Xoa dịu vết thương chiến tranh

Xã hội - Ngày đăng : 18:10, 26/07/2020

Nhiều người có công (NCC) và thân nhân bị mắc bệnh tâm thần do di chứng chiến tranh đã được chăm sóc chu đáo tại Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần NCC và xã hội Hải Dương (Chí Linh).

Nhân viên Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần người có công và xã hội Hải Dương hướng dẫn người có công luyện tập

Ân cần 

Hằng năm cứ đến tháng 7, mỗi người con đất Việt lại tưởng nhớ, tri ân công ơn to lớn của những người đã hy sinh tính mạng, một phần xương máu, đóng góp công lao cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Ở Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần NCC và xã hội Hải Dương, các hoạt động tri ân được các cán bộ, nhân viên thực hiện bằng những việc làm cụ thể hằng ngày. Trung tâm hiện có 71 người thuộc diện NCC được hưởng chế độ chăm sóc nội trú, gồm 21 thương binh, bệnh binh và 50 nạn nhân chất độc da cam/dioxin mắc bệnh tâm thần. Bệnh nhân ở đây vừa hạn chế về nhận thức vừa có thể trạng yếu. Vì thế các cán bộ, nhân viên phải săn sóc cho họ từ bữa ăn đến giấc ngủ.

Ngày mới ở Khoa NCC của trung tâm bắt đầu bằng việc các nhân viên đi từng phòng hỗ trợ người bệnh vệ sinh cá nhân, gấp chăn màn gọn gàng. Sau đó, các nhân viên đo huyết áp, kiểm tra sức khỏe cho từng người. Đa phần bệnh nhân ở đây sức khỏe yếu. Nhiều người không đủ nhận thức để thông báo tình hình sức khỏe cho nhân viên chăm sóc. Theo các y, bác sĩ ở đây, việc kiểm tra hằng ngày rất cần thiết nhằm kịp thời phát hiện những người chuyển biến xấu để có biện pháp điều trị, chăm sóc hợp lý.  

Việc chăm lo ăn uống cho các bệnh nhân cũng vất vả. Cả khoa chỉ có ít bệnh nhân đủ tỉnh táo đến nhà ăn tập trung, số còn lại phải dựa vào sự hỗ trợ của các nhân viên của trung tâm. Chị Lê Thị Hà Giang, nhân viên của đơn vị cho biết: "Đa phần bệnh nhân là NCC có sức khỏe rất yếu, mỗi bữa ăn phải thực hiện theo chuẩn chỉ định của bác sĩ. Mỗi khi cho bệnh nhân ăn chúng tôi phải kiên nhẫn. Có những người cứ đút vào lại nhè ra, xúc đến cả tiếng đồng hồ mới ăn hết bát cơm".

Mỗi khi trái gió trở trời, tâm lý bệnh nhân tâm thần thay đổi thất thường. Các cán bộ, nhân viên nơi đây lại phải luân phiên túc trực 24/24 giờ. Có lần giữa đêm khuya, một bệnh nhân kích động la hét, đập phá. Lúc ấy các cán bộ, nhân viên ở đây lại phải sơ tán hết các bệnh nhân ở cùng phòng đi nơi khác, tránh trường hợp xảy ra thương tích. Lúc đó phải cần từ 4-5 người giữ để bệnh nhân bình tĩnh lại. Trước đây, đã có một bệnh nhân lên cơn, dùng móc phơi quần áo bằng inox định tự tử. Sau đó, trung tâm đã phải thay tất cả móc phơi bằng nhựa.

Bà Phạm Thị Liên, Trưởng Khoa NCC cho biết từ nhân viên đến cán bộ trong khoa, tất cả đều thành thục mọi việc, kể cả việc vệ sinh cá nhân cho những người bệnh không thể tự chủ. Có người sáng đến nhận việc, chiều đã xin nghỉ vì không đáp ứng được công việc. Các cán bộ, nhân viên ở đây làm việc không chỉ bằng trách nhiệm mà còn bằng tình cảm chân thành, lòng biết ơn đối với những người đã đóng góp một phần xương máu, chịu thiệt thòi do di chứng chiến tranh.

Bảo đảm chế độ

Theo quy định của UBND tỉnh, NCC tâm thần điều trị, điều dưỡng tại trung tâm được hưởng trợ cấp nuôi dưỡng với mức 1,08 triệu đồng/người/tháng; mua sắm đồ dùng sinh hoạt cá nhân với mức 1,15 triệu đồng/người/năm và tiền thuốc chữa bệnh 2 triệu đồng/người/năm. Người bệnh được hưởng nguyên mức lương hoặc trợ cấp hằng tháng theo quy định của Nhà nước.

Ông Phạm Xuân Tuấn, Giám đốc trung tâm cho biết mức tiền ăn trên được quy định từ năm 2015. Với mức hỗ trợ cũ này, trung tâm gặp không ít khó khăn để cân đối nguồn thực phẩm cho người bệnh. Vì thế thời gian qua, đơn vị đã tận dụng các khu đất trống trồng rau, chăn nuôi thêm để bổ sung nguồn thực phẩm an toàn, giúp nhiều người bệnh có việc làm, tăng cường sức khỏe. Dịp tháng 7 hằng năm, đơn vị tổ chức cho những NCC đủ sức khỏe đi nghỉ dưỡng hoặc thăm lại chiến trường xưa. Năm nay, trung tâm tổ chức đoàn vào Cà Mau. Mỗi chuyến đi giúp NCC ôn lại kỷ niệm cũ, nhớ về đồng chí, đồng đội, giúp họ vui vẻ hơn.

Gần 25 năm làm việc ở trung tâm cũng là từng ấy thời gian bà Liên gắn bó với các bệnh nhân là NCC tâm thần. Mỗi người bệnh có một hoàn cảnh khác nhau song điều bà Liên trăn trở là có nhiều gia đình ít quan tâm đến người thân. Họ dồn việc chăm lo người bệnh cho cán bộ, nhân viên trung tâm khiến người bệnh đã thiệt thòi lại càng thiệt thòi hơn. Có người gắn bó với trung tâm lâu năm khi gia đình đến làm thủ tục đón về thì nhất định không chịu rời đi. 

Ông Lê Ngọc Quý, thương binh hạng 3/4, quê ở xã Thái Học (Bình Giang) là một trong số ít người khá tỉnh táo, sức khỏe ổn định đang được điều trị tại đây. Hằng ngày ông tham gia làm chổi chít, làm tăm. Khi có người hỏi thăm, ông lại kể về những năm tháng tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhất là trận đánh trong Chiến dịch Đường 9 Nam Lào khá rành mạch. Ông bảo: "Mọi người ở đây chăm lo cho chúng tôi nhiệt tình, chu đáo lắm. Bữa ăn luôn điều độ, đúng giờ. Tôi đã coi nơi đây là nhà của mình rồi".

THANH NGA