Hiệu quả nghề nuôi ong lấy mật ở Kinh Môn

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 11:57, 31/07/2020

Phát huy lợi thế có diện tích rừng lớn, nguồn hoa phong phú từ rừng và vườn cây ăn quả, nhiều hộ dân ở thị xã Kinh Môn đã phát triển nghề nuôi ong lấy mật.


Ông Nguyễn Kim Thích (ngoài cùng bên phải) hướng dẫn quy trình nuôi ong rừng cho người dân

Sản phẩm sạch

Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, năm 1982, ông Nguyễn Kim Thích ở khu dân cư Kim Xuyên 4, phường An Sinh nuôi 10 tổ ong giống nội. Cứ từ tháng 3 đến tháng 8, khi hoa trên dãy núi An Phụ nở rộ cũng là lúc mùa ong sinh sôi. Ở đây có nhiều loại hoa cho mật tốt như bạch đàn, vải, nhãn... Ông Thích cho biết từ nhiều năm trước, 36 loại cây của các tỉnh, thành phố được đưa về trồng tại khu di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương nay đã to và xanh tốt cũng là nơi để đàn ong có thể trú ngụ. Để có mật ong sạch, vị trí đặt tổ ong phải cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát, nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, nhất là phải xa trang trại chăn nuôi. Với 70 đàn ong, mỗi năm gia đình ông Thích thu hơn 700 lít mật. Từ nuôi ong lấy mật và cung cấp đàn ong giống cho các hộ trong vùng, gia đình ông Thích lãi khoảng 150 triệu đồng mỗi năm.

Nghề nuôi ong không đòi hỏi vốn đầu tư lớn, không vất vả như nhiều công việc khác nhưng quá trình chăm sóc lại phải cẩn thận, tỉ mỉ, nắm rõ đặc tính của loài ong để phát triển đàn, chăm sóc và thu hoạch mật bảo đảm chất lượng. Ông Nguyễn Văn Hinh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường An Sinh cho biết: "Là địa phương có thế mạnh về nuôi ong mật, phường đang nỗ lực xây dựng và phát triển thương hiệu mật ong rừng An Sinh thành sản phẩm OCOP, mở ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp ở đây”.

Quan tâm xây dựng thương hiệu 

Thị xã Kinh Môn hiện có nhiều hộ nuôi ong với hàng nghìn đàn, mang lại nguồn thu lớn. Năm 2019, HTX Nuôi ong nội rừng Kinh Môn được thành lập, thu hút 29 thành viên tham gia. HTX giúp các thành viên khai thác hiệu quả kinh tế đồi rừng. Theo ông Nguyễn Đức Thả, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Nuôi ong nội rừng Kinh Môn, để có vùng nguyên liệu an toàn cho ong lấy mật, các địa phương của thị xã phải quản lý tốt diện tích đất rừng, phát triển rừng, đồng thời kiểm soát sự du nhập của những giống ong lạ, ong ngoại lai xâm thực, tránh gây hại cho giống ong nội. Ngoài ra, các thành viên còn chú trọng nâng cao chất lượng mật ong và các sản phẩm từ ong; chung sức xây dựng thương hiệu mật ong rừng Kinh Môn để cung cấp ra thị trường những sản phẩm uy tín, chất lượng.

Ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã cho biết nghề nuôi ong ở Kinh Môn có nhiều lợi thế để phát triển, mang lại giá trị kinh tế cao, ổn định, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Để thực hiện liên kết chuỗi từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua thị xã đã tăng cường xúc tiến thương mại, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp của địa phương, trong đó có mật ong rừng. Mật ong cũng là một trong những đặc sản của thị xã được lựa chọn xây dựng sản phẩm OCOP giai đoạn 2016-2020. 

Thời gian tới, thị xã Kinh Môn tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân phát triển nghề nuôi ong; phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật để người nuôi ong nắm được; chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu mật ong rừng Kinh Môn.

NGUYỄN HẬU