Bà mẹ Việt Nam anh hùng: Những người ''chắt thương đau'' thành ''nhựa sống''

Xã hội - Ngày đăng : 11:11, 27/07/2020

Những ngày tháng 7 lịch sử là lúc cần sống chậm lại, sâu lắng hơn để chiêm nghiệm về lòng biết ơn, về đức hy sinh, về lẽ sống cống hiến mà các Bà mẹ Việt Nam anh hùng chính là những biểu tượng sống.

Chiến tranh kết thúc, không có niềm vui nào bằng ngày đoàn viên, nhưng cũng không có nỗi đau nào bằng nỗi đau trong ngày chiến thắng mà các con không về nữa...

Những tượng đài sống của đức hy sinh

Đã hơn 50 năm kể từ ngày hai con trai lần lượt lên đường ra trận và không trở về, Bà mẹ Việt Nam Nguyễn Thị Sự (102 tuổi, quê xã Hợp Thành, TP Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình) giờ đây chỉ lặng lẽ gọi các anh về qua những nén nhang.

Mẹ Sự có hai con trai hy sinh trong chiến tranh là liệt sỹ Nguyễn Văn Diệu và liệt sỹ Nguyễn Hùng Chước, trong đó liệt sỹ Nguyễn Hùng Chước đã được đưa về an táng tại quê nhà vào năm 2017. Mẹ vẫn còn một người con chưa trở về quê hương, đau đớn hơn cả, gia đình mẹ chỉ nhận được giấy báo tử nhưng không biết anh đã hy sinh khi nào, ở mặt trận nào để tìm và đưa anh về với mẹ.

Lửa chiến tranh đã tắt hàng chục năm, đã chôn vùi rất nhiều thứ, nhưng trong mỗi gia đình liệt sỹ đã nằm lại nơi chiến trường thì vẫn còn nguyên đó những ngọn lửa lòng, người còn sống khóc thương người đã khuất. Dường như có những nỗi đau không bao giờ nguôi...

Gia đình mẹ Sự chọn ngày giỗ liệt sỹ Nguyễn Văn Diệu là ngày nhận được giấy báo tử. Suốt hàng chục năm đằng đẵng, năm nào giỗ anh mẹ cũng thắp nén hương gọi anh, dù đang ở đâu cũng về với mẹ, mẹ vẫn chờ anh, gia đình vẫn chờ anh. Cuộc chia ly của mẹ cho đến giờ, khi mẹ đã hơn 100 tuổi, vẫn chưa hẹn ngày hội ngộ, chỉ biết thân thể của anh đã hòa vào sông núi, vẫn ở đâu đó trên mảnh đất hình chữ S này.


Mẹ Nguyễn Thị Sự đã 102 tuổi vẫn bốc thuốc chữa bệnh cho người dân

Không chỉ là Bà mẹ Việt Nam, bản thân mẹ Sự cũng tham gia dân quân du kích tại địa phương thời kỳ chống Pháp, được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng ba.

Gần cả cuộc đời mẹ Sự làm nghề bốc thuốc chữa bệnh cho nhân dân. Ngay cả khi gia đình còn nghèo khó, mỗi thang thuốc phải đi cả ngày rừng để hái về băm chặt, phơi khô… chỉ đổi lai được gói bánh, gói kẹo thì mẹ vẫn tần tảo bốc thuốc chữa bệnh để làm phúc, giúp đỡ những người bệnh tật, khó khăn. Đến nay, hơn 100 tuổi và may mắn vẫn đủ khỏe mạnh, minh mẫn để bốc thuốc chữa bệnh cho mọi người, mẹ luôn là tấm gương sáng ngời về lòng tốt, đức hy sinh tại địa phương cho lớp lớp các thế hệ.

Không chỉ mẹ Sự mà còn rất nhiều những Bà mẹ Việt Nam anh hùng vẫn đang lặng lẽ cống hiến cho cộng đồng, sẵn sàng đóng góp khi đất nước cần. Trong những ngày cả nước gồng lên chống đại dịch COVID-19, người mẹ Việt Nam anh hùng 95 tuổi Ngô Thị Quýt (quận Gò Vấp, TPHồ Chí Minh) vẫn cần mẫn may hàng trăm chiếc khẩu trang để tặng người nghèo. Mẹ đã lan tỏa tình yêu thương, ấm áp tình người trong gian khó.


Bà mẹ Việt Nam Lê Thị Chi chia sẻ câu chuyện ủng hộ phòng, chống COVID-19

Ở Đà Nẵng, Bà mẹ Việt Nam Lê Thị Chi (91 tuổi ở phường Thanh Bình, quận Hải Châu, Đà Nẵng) có chồng và con trai đầu hy sinh trong chiến tranh, hiện mẹ đang sống với con gái út. Cuộc sống của mẹ không khá giả, nhưng trong đợt phòng chống dịch COVID-19 vừa qua, mẹ đã đem số tiền dành dụm được là 5 triệu đồng ủng hộ phòng chống dịch...

Có lẽ mỗi người mẹ như mẹ Sự, mẹ Chi là một câu chuyện cuộc đời riêng, nhưng đó cũng là câu chuyện của hàng triệu gia đình Việt Nam. Trong khúc khải hoàn ca chiến thắng, có máu và nước mắt của gần 140.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong cả nước, những người đã hiến dâng chồng, con, cháu của mình cho cách mạng. Nỗi đau và nước mắt của những Bà mẹ Việt Nam không đo bằng năm tháng, mà đã đo bằng cả cuộc đời.

Bước vào thời bình, vượt qua nỗi đau mất mát, những Bà mẹ Việt Nam anh hùng lại tiếp tục cống hiến cho các hoạt động xã hội vì cộng đồng. Mẹ Việt Nam anh hùng đã thực sự trở thành một tượng đài trong lòng dân tộc, là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo.

Mẹ của tất cả

Trong 30 năm đằng đẵng chống Pháp và chống Mỹ, có hàng triệu Bà mẹ Việt Nam chung nỗi đau mất chồng, con. Có những người mẹ đã trở thành tượng đài bất tử như mẹ Thứ (xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), gia đình mẹ có tới 12 liệt sỹ, trong đó 9 con trai, 2 cháu ngoại và một người con rể, tất cả mãi mãi không về với mẹ. Mẹ Thứ là người mẹ có nhiều con cháu hy sinh nhất trong cả hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc kéo dài gần 30 năm.


Mẹ Nguyễn Thị Tý thắp hương trước phần mộ con trai tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh An Giang

Chẳng thể nào quên Bà mẹ Việt Nam Phạm Thị Ngư (quê quán xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) có 8 con là liệt sỹ, bản thân mẹ là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Mẹ Trần Thị Mít ở Hải Phú, Hải Lăng, Quảng Trị có 9 người con là liệt sỹ. Mẹ Nguyễn Thị Rành (ở huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) có 8 con và 2 cháu là liệt sỹ, bản thân mẹ là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Mẹ Nguyễn Thị Dương (ở triệu thành Triệu Phong, Quảng Trị) có 8 con thì có 5 con là liệt sỹ. Tất cả các mẹ đều là những người mẹ anh hùng của một dân tộc anh hùng.

Với lòng biết ơn và đạo lý uống nước nhớ nguồn, Đảng và Nhà nước ta đã sớm có chủ trương phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng từ năm 1994 với sự ra đời của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.  Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết đến nay, sau 25 năm thực hiện, Nhà nước đã phong tặng và truy tặng gần 140.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; trong đó tỉnh Quảng Nam có số lượng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được phong tặng nhiều nhất với hơn 15.260 mẹ, tiếp đến là Bến Tre 6.905 mẹ, Quảng Ngãi 6.802 mẹ, Hà Nội 6.723 mẹ…

“Những năm qua, bên cạnh các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, toàn xã hội cũng luôn thể hiện lòng biết ơn bằng những việc làm thiết thực, từ những phong trào "Áo lụa tặng bà" của các cháu thiếu nhi cả nước, phong trào "Tấm chăn tặng mẹ" của các tổ chức, đoàn thể xã hội đến việc xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, đăng ký chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng…”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.

Gần 140.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng được phong tặng, đến này chỉ còn hơn 4.900 mẹ còn sống. Ở bất cứ địa phương nào, phong trào nhận phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cũng được đông đảo người dân hưởng ứng. Tất cả các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trong cả nước đều đã được các cá nhân, đơn vị nhận phụng dưỡng thăm nuôi, chăm sóc khi các mẹ ốm đau với phương châm con của các mẹ đã hy sinh vì Tổ quốc thì mẹ trở thành “mẹ của tất cả”.

Gặp mặt các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trong lễ kỷ niệm 73 năm Ngày thương binh, liệt sỹ 27.7 năm nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Chiến tranh đã lùi xa nhưng những đau thương, những mất mát lớn lao vẫn còn đọng lại trong tâm trí của mỗi người chúng ta, nhất là với các Mẹ Việt Nam Anh hùng, những người từng hơn "Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ". Sự hy sinh cao cả, kiên trung của các mẹ chính là tấm gương sáng ngời chủ nghĩa Anh hùng cách mạng cho các thế hệ mai sau, đời đời ghi ơn tri ân và biết ơn sâu sắc".


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các Mẹ Việt Nam Anh hùng tham dự buổi gặp mặt Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc năm 2020

Thủ tướng khẳng định trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương và nhân dân đã làm hết sức mình, dành sự quan tâm lớn nhất và về vật chất và tình cảm để chăm lo phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, phần nào bù đắp hy sinh của các mẹ cho quê hương, đất nước.

Những ngày tháng 7 lịch sử này, mỗi người con của đất mẹ Việt Nam đều sống chậm lại, sâu lắng hơn để chiêm nghiệm về lòng biết ơn, đức hy sinh, về lẽ sống và sự cống hiến-mà các Mẹ Việt Nam Anh hùng chính là những biểu tượng sống. Từ trong sâu thẳm mỗi người con, những người Mẹ Việt Nam Anh hùng nhân hậu, tần tảo, thầm lặng “chắt đau thương” thành “nhựa sống” cho đời dù trong chiến tranh hay trong thời đại hôm nay luôn là những hình ảnh thân thương và đẹp nhất.

Theo Vietnam+