Vì sao ông Diệp Dũng, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op bị đình chỉ?
Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 07:28, 30/07/2020
Theo Ban Thường vụ Thành ủy, ông Diệp Dũng với vai trò của mình tại Saigon Co.op đã tổ chức chỉ đạo huy động vốn trái pháp luật, tổ chức đại hội thường niên trái pháp luật, thực hiện công tác cán bộ trái quy định của Đảng và không trung thực với tổ chức khi có yêu cầu báo cáo. Trước đó, ngày 27.7 Thanh tra TP Hồ Chí Minh đã công bố kết luận thanh tra về các sai phạm cụ thể trên, tại Saigon Co.op.
Huy động vốn trái pháp luật
Saigon Co.op, tiền thân là Ban Quản lý HTX mua bán TP Hồ Chí Minh, được thành lập năm 1999 gồm 26 HTX thành viên hoạt động theo mô hình HTX. Saigon Co.op là tổ chức kinh tế HTX theo nguyên tắc xác lập sở hữu tập thể có tính chất đặc thù, hoạt động theo Luật HTX năm 2012.
Ban Chấp hành Đảng bộ Saigon Co.op là Đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và hướng dẫn thường xuyên của Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Vị trí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, trong nhiều nhiệm kỳ qua là Thành ủy viên, được Thành ủy giới thiệu để đại hội thành viên của Saigon Co.op bầu. Ông Diệp Dũng là Thành ủy viên, tháng 8.2015 được bầu vào vị trí lãnh đạo cao nhất của Saigon Co.op.
Vốn của Saigon Co.op hình thành từ 2 nguồn: nguồn Nhà nước hỗ trợ (do tính chất đặc thù của đơn vị này, gồm: trụ sở, cửa hàng, kho tàng, phương tiện, thiết bị...) và vốn góp của HTX thành viên. Theo sổ sách kế toán, đến cuối năm 2019, nguồn vốn hình thành từ lợi nhuận tích lũy (lợi nhuận không chia) của Saigon Co.op là hơn 3.180 tỷ đồng. Đầu năm 2020, Saigon Co.op quyết định tăng vốn điều lệ từ hơn 3.180 tỷ đồng lên gần 6.800 tỷ đồng (tăng hơn gấp đôi).
Thanh tra thành phố đã thanh tra và phát hiện có các dấu hiệu bất thường trong việc tăng vốn từ các HTX thành viên. Cụ thể, HTX thương mại dịch vụ Linh Tây báo lỗ gần 49 triệu đồng nhưng số vốn góp đến hơn 952 tỷ đồng; HTX thương mại Đô Thành lỗ hơn 721 triệu đồng nhưng góp đến hơn 247 tỷ đồng; HTX thương mại Thị Nghè lỗ hơn 163 triệu đồng nhưng góp hơn 244 tỷ đồng... Thanh tra thành phố xác định có 20/26 HTX thành viên có góp vốn nhưng không HTX nào cung cấp được cho đoàn thanh tra các hồ sơ góp vốn. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của Saigon Co.op được duy trì ổn định qua các năm, dao động 800 - 1.500 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận tại Saigon Co.op đạt đến 26-39% trên vốn góp.
Theo Thanh tra thành phố, có nhiều cá nhân, tổ chức bên ngoài, không phải là xã viên HTX thành viên nhưng "núp bóng" để đưa vốn vào Saigon Co.op. Trong khi theo quy định về phương thức huy động vốn (tại nghị quyết đại hội thành viên bất thường lần 1 năm 2020) thì vốn huy động từ các HTX thành viên không được từ nguồn đi vay hoặc từ nguồn vốn của đối thủ cạnh tranh. Thanh tra thành phố cho rằng HĐQT Saigon Co.op đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn trong việc kiểm tra nguồn vốn huy động từ các HTX thành viên.
Kết luận của Thanh tra thành phố chỉ rõ việc tăng vốn điều lệ tại Saigon Co.op không đúng quy định pháp luật; có dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản chung và tài sản nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh kinh tế của TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung; có dấu hiệu phạm pháp hình sự.
Ông Diệp Dũng - Ảnh: TỰ TRUNG
Bất chấp tổ chức đại hội quyết vốn, nhân sự
Mặt khác, Thanh tra thành phố cho rằng Saigon Co.op đã bất chấp kiến nghị của Thanh tra thành phố, tổ chức đại hội thành viên trái pháp luật để hợp thức hóa nguồn vốn huy động.
Cụ thể, để chuẩn bị việc tăng vốn điều lệ vào đầu năm 2020, cuối năm 2019, HĐQT Saigon Co.op tự ý ban hành nghị quyết về phương thức huy động vốn. Trong khi theo điều lệ của Saigon Co.op, thẩm quyền phê duyệt phương án huy động vốn thuộc về đại hội thành viên. Theo kết luận thanh tra, thực tế việc huy động vốn đã hoàn tất vào ngày 20.1.2020. Thế nhưng ngày 30.1.2020, đại hội thành viên bất thường vẫn được tổ chức để hợp thức hóa phương án huy động vốn và kê khai việc tăng vốn góp. Đây là hành vi bị nghiêm cấm theo Luật HTX.
Khi phát hiện các bất thường trong việc tăng vốn cần phải làm rõ, Thanh tra thành phố đã có văn bản đề nghị Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op tạm dừng tổ chức đại hội thành viên năm 2020 đến khi có kết luận chính thức. Tuy nhiên, Saigon Co.op không chấp hành, vẫn tổ chức đại hội thành viên vào ngày 24.7 để biểu quyết các vấn đề liên quan, làm ảnh hưởng đến hoạt động và nội dung kết luận thanh tra về công tác nhân sự, phương án huy động vốn, tăng vốn điều lệ, việc rút vốn của các HTX thành viên... Theo Thanh tra thành phố, việc làm này là vi phạm pháp luật thanh tra.
Bên cạnh đó, với lý do Tổng giám đốc đã không thực hiện nghị quyết của đại hội thành viên về việc huy động vốn nên đại hội thành viên đã bãi nhiệm chức vụ Ủy viên HĐQT và đề nghị cách chức Tổng giám đốc. Theo nhận định của Ban Thường vụ Thành ủy thành phố, việc thực hiện công tác cán bộ như trên là trái quy định của Đảng.
Để làm rõ các sai phạm tại Saigon Co.op, Thanh tra thành phố đã kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo chuyển hồ sơ thanh tra cho cơ quan công an.
Nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam
Từ khi thành lập đến nay, Saigon Co.op đã thành nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam, nằm trong Top 500 nhà bán lẻ hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại đã và sẽ đưa vào phục vụ như: Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, 26 Cheers, Sense City... Saigon Co.op đang dẫn đầu thị phần kênh siêu thị và cũng là nhà bán lẻ nội địa duy nhất nằm trong danh sách cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế như BigC, Lotte Mart, Aeon Mall.
Theo Tuổi trẻ