Những cuộc tập trận trên Biển Đông "Tôi đã đến đây như thế đấy"

Bình luận - Ngày đăng : 17:59, 25/07/2020

Các cuộc tập trận trùng thời gian của Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông đầu tháng 7 là những màn phô diễn "Tôi đã đến đây như thế đấy" bên cạnh những hoạt động săn lùng nhau trường kỳ.


Lực lượng tập kích Nimitz Carrier của Mỹ, bao gồm các tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan cùng các tàu hộ tống tiến hành tập trận trên Biển Đông. Ảnh: CNN

"Các tàu và thủy thủ thuộc hải đội tàu khu trục số 9 đã rất nỗ lực để tăng sự thuần thục chiến thuật trong tấn công tầm xa trên biển và tác chiến chống tàu ngầm", tư lệnh hải đội Todd Whalen tuyên bố trên trang chủ của Hải quân Hoa Kỳ hôm 4.7. 

Được biết, hải đội của ông đang cùng hai nhóm tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan diễn tập ở Biển Đông nhằm "bảo đảm tự do hàng hải và thông thương". Cùng lúc với cuộc diễn tập của Hải quân Hoa Kỳ là cuộc diễn tập của Hải quân Trung Quốc mà chủ chốt là tàu sân bay Liêu Ninh.

Cụm từ "thuần thục chiến thuật" không dễ hình dung. Song, đối với những người "trong cuộc", đây là cả một quá trình luyện tập lâu dài. Kinh điển huấn luyện của hải quân các nước đều nhấn mạnh yêu cầu trên. 

Còn nhớ, chủ tọa Hội nghị tàu tuần duyên (OPV) châu Á - Thái Bình Dương 2012, phó đô đốc Radhakrishnan thuộc Hải quân Ấn Độ, từng nói riêng với tôi: "Học tàu ngầm đến thuần thục tác chiến phải mất 10 năm". Thuần thục bao gồm trong tàu, khi phối hợp với biên đội tàu đang tham gia, rồi trong cả chiến dịch, đòi hỏi rất nhiều công phu huấn luyện và thực tế.

Tàu sân bay và tàu ngầm

Chuyện Mỹ công bố ảnh hai tàu sân bay cùng rẽ sóng "diễu hành" là màn tâm lý chiến nhắc nhở trực tiếp Trung Quốc rằng họ sẽ còn mất một thời gian nữa mới có thể sánh vai hai tàu sân bay như thế. 

Hiện có lẽ Trung Quốc đang ở giai đoạn tập cất, hạ cánh và chạy theo đội hình nhóm tác chiến với chiếc Liêu Ninh. Khoảng cách vẫn còn là xa so với những nước như Nhật Bản hay Mỹ, vốn đã đánh nhau bằng tàu sân bay từ 80 năm trước, hay thậm chí là Anh, Pháp, cũng đều có tàu sân bay đã kinh qua thực chiến.

Tuy nhiên, Hải quân Trung Quốc vẫn đang sở hữu thế mạnh đáng gờm là độ thuần thục của hạm đội tàu ngầm. Bài "Hải quân Trung Quốc có thể sở hữu 76 tàu ngầm vào năm 2030" trên National Interest ngày 30.4.2020 đi kèm tiêu đề phụ: "Lực lượng tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc sẽ không lớn lên nhiều, nhưng đang trở nên mạnh hơn rất nhiều". 

Dường như cho rằng năng lực tấn công của tàu ngầm Trung Quốc là đáng ngại nên Mỹ rất lưu tâm tới việc tập trận chống ngầm, đặc biệt là tại chiến trường quen thuộc của tàu ngầm ở Tây Thái Bình Dương: eo biển Ba Sĩ nằm giữa Đài Loan và Philippines theo hướng bắc - nam và nối Biển Đông với Thái Bình Dương theo hướng đông - tây.

Hôm 8.7, trang Twitter của South China Sea Probing Initiative (SCS-PI), tức "Sáng kiến điều nghiên biển Hoa Nam (Biển Đông)" của Trung Quốc đối trọng với Asia Maritime Transparency Initiative (AMTI), tức "Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á" của Mỹ, như thường lệ công bố phát giác về các hoạt động của đối phương: "Máy bay EP-3E của Hải quân Hoa Kỳ một lần nữa đã tiếp cận không phận ngoài khơi Quảng Đông, khoảng 50 hải lý hôm 8.7. [Trước đó], vào tối muộn 7.7 và sáng sớm 8.7, ba chiếc P-8A cũng xuất hiện gần eo biển Ba Sĩ, một chiếc vào khoảng 22 giờ tối, một chiếc khoảng 3 giờ sáng, và một chiếc nữa vào 5 giờ sáng".

Qua 10.7, SCS-PI tiếp tục "la làng": "Rất hiếm khi phát hiện hai chiếc P-8A của Hải quân Hoa Kỳ vào biển Hoa Nam gần như CÙNG thời điểm, như ngày 10.7". Chữ "CÙNG" được viết hoa trong nguyên văn, là một cách nhấn mạnh có chủ ý. 

Có gì mà Mỹ phải điều động cùng lúc hai chiếc máy bay? P-8A Poseidon là dòng máy bay thay thế các máy bay tuần thám chống ngầm P-3 Orion đã lỗi thời của Hải quân Mỹ. Với các hệ thống cảm biến âm thanh, radar, hệ thống điện tử hỗ trợ đo, cảm biến quang điện/hồng ngoại mới và đầu dò các dị thường từ tính kỹ thuật số đời mới, máy bay này là sát thủ săn ngầm của thời đại kỹ thuật số, đồng thời vẫn có đầy đủ năng lực tham gia tác chiến đa nhiệm. 

Điểm lạ thường của dòng máy bay này là nó là biến thể của dòng Boeing 737-800ERX dân dụng, song phi hành đoàn chỉ gồm hai người, bảy người còn lại trên máy bay phụ trách hỏa lực chuyên chống tàu ngầm (ASW), tàu mặt nước (ASUW), và ngăn chặn hàng hải (chống cướp biển, buôn người, buôn ma túy, quản lý đánh bắt thủy sản, ngăn chặn phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và chống khủng bố). 

Để tiện so sánh, P-8 Poseidon có số đầu dò âm học giúp phát hiện tàu ngầm là 126 so với 84 của P-3 Orion, khoan nói tới sự khác biệt giữa chính các đầu dò thế hệ mới và cũ.

Để hiểu thêm câu chuyện Mỹ tung máy bay săn ngầm, cần trở lại mẩu tweet ngày 7.7 của SCS-PI cho biết hôm đó Mỹ tung ra "một chiếc EP-3E, một P-3C, một P-8A, một RC-135W và một KC-135R". EP-3E (Orion) là máy bay trinh sát điện tử; P-3C là biến thể tác chiến có thể mang tên lửa chống hạm AGM-65 Maverick, AGM-84 Harpoon, tên lửa hành trình AGM-84, và bom các loại; RC-135W là máy bay trinh sát; còn KC-135R là máy bay tiếp liệu trên không, cùng trên nền tảng Boeing-717, một biến thể của Boeing-707 dân dụng. 

Việc huy động lực lượng tới cỡ đó có thể cho thấy Hải quân Mỹ hôm 7.7 có diễn tập săn ngầm cường độ cao với quy mô lớn ở Biển Đông.

Các kịch bản răn đe

Trong báo cáo của Cơ quan ngân sách thuộc Quốc hội Mỹ (CBO) tháng 2 vừa rồi về đề án tên lửa chiến thuật tầm xa, các nhà phân tích độc lập đã nghiên cứu các mối đe dọa khả dĩ từ các đối thủ Nga và Trung Quốc cũng như khả năng chống trả bằng tên lửa tầm xa mà Bộ Quốc phòng Mỹ đề nghị mua sắm cho năm 2020, trị giá có thể lên đến 6 tỷ đô la. 

Hai vùng biển được nhắc trong báo cáo là Biển Đông và biển Baltic. Theo báo cáo, trong kịch bản xung đột trên Biển Đông, Trung Quốc hiện kiểm soát trên thực tế một số đảo tranh chấp và đã nhanh chóng biến chúng thành các tiền đồn quân sự có khả năng cử lực lượng khắp trận địa, tương đối gần lục địa Trung Quốc.

Chuỗi đảo đầu tiên, trải dài từ Nhật Bản đến Đài Loan, Philippines và quần đảo Indonesia, gồm phần lớn là các đồng minh với Mỹ, nhưng sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực này rất khiêm tốn, chủ yếu tập trung quanh biển Hoa Đông ở phía bắc. 

Sau nhiều thập niên đầu tư mạnh vào hải quân cũng như tên lửa hành trình và đạn đạo, nay các lực lượng Trung Quốc trên đại lục có thể tấn công một cách "đáng tin cậy" vào căn cứ không quân của Hoa Kỳ ở bất cứ đâu trong khu vực chuỗi đảo này. 

Báo cáo cảnh báo Trung Quốc với hệ thống phòng không nội địa phiên bản tương tự S-300 của Nga và S-400 mua của Nga sẽ khiến việc Mỹ sử dụng không quân hỗ trợ hoạt động của hải quân là khá nguy hiểm cho đến khi Mỹ áp chế được lực lượng phòng không Trung Quốc. 

Việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo và thực thể trên Biển Đông dẫn đến hậu quả là họ có thể ngăn chặn không quân và hải quân Hoa Kỳ tiếp cận gần như toàn bộ Biển Đông.

Thực tế tháng 7 này là Mỹ huy động hai, rồi ba nhóm tàu sân bay cùng lúc trên Biển Đông cho thấy Trung Quốc chưa muốn động thủ hoặc do thực lực các nhóm tàu sân bay trên vẫn đủ mạnh để răn đe thêm một thời gian nữa. 

Phải chăng chính vì thế mà đợi đến sau khi tàu sân bay Theodore Roosevelt rời khu vực và về nước hôm 7.7, lực lượng Mỹ đã giảm 1/3, cuối tuần qua, Trung Quốc mới phái 8 máy bay J-11 (giống Su-27) tới đảo Phú Lâm để thị uy?

Theo Tuổi trẻ