Bộ Giáo dục và Đào tạo dừng hơn 200 chương trình liên kết đào tạo quốc tế
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 06:43, 22/07/2020
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết bộ đã cho dừng hơn 200 chương trình liên kết đào tạo
Ngày 21.7, tại hội nghị thúc đẩy cơ hội học tập chương trình giáo dục quốc tế tại Việt Nam, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phùng Xuân Nhạ cho biết bộ đang xử lý những chương trình liên kết do lịch sử để lại. Còn từ thời gian này trở đi, việc kiểm định chất lượng các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài sẽ rất chặt chẽ, mở chương trình nào phải làm tốt luôn chương trình đó.
Những năm gần đây, xu hướng hợp tác và liên kết quốc tế ngày càng mạnh. Việc hợp tác không chỉ dừng lại ở trọn vẹn một chương trình đào tạo mà xuất hiện nhiều phương thức linh hoạt với mục đích tạo thuận lợi nhất cho nhu cầu của người học.
Hiện Việt Nam có 70 cơ sở giáo dục đại học cung cấp chương trình giáo dục quốc tế, 600 chương trình liên kết đào tạo (trong số này Bộ GDĐT đã rà soát và chỉ để lại 352 chương trình hoạt động).
Từ năm 2018 đến nay, Việt Nam đã có 3 trường đại học lọt top 1.000 trong các bảng xếp hạng của thế giới và 8 trường lọt vào danh sách 500 trường hàng đầu châu Á. Số lượng sinh viên Việt Nam đang học tại nước ngoài khoảng 192.000. Số sinh viên quốc tế đến Việt Nam học trong 5 năm qua mỗi năm tăng 10%.
Do đó nhu nâng cao chất lượng các chương trình giáo dục quốc tế và chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài là rất lớn. Đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, hiện có một lượng du học sinh và sinh viên Việt Nam không thể ra nước ngoài học tập, đang cần tìm chỗ học trong nước. Ngoài ra, đây còn là cơ hội để các trường đại học Việt Nam đón thêm sinh viên quốc tế.
Tại hội nghị, đại diện nhiều trường đại học đều cho biết họ đang gặp trở ngại là trình độ tiếng Anh của học sinh Việt Nam còn thấp. PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho biết trường luôn phải tốn một năm đầu đào tạo tiếng Anh cho các học viên tham gia chương trình đào tạo quốc tế học tiếng Anh.
Câu hỏi liên kết với đối tác nào để đảm bảo chất lượng cũng được đặt ra. Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, góp ý các trường nên chọn đối tác chiến lược một cách chọn lọc thay vì gặp ai cũng mời hợp tác. Việc hợp tác nên dần tiến tới bình đẳng, các trường cần xây dựng thương hiệu của chính mình chứ không nên chỉ dựa vào thương hiệu của trường đối tác.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Bộ GDĐT đang thúc đẩy các trường đại học ở Việt Nam xây dựng các chương trình giáo dục quốc tế, chương trình liên kết, đón du học sinh về nước học và sinh viên quốc tế sang. Chủ trương là thế, nhưng hiện nay các trường đều đang vướng ở khâu đưa giảng viên nước ngoài và du học sinh Việt Nam cũng như sinh viên quốc tế vào Việt Nam.
Bà Dương Hồng Loan, Giám đốc chiến lược của Trường ĐH RMIT cho biết: "Để đưa một giảng viên nước ngoài vào Việt Nam thời điểm này, trường cần tới 10 người đi lo đủ các loại thủ tục. Ngoài ra, trường cũng chưa có cách nào đưa nhóm sinh viên Việt Nam đi trải nghiệm ở nước ngoài bị kẹt lại vì COVID-19 về nước".
Về trường hợp này, Bộ trưởng Bộ GDĐT cho biết sẽ làm việc với các cơ quan khác để đưa giáo viên, học sinh, du học sinh vào Việt Nam dạy và học trở lại bình thường.
Phát biểu tại hội nghị, quyền vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, cho biết: "Hiện các quy định đã cho phép các trường công nhận tín chỉ của nhau, sinh viên được chuyển từ trường này sang trường khác miễn là hai trường đồng ý, và đầu vào nhập học của sinh viên không được thấp hơn so với điều kiện tuyển sinh đầu vào của trường. Việc các sinh viên được luân chuyển trong hệ thống hay sinh viên từ nước ngoài về học đều đã có quy định. Đây là cơ hội cho đại học ở Việt Nam".
Theo Tuổi trẻ