Không được chủ quan với bệnh bạch hầu
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:40, 22/07/2020
Cuối tuần vừa qua, tôi gặp một chị ở Đắk Nông về thăm quê. Chị ấy kể người dân ở đó chủ quan lắm. Họ cho rằng dịch Covid-19 nguy hiểm như vậy còn không sao huống hồ bệnh bạch hầu. Cán bộ y tế phải đến tận nhà vận động, tuyên truyền để người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa và cho con đi tiêm vaccine có thành phần phòng chống bệnh này nhưng họ vẫn không nghe. Có nơi cán bộ y tế còn đến tận nhà để tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ nhưng nhiều cha mẹ vẫn nhất quyết không cho con tiêm.
Không hẳn ở Đắk Nông, tôi thấy số người tìm hiểu và quan tâm đến bệnh bạch hầu ở Hải Dương, thậm chí ngay tại TP Hải Dương cũng chưa nhiều. Nếu như trước đây, dịch Covid-19 được các địa phương tuyên truyền liên tục trên hệ thống loa truyền thanh thì với bệnh bạch hầu, công tác truyền thông có vẻ chưa được quan tâm nhiều. Vì thế, người dân tiếp nhận thông tin về bệnh này cũng khá hạn chế.
Sáng 19.7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đắk Nông xác nhận tại địa phương xuất hiện thêm ca nhiễm bạch hầu có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng cao vì có tiền sử dịch tễ phức tạp. Điều này cho thấy bệnh bạch hầu có nguy cơ lây lan diện rộng nếu không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ và người dân còn lơ là, chủ quan. Thực tế qua các ổ dịch ở các tỉnh Tây Nguyên cho thấy rõ sự nguy hiểm của bệnh bởi những ca bệnh xuất hiện ở nhiều lứa tuổi, cả những người đã tiêm phòng. TP Hồ Chí Minh cũng đã có trường hợp mắc. Do đó, nếu không được kiểm soát tốt, bệnh bạch hầu rất dễ lây lan đến các đô thị lớn, nơi tập trung đông người.
Mặc dù Hải Dương chưa xuất hiện ca nhiễm bạch hầu nào nhưng không phải vì thế mà chủ quan, buông lỏng, cho rằng bệnh vẫn ở khá xa chúng ta. Tại TP Hải Dương khi người dân có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế tốt hơn thì tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu cũng không cao. Theo số liệu thống kê của thành phố, 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ tiêm chủng có thành phần bạch hầu của TP Hải Dương chỉ đạt 48,6%, thấp hơn 1,4% so với chỉ tiêu. Còn các địa phương khác, nhất là khu vực nông thôn, tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng bệnh này là bao nhiêu thì cũng chưa có con số cụ thể. Có nhiều nguyên nhân được đưa ra nhưng nếu thực tế tỷ lệ tiêm chủng như vậy thì rất nguy hiểm. Bởi hiện cách phòng bệnh bạch hầu tốt nhất vẫn là tiêm vaccine.
Để ngăn chặn và đẩy lùi bệnh bạch hầu, bớt đi một nỗi lo dịch bệnh khác sau đại dịch Covid-19 rất cần sự vào cuộc quyết liệt của ngành y tế. Trước hết, các cơ sở y tế cần phối hợp tuyên truyền cho người dân hiểu mức độ nguy hiểm, khả năng lây lan và biện pháp phòng chống bệnh. Tuyên truyền làm sao để người dân không chủ quan nhưng cũng không hoang mang trước dịch bệnh. Biện pháp tốt nhất hiện nay là cần đưa trẻ đi tiêm vaccine có thành phần phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch. Các gia đình cần giữ vệ sinh nơi ở, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; vệ sinh mũi, họng hằng ngày...
Từ đầu tháng 7, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Y tế và các địa phương tăng cường giám sát dịch bệnh truyền nhiễm tại các cơ sở điều trị và trong cộng đồng. Vì thế, ngay lúc này, các địa phương trong tỉnh không nên coi phòng chống bệnh bạch hầu là việc riêng của ngành y tế mà cần tập trung vào cuộc chỉ đạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức cũng như hành động của người dân để đối phó hiệu quả với dịch bệnh như chúng ta đã làm với dịch Covid-19.
HẢI MINH (TP Hải Dương)