Liệt sĩ thiếu niên Lê Thị Lành
Xã hội - Ngày đăng : 07:04, 26/07/2020
Với Bà mẹ Việt Nam anh hùng Vũ Thị Lai, mẹ của chị Lành, người con gái nhỏ của bà vẫn như hiển hiện đâu đây
Trong nghĩa trang liệt sĩ phường Hiệp Sơn (Kinh Môn) có phần mộ của liệt sĩ thiếu niên Lê Thị Lành. Chị nằm đó với tuổi xanh bất tận. Tấm gương dũng cảm của chị còn ít người biết đến.
Quên mình cứu bạn
Cống Bà Mưa ở xóm 4, thôn An Cường vài chục năm về trước là điểm hẹn của lũ trẻ trong làng. Lúc ngơi tay bắt cua, bắt cáy, lúc thả trâu tự do gặm cỏ, đám trẻ thường tụ tập về đây chuyện trò ríu rít, từ chuyện trường, chuyện nhà đến chuyện để dành được mấy đồng tiền bán cua cáy để đến tối rủ nhau đi mua kẹo. Mỗi lần như thế, Lê Thị Lành lại lội ruộng từ "xóm Đèn Đuốc" ra góp chuyện.
"Xóm Đèn Đuốc" nếp nhà của xóm 4 nằm tách biệt ngoài cánh đồng. Ở đó không có điện, chỉ thắp đèn dầu. Tên "xóm Đèn Đuốc" bắt nguồn từ lý do này. Đêm đêm, dưới ánh đèn dầu nhập nhoạng, Lành thường ngồi lọt thỏm trong lòng ông nội để nghe kể chuyện. Câu chuyện về những tấm gương dũng cảm, những người anh hùng... qua lời kể của ông như sống lại trong hình dung của một cô bé nhà nghèo. Là con gái nhưng Lê Thị Lành giống một cậu con trai nghịch ngợm. Ở lớp, Lành lớn nhỉnh hơn các bạn. Ở làng, Lành luôn bày trò cho các bạn mà trò nào Lành cũng tham gia được từ cưỡi trâu, đánh khăng, đánh đáo hay bơi lội.
Vào một ngày tháng 7 nắng chói chang như những ngày này của 28 năm về trước, lũ về trắng xóa cả cánh đồng, cống Bà Mưa cuồn cuộn nước. Dưới kênh, Lành cùng các bạn Nguyễn Thị Toan, Nguyễn Thị Hoa, Trần Thị Hạnh thỏa thuê ngụp lặn. Trên bờ, những đứa trẻ khác say mê với trò đánh công đồn. Lũ về từ nhiều ngày trước, bờ kênh đã loang lổ những đám rong rêu trơn trượt. Chợt Toan, rồi Hoa và Hạnh níu nhau trượt chân bị hút vào cánh cống. Những đứa trẻ trên bờ nháo nhác co rúm vào nhau sợ hãi. Nếu chạy vào làng gọi người lớn thì không kịp, Lành đã lao vào dòng nước xoáy lặn tìm các bạn. Vốn bơi lội giỏi, nhưng một mình ngụp lặn kéo được Toan, Hoa rồi Hạnh lên bờ thì cũng là lúc Lành đuối sức. Người lớn từ trong làng ào đến nhưng không thấy Lành đâu nữa, mấy tiếng sau họ mới tìm thấy xác Lành.
Ngày hôm sau, hàng nghìn bà con và học sinh các trường tụ họp về để đưa Lành lên sườn núi Tràng Vương. Con đường từ "xóm Đèn Đuốc" đến lưng chừng núi ken đặc người. Không ai kìm được nước mắt trước sự hy sinh của cô thiếu niên anh dũng. Lành nằm trên sườn núi Tràng Vương, mặt hướng về làng - nơi có những người bạn chăn trâu cắt cỏ, nơi có người mẹ hiền thất thần vì mất đứa con duy nhất. Chị ở đó 10 năm, đến năm 2002 được suy tôn và đưa vào nghĩa trang liệt sĩ của xã (nay là phường Hiệp Sơn).
Đã 28 năm trôi qua kể từ ngày chị Lành quên mình cứu bạn nhưng trong ký ức của mình, anh Nguyễn Thắng Hướng vẫn nhớ như in từng cử chỉ, giọng nói, dáng người của cô bạn thuở nhỏ. "Cùng tuổi nhưng Lành lớn nhất bọn và đen nhẻm. Chỉ tầm 10 tuổi nhưng Lành đã được cả làng biết đến vì có thể bơi vượt sông Kinh Thầy. Bơi lội giỏi và nghịch ngợm giống như con trai nên khi thấy các bạn bị nước cuốn, chỉ mình Lành dám nhảy xuống cứu. Nếu không có Lành ở đó, chắc các bạn sẽ không còn ai sống sót", anh Hướng nhớ lại. Những người được Lành cứu sống, phần vì ám ảnh, phần vì đi lấy chồng xa nên câu chuyện dũng cảm của người liệt sĩ thiếu niên ấy ít được nhắc đến. Kể cả ở địa phương, tấm gương hy sinh anh dũng của liệt sĩ thiếu niên này cũng không nhiều người còn nhớ. Cống Bà Mưa - nơi ghi dấu sự quả cảm của chị Lành theo thời gian cũng không còn nữa. Bây giờ, cống Bà Mưa, "xóm Đèn Đuốc" cũng chỉ còn trong ký ức.
Ông Trần Văn Chương, Chủ tịch UBND phường Hiệp Sơn kể lúc chị Lành hy sinh ông còn là Phó Bí thư Đoàn xã. Hành động dũng cảm của Lê Thị Lành là một câu chuyện xúc động về tình cảm, sự hy sinh vì bạn bè. Chị Lành được suy tôn liệt sĩ là niềm vinh dự của địa phương và là sự ghi nhận của các cấp, các ngành. Cho đến nay, đây là liệt sĩ thiếu niên duy nhất của Hải Dương được suy tôn do có hành động dũng cảm cứu người.
Những ngày tháng 7, phần mộ của liệt sĩ thiếu niên Lê Thị Lành luôn được nhiều người thăm viếng
Truyền thống gia đình
Liệt sĩ thiếu niên Lê Thị Lành sinh năm 1980 có bố là liệt sĩ Lê Xuân Hiền. Ông Hiền sinh năm 1958, hy sinh ngày 7.4.1979 trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Em ruột ông nội của chị Lành cũng là liệt sĩ chống Pháp.
Chị Lê Thị Lành hy sinh ngày 31.7.1992 khi mới 12 tuổi, đang nghỉ hè, vừa học xong lớp 7. Với Bà mẹ Việt Nam anh hùng Vũ Thị Lai, mẹ của chị Lành, người con gái nhỏ của bà vẫn như hiển hiện đâu đây. Cái ngày có người báo con mất, bà Lai đang làm ruộng. Hớt hải quăng quang gánh chạy về, con nằm đó nhưng bà vẫn không tin đó là sự thật, bởi Lành bơi rất giỏi. Không chỉ giúp mẹ việc nhà, Lành còn giúp mẹ, giúp ông việc đồng áng. Từ ngày cháu mất, ông nội suy sụp rồi yếu hẳn. Lành mất đi, ông như mất một phần hồn, nhưng ông cũng được an ủi phần nào khi sự hy sinh của cháu được ghi nhận xứng đáng và lũ trẻ được Lành trao cho sự sống hằng ngày lớn lên khoẻ mạnh.
Bà Lai kể bà và chồng - liệt sĩ Lê Xuân Hiền ở cùng làng. Hằng ngày, ông Hiền theo thuyền chở đá vào lò vôi. Nhà bà Lai có ruộng trồng cói ven sông Kinh Thầy. Khi ấy ông Hiền rắn chắc như hòn đá tảng, ăn to nói lớn, còn bà Lai là một thôn nữ tóc dài chấm gót, hay lam hay làm. Từ những câu chuyện bông đùa của bè bạn rồi họ bén duyên chồng vợ từ năm 1978. Sống chung nếp nhà không được bao lâu, ông đã phải tạm biệt cha già, vợ trẻ để lên đường nhập ngũ. Khi ấy ở biên giới phía Bắc, quân bành trướng Trung Quốc đang nhăm nhe xâm chiếm từng tấc đất của cha ông. Được sự động viên của cha, của vợ, tiếp nối truyền thống gia đình, ông Hiền khoác ba lô ra trận. Tháng 2.1979, khi đang là học viên sĩ quan ở Hà Sơn Bình, ông Hiền được nghỉ phép rẽ qua thăm nhà. Xong mấy ngày phép ngắn ngủi, ông Hiền lại vội vã khoác ba lô lên biên giới. Ngày ông đi mưa vần vũ, bà Lai đứng dưới rặng tre nhìn bóng chồng khuất hẳn phía triền đê rồi mới nuốt nước mắt ngược vào lòng trở về phụng dưỡng cha già. Bà mang thai Lê Thị Lành. Không ai ngờ, đó là lần cuối cùng bà được gặp chồng. Đúng ngày 21.3 âm lịch năm đó, ông hy sinh khi chưa kịp đón con gái đầu lòng. Lành sinh ra, lớn lên, mọi hình dung về người bố anh hùng của mình chỉ qua lời kể của ông, của mẹ. Chồng mất, con mất và nhiều biến cố khác, bây giờ bà Lai chọn một căn nhà nhỏ nằm sâu trong núi làm nơi sinh sống với vườn cây, ao cá. "Lành nó khỏe lắm. Mẹ gánh được bao nhiêu bó lúa thì nó gánh được bấy nhiêu. Nó thương mẹ và quấn ông nội nên nó mất thì ông nội suy sụp hẳn" - bà Lai nhớ lại.
Trong cuốn sách Kinh Môn xưa và nay phát hành vào năm 2017, liệt sĩ thiếu niên Lê Thị Lành vinh dự đứng thứ tư trong danh sách "Một số gương liệt sĩ tiêu biểu", sau các liệt sĩ Nguyễn Khắc Phùng, Vũ Mạnh Hùng và Nguyễn Lân. Năm 1992, từ một bản tin trên báo về sự hy sinh anh dũng của Lê Thị Lành, nhạc sĩ Trần Minh đã sáng tác ca khúc "Lê Thị Lành sống mãi". Nhạc sĩ kể, dù không gặp mặt nhưng hình dung về hành động anh hùng của một nữ thiếu niên đã khiến ông hoàn thành tác phẩm chỉ trong một buổi trưa: "Chúng em hát về người đội viên Lê Thị Lành tuổi thơ kiêu hãnh. Gương ngời làm đẹp cha ông. Lê Thị Lành như một mầm xanh... Lê Thị Lành sáng mãi tuổi xanh...".
Bây giờ trong nghĩa trang liệt sĩ phường Hiệp Sơn, chị Lành nằm đó, bên cạnh là người cha mà chị chưa một lần gặp mặt - liệt sĩ Lê Xuân Hiền. Xung quanh chị là ông, là cô, là chú, những người con ưu tú của mảnh đất Hiệp Sơn đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh vệ quốc. Những ngày tháng 7 này, trong những dòng người thăm viếng nghĩa trang, phần mộ của liệt sĩ thiếu niên Lê Thị Lành luôn được nhiều người ghé qua cùng một nhành hoa trắng. Chị đã mãi mãi hóa thân vào đất, vào từng nhành cây, ngọn cỏ của quê hương Hiệp Sơn yêu dấu.
TIẾN HUY