Vì sao chưa phân loại rác thải tại nguồn?
Môi trường - Ngày đăng : 18:01, 23/07/2020
Thói quen khó bỏ
Mỗi ngày, gia đình bà Trần Thị Hơn ở phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) thải ra khoảng 5 kg rác các loại. Giống như nhiều gia đình khác ở TP Hải Dương, bà Hơn thường cho tất cả các loại rác vào cùng một túi nilon rồi để ở vỉa hè chờ công nhân của Công ty CP Môi trường đô thị Hải Dương đến thu gom. Trong túi rác của gia đình bà Hơn có đủ các loại như cuống rau thừa, vỏ hoa quả, chén, bát vỡ... Theo bà Hơn, cả khu phố chưa có gia đình nào thực hiện phân loại rác thải (PLRT) vì thói quen nhiều năm nay, trong khi thành phố vẫn chưa có quy định cụ thể. "Việc PLRT mất thời gian nên ai cũng ngại. Vì vậy, nếu không có quy định bắt buộc, chắc chẳng ai thực hiện việc này", bà Hơn nói.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Hải Dương cho biết thành phố hiện có khoảng 75.000 hộ, mỗi ngày phát sinh khoảng 290 tấn rác thải sinh hoạt (RTSH) các loại. Tỷ lệ thu gom đạt khoảng 93% tổng lượng rác phát sinh, toàn bộ không được phân loại tại nguồn.
Sở Tài nguyên và Môi trường đã chú trọng tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn
Tại Chí Linh, mỗi ngày phát sinh khoảng 100 tấn RTSH được Công ty CP Giao thông, môi trường đô thị TP Chí Linh thu gom, vận chuyển, chôn lấp tại 5 bãi rác tập trung trên địa bàn thành phố. Giống như TP Hải Dương, 100% lượng rác phát sinh hằng ngày của TP Chí Linh cũng chưa được phân loại tại nguồn. Bà Nguyễn Thị Thừa, Phó Trưởng Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ Công ty CP Giao thông, môi trường đô thị TP Chí Linh cho biết do thói quen, người dân TP Chí Linh chưa phân loại, chia tách RTSH. Rác hỗn hợp ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động thu gom, vận chuyển do khối lượng lớn, lẫn nhiều loại rác cồng kềnh. Rác không được phân loại làm cho các bãi chôn lấp nhanh đầy, tốn kinh phí trong cải tạo, mở rộng.
Hiện nay, tổng lượng RTSH phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 1.100 tấn/ngày, trong đó 67% là rác hữu cơ. Lượng rác có thể tái chế gồm giấy bìa, túi nilon, nhựa, thủy tinh và kim loại chiếm tới 26% tổng lượng rác thải, tương đương khoảng 242 tấn. Thành phần rác thải không thể tái chế, sử dụng chỉ chiếm khoảng 7% gồm cát, sỏi, xỉ than, phế thải xây dựng...
Phải thay đổi
PLRT tại nguồn có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế-xã hội và môi trường. Việc phân loại sẽ làm tăng tỷ lệ rác thải tái sinh, tái chế, giảm bớt khối lượng rác thải cần xử lý. Khối lượng rác thải hữu cơ lớn sau khi được phân loại sẽ là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân compost chất lượng cao do không bị nhiễm các chất thải nguy hại, lẫn thủy tinh, kim loại, nhựa... Khi PLRT tại nguồn, giá trị của nhóm rác phế liệu sẽ tăng lên, góp phần thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải, giảm gánh nặng ngân sách... Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, PLRT tại nguồn tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái chế tài nguyên. Do có nguồn thu từ sản phẩm tái chế nên chi phí xử lý rác thải có thể giảm so với hiện tại. Đặc biệt, khi được phân loại, khối lượng rác phải xử lý tại lò đốt giảm. Rác phải đốt là loại dễ cháy nên quá trình đốt sẽ đạt nhiệt độ cao và xử lý triệt để được khí độc hại, giảm tác động tới môi trường.
Mặc dù vậy, theo bà Nguyễn Thị Thừa, việc PLRT tại nguồn còn rất mới mẻ đối với người dân Việt Nam nói chung, Hải Dương nói riêng. Hiện nay, người dân chưa có thói quen phân loại các loại rác thải hữu cơ, vô cơ, thậm chí còn lúng túng trong việc nhận diện các loại chất thải. Thói quen này phải bị loại bỏ cho phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.
Bên cạnh đó, những bất cập trong thu gom, vận chuyển, xử lý tại nhà máy cũng ảnh hưởng đến hoạt động PLRT tại nguồn. Ông Bùi Quang Bồng, Trưởng Phòng Kỹ thuật Công ty CP Môi trường APT-Seraphin cho biết để PLRT tại nguồn, ngoài việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân thì việc đầu tư trang thiết bị thu gom, vận chuyển, xử lý đồng bộ cũng là vấn đề rất đáng lưu tâm. Nếu không có hệ thống xử lý đồng bộ, việc PLRT tại nguồn sẽ không có ý nghĩa. Ngoài ra, kinh phí đầu tư cho việc mua sắm trang thiết bị như túi đựng rác, thùng chứa, phương tiện vận chuyển, điểm trung chuyển... cũng rất lớn, đòi hỏi quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cần tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao trách nhiệm của các hộ dân, chủ nguồn thải, cá nhân phát sinh RTSH để hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý RTSH đồng bộ, hiệu quả.
VỊ THỦY