Không nên quá lạc quan vì dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp
Tin tức - Ngày đăng : 17:26, 24/07/2020
Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Nguyễn Năng Hoàn cho biết dịch Covid -19 làm kết quả thu ngân sách của tỉnh giảm mạnh
Ảnh hưởng toàn diện
Tất cả các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là nhận định chung của nhiều đại biểu dự kỳ họp HĐND tỉnh.
Ông Phạm Thanh Hải, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương cho rằng dịch Covid-19 không tác động ngay tới kinh tế mà tác động từ từ, càng ngày càng rõ nét. Các làn sóng dịch liên tiếp xảy ra khiến doanh nghiệp ngày càng khó khăn. Trong đó, vướng nhất là nguồn nguyên liệu đầu vào phải nhập khẩu từ nước ngoài, nhất là từ Trung Quốc. Đây là lý do chỉ số công nghiệp hiện chỉ ở mức 2,3% trong khi cùng kỳ mọi năm ở mức 14-15%. Các yếu tố lợi thế của tỉnh như nguồn lao động bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là lao động trong lĩnh vực dệt may, da giầy..."Vì vậy không nên quá lạc quan với tốc độ tăng trưởng 2,86% bởi dịch vẫn còn diễn biến phức tạp", ông Hải nói.
Cũng theo ông Hải, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu đều giảm trong khi chỉ số giá tiêu dùng tăng, khiến ổn định kinh tế vĩ mô bị ảnh hưởng. Việc thu hút đầu tư khó bảo đảm, đời sống người dân gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Năng Hoàn, Tỉnh ủy viên, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả thu ngân sách, nhất là trong quý II. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp lớn trong tỉnh bị ảnh hưởng dẫn đến số tiền nộp ngân sách giảm. Công ty TNHH Ford Việt Nam nộp được trên 500 tỷ đồng, chỉ bằng 41% cùng kỳ năm trước. Công ty Thép Hòa Phát nộp được gần 239 tỷ đồng, bằng 46% cùng kỳ năm trước…Mặc dù các doanh nghiệp đã dần khôi phục hoạt động sản xuất nhưng vẫn còn chậm. Năm 2020 tổng thu ngân sách nhà nước ước được 12.948 tỷ đồng, chỉ đạt 95% dự toán năm, tương ứng giảm số thu 697 tỷ đồng và bằng 81% so với năm 2019. Tổng thu trừ tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết, lợi nhuận cổ tức được chia ước được 9.892 tỷ đồng, chỉ đạt 85% dự toán năm, tương ứng với số giảm thu là 1.700 tỷ đồng và bằng 87% so với năm 2019.
Ông Nguyễn Khắc Toản, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gia Lộc nêu, không chỉ ảnh hưởng tới kinh tế, Covid-19 còn khiến nhiều hoạt động xã hội 6 tháng đầu năm nay diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt, nhất là hoạt động dạy và học tại các nhà trường. Học sinh phải học trực tuyến, cắt giảm chương trình, nghỉ hè muộn, thi muộn hơn so với mọi năm. Các hoạt động thể thao cũng bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Minh Hùng, Tỉnh ủy viên, Quyền Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Kinh Môn đã thiệt hại 6 triệu USD do chậm tiến độ vì Covid -19. Riêng lĩnh vực du lịch của Hải Dương, lượng khách trong 6 tháng đầu năm giảm 62%, rất khó phục hồi vì tỉnh ta chủ yếu phát triển du lịch tâm linh, gắn với các lễ hội đầu xuân.
Ông Vũ Hồng Khiêm, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và xã hội thông tin, trong 6 tháng đầu năm toàn tỉnh chỉ có 656 người xuất khẩu lao động, chỉ đạt 14,5% kế hoạch do tác động của dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề về sản xuất, kinh doanh. Qua thống kê của BHXH, địa bàn tỉnh có 14.000 doanh nghiệp, nhưng có 120 doanh nghiệp có từ 50 lao động trở lên đã phải chấm dứt hợp đồng đối với người lao động . Có 3.500 lao động phải hoãn hợp đồng, nghỉ không hưởng lương. Có doanh nghiệp gần 2.000 lao động đã xin giải thể vì không thể duy trì sản xuất.
Ông Nguyễn Đình Kiêm, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận định tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, nhất là nhóm hoạt động sản xuất công nghiệp, xuất khẩu.
Chủ động gỡ khó
Tuy bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid -19, song các cấp, các ngành trong tỉnh đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo của trung ương, chủ động tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Hải Vân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Dương cho biết thời gian qua ngành ngân hàng trên địa bàn đã tích cực, chủ động tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 và xác định đây là nhiệm vụ xuyên suốt trong năm 2020. Đến ngày 17.7.2020, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ cho 577 khách hàng, dư nợ 1.724 tỷ đồng; miễn giảm, hạ lãi suất cho 12.646 khách hàng, dư nợ 25.134 tỷ đồng; cho vay mới 7.224 khách hàng với doanh số lũy kế từ ngày 23.1.2020 là 12.850 tỷ đồng.
Ông Phạm Minh Phương, Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp đồng tình với nhận định tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm của tỉnh và đối với các doanh nghiệp là giai đoạn cực kỳ khó khăn, nhưng chưa phải là đỉnh điểm. Ông Phương cho rằng, sang năm 2021 các doanh nghiệp mới thực sự đuối sức vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Vì vậy, việc xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2021 phải rất kỹ lưỡng để đề ra các mục tiêu sát thực tế.
Ông Phương kiến nghị cần tập trung phát triển kinh tế nội địa, ở những lĩnh vực là thế mạnh của tỉnh, rà soát, tập hợp, đề nghị các cơ quan Trung ương tháo gỡ khó khăn trong việc cho phép người nước ngoài trở lại làm việc cho các doanh nghiệp trong tỉnh…
Một số đại biểu cũng đề nghị cần quan tâm hỗ trợ cả nông dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid -19...
Nhóm PV