Việt Nam đóng góp quan trọng trong nhiều quyết sách lớn của ASEAN

Bình luận - Ngày đăng : 12:23, 28/07/2020

Là một thành viên tích cực trong ASEAN, Việt Nam luôn nằm trong nhóm nước có tỷ lệ cao nhất trong việc thực hiện kế hoạch tổng thể về xây dựng cộng đồng ASEAN.


Đại sứ Trần Đức Bình, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại ASEAN

Theo Đại sứ-Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Trần Đức Bình, việc Việt Nam gia nhập tổ chức này vào ngày 28.7.1995 đã mở ra chương mới cho quan hệ hợp tác giữa các nước Đông Nam Á, chuyển khu vực từ nghi kỵ, đối đầu sang hợp tác, láng giềng thân thiện.

Đại sứ Trần Đức Bình nhắc lại rằng cùng với Việt Nam, sự gia nhập của Lào, Myanmar sau đó 2 năm, và Campuchia vào năm 1999 đã tạo ra một khu vực đầy đủ 10 nước vì hợp tác, hòa bình và phát triển, đồng thời thúc đẩy hợp tác dần đi vào thực chất hơn để trở thành “hình mẫu” cho hợp tác khu vực trên thế giới.

Ngược lại, việc tham gia ASEAN đã đem lại cho Việt Nam môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho phát triển đất nước.

Việt Nam đã có cơ hội tham gia vào các chương trình hợp tác, liên kết kinh tế của ASEAN, bắt đầu bằng việc tham gia Khu vực mậu dịch tự do ASEAN và Hiệp định ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT), từ đó tạo sự tự tin trong tham gia liên kết khu vực với việc tham gia APEC - nền tảng quan trọng trước khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2017.

Trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam đã tham gia và mở rộng hợp tác với các đối tác bên ngoài như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật, Hàn, Australia, Ấn Độ, Canada… đi vào chiều sâu hơn, đem lại lợi ích to lớn hơn cho sự phát triển của đất nước.

Song song với đó, Việt Nam cũng tham gia sâu hơn vào các thể chế hợp tác đa phương ở khu vực như ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS), APEC và ASEM, từ đó giúp nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên trường quốc tế.

Theo Đại sứ Trần Đức Bình, trong 25 năm qua, Việt Nam luôn là quốc gia thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong ASEAN.

Ngay sau khi gia nhập, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy kết nạp các nước Campuchia, Lào và Myanmar vào ASEAN, góp phần hoàn thành ý tưởng về một ASEAN bao gồm cả 10 nước Đông Nam Á, tạo ra sự chuyển biến mới về chất đối với ASEAN và tình hình khu vực.

Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng vào xác định mục tiêu, phương hướng phát triển và hình thành các quyết sách lớn của ASEAN như Tầm nhìn 2020 và các kế hoạch triển khai Tầm nhìn, Hiến chương ASEAN, Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015 và nhiều thỏa thuận quan trọng khác trong đó có Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN 2025 (MPAC 2025), Sáng kiến liên kết ASEAN (AI) và gần đây là Tài liệu quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP), giúp hình thành lập trường chung của ASEAN về vấn đề này, thúc đẩy hợp tác với các nước trên cơ sở phù hợp với các giá trị của ASEAN.

Việt Nam cũng đã tích cực tham gia xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 với mục tiêu làm cho liên kết ASEAN sâu rộng hơn và có vai trò quan trọng hơn ở khu vực.

Là một thành viên tích cực trong ASEAN, Việt Nam luôn nằm trong nhóm nước có tỷ lệ cao nhất trong việc thực hiện kế hoạch tổng thể về xây dựng cộng đồng ASEAN.

Việt Nam cũng đã hoàn thành tốt trách nhiệm của một nước thành viên thông qua đảm nhiệm nhiều hoạt động quan trọng của ASEAN như tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội (năm 1998), đảm nhiệm tốt nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2000-2001 và hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN 2010 với nhiều kết quả to lớn và thực chất.

Hiện, Việt Nam đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020.

Trong bối cảnh bùng phát đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, ngay từ đầu năm, Việt Nam đã chủ động, kịp thời phối hợp với các nước ASEAN tích cực triển khai nhiều sáng kiến và hợp tác với các Đối tác nhằm kiểm soát, ngăn chặn và ứng phó với dịch bệnh, trong đó có thể kể đến việc ra Tuyên bố Chủ tịch về ứng phó của ASEAN trước dịch COVID-19; tổ chức Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó với dịch COVID-19; lập Quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19; phối hợp tổ chức nhiều cuộc họp với các Đối tác như Trung Quốc, EU, Mỹ và các tổ chức quốc tế; chủ trì tổ chức thành công tốt đẹp Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36.

Các Hội nghị đã được tổ chức dưới hình thức trực tuyến với vai trò điều hành hiệu quả của Chủ tịch ASEAN 2020 Việt Nam, được các nước ASEAN và các nước đối tác đánh giá cao.

Việt Nam đóng góp tích cực vào việc mở rộng quan hệ và đẩy mạnh hợp tác giữa ASEAN với các đối tác, nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của ASEAN.


Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng chủ trì cuộc họp trực tuyến các Quan chức cao cấp Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF)

Đối với các diễn đàn khu vực do ASEAN giữ vai trò chủ đạo, Việt Nam đã có nhiều dấu ấn đậm nét góp phần nâng cao giá trị và hiệu quả hoạt động của các diễn đàn này, trong đó nổi bật là việc thúc đẩy thành công việc mở rộng EAS cho Nga và Mỹ tham gia; vận động và chủ trì thành công Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng mở rộng (ADMM+) lần đầu tiên ở Hà Nội; xây dựng Kế hoạch hành động Hà Nội thực hiện Tuyên bố Tầm nhìn ARF...

Với việc đảm trách và hoàn thành tốt vai trò điều phối quan hệ giữa ASEAN với Nga, Nhật, Mỹ, Australia, Trung Quốc, EU, Ấn Độ và hiện nay là Nhật Bản (giai đoạn 2018-2021), Việt Nam đã góp phần thúc đẩy thực chất quan hệ giữa ASEAN với các đối tác này với nhiều kết quả tích cực.

Việt Nam cũng có nhiều đóng góp tích cực trong việc góp phần duy trì đoàn kết, đồng thuận và lập trường chung ASEAN trong các vấn đề khu vực và quốc tế, trong vấn đề Biển Đông, góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển khu vực.

Một trong những nội dung mà các nước quan tâm là việc Việt Nam cùng ASEAN đang cùng đàm phán với Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) và đảm bảo đây là một văn kiện hiệu lực, hiệu quả.

Về các hoạt động từ đầu năm đến nay trên cương vị Chủ tịch Ủy ban các Đại diện Thường trực tại ASEAN (CPR), Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN đã hết sức tích cực, chủ động và linh hoạt phối hợp, điều phối các nỗ lực chung trong ASEAN, tăng cường hợp tác với Ban Thư ký ASEAN nhằm vừa triển khai các kế hoạch ứng phó, phòng chống dịch bệnh, đồng thời đảm bảo duy trì triển khai tốt các nhiệm vụ và hoạt động của CPR tại Jakarta.

Cụ thể, theo Đại sứ Trần Đức Bình, Phái đoàn đã đảm nhiệm tốt vai trò Chủ tịch các cơ chế hợp tác của ASEAN và ASEAN với các đối tác tương ứng, chủ trì các cuộc họp thường kỳ của CPR, các cuộc họp Đại sứ các nước tham gia EAS, Đại sứ các nước ASEAN+3, các cuộc họp với các nước đối tác kiểm điểm hợp tác và soạn thảo các văn kiện Hội nghị cấp cao và Bộ trưởng Ngoại giao trong các khuôn khổ ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, Ủy ban ASEAN về Kết nối (ACCC), Hội đồng Điều hành Viện Hòa bình và Hòa giải ASEAN (ASEAN-IPR), và các cuộc họp liên quan đến hoạt động của Ban Thư ký ASEAN.

Phái đoàn cũng tham gia tích cực trong các hoạt động của ACCC và Nhóm Đặc trách về Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI-TF), thúc đẩy các dự án và hoạt động hợp tác, nhất là của Việt Nam trong khuôn khổ MPAC 2025 và Kế hoạch công tác thực hiện Sáng kiến Liên kết ASEAN giai đoạn III (IAI-WP III) và phối hợp xây dựng IAI-WP IV.

Ngoài ra, Phái đoàn cũng phối hợp chuẩn bị và tham gia vào các hoạt động do Việt Nam chủ trì trong khuôn khổ Năm Chủ tịch 2020, đặc biệt là các Hội nghị Cấp cao ASEAN, EAS, Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN-New Zealand và các Hội nghị cấp cao liên quan, các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các cuộc họp của Quan chức cấp cao SOM ASEAN.

Trong vai trò Chủ tịch CPR, Phái đoàn đã chú trọng phối hợp thúc đẩy tăng cường quy trình phối hợp trong các vấn đề xuyên trụ cột của Cộng đồng ASEAN; tích cực triển khai các dòng hành động trong Kế hoạch Cộng đồng ASEAN 2025; tăng cường các hoạt động góp phần nâng cao nhận thức, hình ảnh và bản sắc ASEAN; lồng ghép, thúc đẩy những chương trình, kế hoạch của ASEAN tiếp tục triển khai các sáng kiến quan trọng như Sáng kiến mạng lưới đô thị thông minh, Kết nối các kết nối, Lộ trình gắn kết tương hỗ giữa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Mục tiêu phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc.

Trong vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản giai đoạn 2018 2021, Phái đoàn đã tích cực phối hợp thúc đẩy việc ký kết và đưa vào triển khai ngay trong năm tài khóa 2019-2020 Hiệp định Hợp tác Kỹ thuật ASEAN-Nhật Bản (TCA).

Trong thời gian tới, Phái đoàn sẽ tập trung nỗ lực cùng các nước ASEAN và Ban Thư ký ASEAN tiếp tục thực hiện linh hoạt các biện pháp kiểm soát, ứng phó cần thiết trong bối cảnh COVID-19, đồng thời triển khai các hoạt động nhằm hoàn thành tốt các ưu tiên, nhiệm vụ trong năm 2020, trong đó chú trọng tăng cường quy trình phối hợp trong các vấn đề xuyên trụ cột của Cộng đồng ASEAN, triển khai Kế hoạch tổng thể thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, phối hợp hoàn tất đánh giá việc thực hiện Hiến chương ASEAN, tăng cường hơn nữa quan hệ và hợp tác giữa ASEAN với các đối tác, phối hợp hoàn tất xây dựng, soạn thảo các Kế hoạch Hành động giữa ASEAN và các nước đối tác, các văn kiện cho Hội nghị cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan.

Theo TTXVN