Đi giật lùi
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:05, 30/07/2020
Hôm vừa rồi về quê, tôi gặp vợ chồng em họ lập nghiệp ở tỉnh khác đưa con về chơi với ông bà. Bà thím tôi than ngắn thở dài bảo rằng thằng bé cháu bà hơn 8 tháng tuổi rồi mà mẹ nó nhất quyết không cho tiêm phòng một mũi nào. Bà tha hồ khuyên nhủ nhưng con dâu một mực không nghe. Bà còn kể bên nhà ngoại, mấy đứa cháu cũng không đứa nào được tiêm phòng. Bởi gia đình sợ cháu tiêm không may gặp nguy hiểm vì từng nghe có trẻ tử vong do tai biến sau tiêm vaccine. Rồi không tiêm chắc gì đã mắc bệnh, mà nhỡ có mắc bệnh thì bây giờ y học hiện đại cũng chữa được. Trộm vía, thằng bé cháu tôi vẫn khỏe mạnh, chưa mắc bệnh truyền nhiễm nào. Nhưng thím cứ canh cánh trong lòng, nhờ tôi khuyên nhủ em dâu giúp, nhất là dịp này nghe đài báo nói về bệnh bạch hầu, rồi có trẻ tử vong...
Chuyện của em họ khiến tôi giật mình. Những năm gần đây, tôi từng nghe chuyện nhiều gia đình không cho trẻ tiêm vaccine “5 trong 1” vì e sợ con em mình xảy ra tai biến như từng có trẻ bị. Nhưng còn chuyện 1 đứa trẻ hơn 8 tháng tuổi-độ tuổi lẽ ra đã hoàn thành nhiều mũi tiêm quan trọng phòng chống những bệnh nguy hiểm mà lại chưa tiêm một mũi vaccine nào thì quả thật là một điều rất đáng lo ngại.
Trong hàng chục ca mắc bệnh bạch hầu ở các tỉnh Tây Nguyên thì đa số không được tiêm vaccine phòng bệnh này đủ mũi và đúng lịch. Tỷ lệ tiêm chủng ở những nơi này cũng cực thấp mà theo như đánh giá của các chuyên gia y tế là các địa phương đã không có miễn dịch cộng đồng. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, miễn dịch cộng đồng là tình trạng khi có đủ tỷ lệ một quần thể miễn dịch với bệnh truyền nhiễm (thông qua tiêm chủng và/hoặc nhiễm bệnh trước đó) và miễn dịch này giúp ngăn chặn sự lây lan bệnh từ người này sang người khác. Khi đó sẽ có ít người mắc bệnh hơn và mầm bệnh có ít khả năng lây từ người sang người.
Tại Hải Dương nói riêng và nhiều địa phương trong cả nước nói chung đã đạt được miễn dịch cộng đồng với nhiều bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng kể từ khi chương trình này được triển khai cách đây 36 năm. Những năm qua, tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi ở tỉnh ta thường đạt từ 98-99%. Bởi vậy nên nhiều dịch bệnh nguy hiểm đã gần như được loại trừ nhờ chúng ta có miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, vài năm gần đây có tình trạng một bộ phận người dân không cho con em mình tiêm vaccine, thậm chí tẩy chay vaccine. Hậu quả là “tấm lá chắn” bảo vệ cộng đồng nhiều nơi bị xuyên thủng.
Trước tình hình dịch bệnh bạch hầu quay trở lại, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã kêu gọi: “Cần tập trung hết sức phòng chống bệnh bạch hầu như đã cố gắng phòng chống dịch Covid - 19”. Thực tế cho thấy để đối phó với đại dịch Covid-19 đang lây lan toàn cầu, đi đôi với các biện pháp phòng chống, các nước còn đang tích cực nghiên cứu ra loại vaccine để phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này. Nhân dân các nước đang từng ngày ngóng đợi vaccine-biện pháp được cho là hiệu quả nhất để chặn đứng dịch bệnh này. Vậy mà với bệnh bạch hầu chúng ta đã có vaccine từ lâu, Việt Nam đã sản xuất được và sẵn sàng cung cấp đủ cho đối tượng cần tiêm thì nhiều người dân vẫn quay đầu với nó. 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ tiêm chủng có thành phần bạch hầu ở TP Hải Dương mới đạt 48,6%, theo Trung tâm Y tế thành phố.
Một thực tế nữa là chỉ khi dịch bệnh xuất hiện, nhiều người mới nghĩ đến việc tiêm vaccine phòng bệnh. Với nhận thức chưa đầy đủ, thậm chí là mù quáng, hiểu sai về việc tiêm vaccine, họ đang đi giật lùi so với sự tiến bộ của xã hội.
NGÂN HẠNH