Đình Phú Tảo và chuyện về tướng quân Hồng Công
Di tích - Ngày đăng : 07:50, 22/07/2020
Đình Phú Tảo ngày nay
Đình Phú Tảo, phường Thạch Khôi (TP Hải Dương) tọa lạc giữa khu dân cư trù mật. Theo thuyết phong thủy, đình xưa xây dựng trên một vị trí đắc địa, quy mô lớn, bề thế trong một quần thể kiến trúc gồm đình, chùa, nghè, văn chỉ. Năm 2015, đình Phú Tảo được UBND tỉnh xếp hạng.
Theo nội dung tấm bia “Thần sự tích bi” khắc dựng vào năm Đinh Mão, niên hiệu Tự Đức 20 (1867), vào thế kỷ VI, tại khu Tây, trang Thạch Khôi, huyện Gia Phúc, châu Hạ Hồng có một gia đình họ Nguyễn, tên húy là Nghĩa, lấy vợ người khu Nam của bản trang họ Trần, tên húy là Hoan. Hai vợ chồng tuổi đã cao mà chưa có con nên hết lòng tu nhân tích đức, cứu giúp người nghèo. Một hôm, hai vợ chồng bàn nhau dựng một túp lều cỏ ở khu đất ở đầu cầu bến sông, hằng ngày ra bán chè lam để làm nghiệp sống.
7-8 năm sau, Hoan nương sinh đôi hai người con, một trai, một gái. Con gái đặt tên là Phương Nương, con trai là Hồng Công. 3 năm sau, Nghĩa công mắc bệnh qua đời, ba mẹ con tự nuôi dưỡng nhau. Càng lớn các con của Hoan nương càng có những nét khác hẳn người thường. Phương Nương xinh đẹp, dung nhan yểu điệu, mắt phượng mày ngài. Hồng Công mưu lược, văn võ song toàn. Năm 16 tuổi, hai chị em nổi danh thiên hạ, tiếng tăm tài giỏi lẫy lừng trong nước.
Năm đó, giặc Chiêm Thành đem quân xâm lược nước ta. Vua Lý vô cùng lo lắng, lập tức lệnh cho 30 vạn người đến cự chiến nhưng không thắng nổi.
Vua dẫn quân thân chinh đi đánh giặc, khi đến địa giới huyện Gia Phúc, nghe tin tại bản trang (Tây khu) có con một nhà nổi tiếng tài giỏi liền cho quân dò hỏi. Nhân dân đều đến bái yết đông đủ, trong đó có 3 mẹ con Hoan nương. Vua thấy Hồng Công và Phương Nương dung mạo khác hẳn người thường nên cho gọi, hai người liền tâu rằng: “Nước nhà có giặc đến hoành hành, cuộc sống của nhân dân vô cùng khổ cực. Đang như bậc thánh hiền thời trước, nay là đấng nam nhi khí đảm, dù có bỏ xác nơi sa trường, cũng lấy da ngựa bọc thây mà trở về, hai con cũng thi tài dốc sức để cứu giúp nước nhà”. Sau đó cùng xin vua toàn tâm tận lực đi đánh giặc.
Bấy giờ, nhân dân khu Nam (khu dân cư Phú Tảo ngày nay) có 14 người theo Hồng Công làm gia thần. Vua phong Hồng Công làm Trung quân xuất tướng, Phương Nương làm Trước quân xuất tướng, tiến đến đồn giặc đóng, giáp chiến một trận. Quân giặc khiếp vía bỏ chạy, số chết nhiều vô kể, số sống sót tìm đường chạy trốn, quân giặc đã được dẹp yên.
Thắng trận, vua vô cùng phấn khởi, triệu vời Hồng Công và Phương Nương hồi triều, mở yến chúc mừng. Phương Nương không đi mà xin trở về nhà nhỏ ở bến sông của bản khu. Vua phong Hồng Công làm Nội thị hầu tri quân sự. 1 năm sau, vua lệnh cho Hồng Công đi chiêu dân, lập ấp ở các châu, phủ. Hồng Công xuống Nam thì Nam phục, lên Bắc thì Bắc yên, dân chúng an cư lập nghiệp.
Sau đó, Hồng Công dâng biểu xin vua về thăm hỏi gia đường, phụ mẫu. Xa giá của Hồng Công về đến miếu Lăng (nay thuộc khu dân cư Phú Tảo) thì trời bỗng tối, nước sông dâng cao cuồn cuộn, các loài giao long, ba ba, cua cá nổi lên trên mặt nước. Hồng Công cưỡi trên một con rùa, rồi nằm mà mất (tức ngày 11.9).
Vua nghe tin vô cùng thương xót, liền sai đình thần về hành lễ an táng, ban cho khu Nam ruộng công, tiền 500 quan, miễn binh lương thuế khóa 18 năm, khen phong mỹ tự: “Thượng đẳng phúc thần”, cho phép khu Nam, xã Thạch Khôi quê mẹ là hộ nhi, phụng thờ các ngày sinh, hóa.
Do có công lao với nước, với dân, Thành hoàng Hồng Công được các triều đại phong kiến ban tặng nhiều sắc phong. Hiện nay, tại đình Phú Tảo còn lưu giữ 5 đạo sắc vào các năm: Tự Đức thứ 6 (1853), Tự Đức thứ 33 (1880), Đồng Khánh thứ 2 (1887), Duy Tân thứ 3 (1909) và Khải Định thứ 9 (1924).
Để tưởng nhớ, tri ân công đức của tướng quân Hồng Công, dân làng Phú Tảo đã xây dựng đình phụng thờ và tôn làm Thành hoàng. Theo trí nhớ của các bậc cao niên, ban đầu đình Phú Tảo có quy mô nhỏ, đến thời Hậu Lê (thế kỷ XVIII) được xây dựng khang trang, ba mặt bao bọc bởi ao tạo cảnh quan đồng thời cũng là nơi lưu thủy, tụ phúc. Công trình kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung, phía trước có hai dãy dải vũ, mỗi dãy 3 gian, cột bằng đá. Ngoài cùng sân đình có hai cây phi lao to, giữa hai cây là tắc môn (bình phong).
Năm 1968, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, toàn bộ khu di tích bị hạ giải lấy nguyên vật liệu xây dựng các công trình phúc lợi. Các đồ thờ tự (tượng Thành hoàng, câu đối, đại tự, ngai thờ, hòm sắc, đèn nến...) được người dân di chuyển vào chùa Bồ Đề (cách đình 300m về hướng bắc).
Năm 1970, địa phương cho xây dựng 5 gian nhà gạch trên nền tòa đại bái cũ làm hội trường của thôn đồng thời cũng làm nơi chứa thóc của HTX. Để đáp ứng nhu cầu thờ tự, dân làng đã xây dựng 2 gian nhà nhỏ nối vào gian trung tâm của nhà hội trường, phía ngoài ngăn cách bởi hệ thống cửa bức bàn.
Năm 2008, nhân dân, con em xa quê đóng góp, đình Phú Tảo được khôi phục lại. Công trình xây dựng lùi lại phía sau nhà văn hóa (trước gọi là hội trường). Năm 2014, nhà văn hóa thôn xây dựng ra vị trí mới (đối diện đình hiện nay), 5 gian nhà văn hóa cũ được tháo dỡ để mở rộng sân đình. Cũng vào năm này, xây dựng một số công trình phụ trợ cho di tích như nghi môn, nhà khách... tạo cho khuôn viên di tích ngày một khang trang.
Hiện nay, đình Phú Tảo có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung. Tòa đại bái xây đao dĩ, mái lợp ngói mũi. Chính giữa bờ nóc đắp nổi phù điêu lưỡng long chầu nguyệt. Các đầu đao cong đắp rồng chầu, phượng mớm. Hệ thống cửa bức bàn, phía trên giáp mái có hàng chấn song con tiện chạy dài theo hệ thống cửa để tạo sự thông thoáng.
Nối liền phía sau tòa đại bái là tòa hậu cung 3 gian, xây tường hồi bít đốc. Kết cấu khung vì gồm 3 vì kèo chế tác giống tòa đại bái. Tại đây, bài trí tượng thờ Thành hoàng Hồng Công.
Hằng năm vào ngày 9-10.2 (âm lịch), chính quyền và nhân dân địa phương lại tổ chức lễ hội truyền thống để tưởng nhớ công ơn của tướng quân Hồng Công. Trong lễ hội, phần lễ có rước kiệu long đình, sắc phong từ đình ra nghè Phú Tảo (cách đình 1km về hướng đông bắc). Phần hội có hát chèo, cờ người, kéo co...
ĐẶNG THU THƠM