Hirai Shinji nói.
Theo Tuổi trẻ