Nên dừng thi tốt nghiệp THPT 2020
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 13:44, 02/08/2020
Sáng 1.8, một số trường đã tập huấn cho cán bộ coi thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT ở Đà Nẵng năm 2020
GS Trần Hồng Quân nhấn mạnh: Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, an toàn sức khỏe là vấn đề quan trọng nhất hiện nay.
Tôi hoàn toàn tán thành phương án xét công nhận tốt nghiệp THPT, không tổ chức kỳ thi năm nay. Tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) là việc của các trường, họ có thể tuyển sinh được không cần dùng đến kết quả thi tốt nghiệp.
- Thưa giáo sư, dịch COVID-19 như hiện nay khiến nhiều người lo ngại thí sinh sẽ hoang mang, không thể làm bài tốt. Quan điểm của ông thế nào?
- Thực tế nhiều gia đình không dám cho con đi thi nên nhiều khả năng không phải tất cả thí sinh đều dự thi. Trong trạng thái tâm lý lo lắng như thế chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thí sinh, các em không thể làm bài thi tốt được.
Điều quan trọng nhất là trách nhiệm bảo đảm an toàn cho kỳ thi với thực tế dịch bệnh này rất khó chu toàn. Trong hoàn cảnh này, bảo đảm an toàn sức khỏe phải là ưu tiên số 1.
- Nhiều địa phương đang thực hiện cách ly, giãn cách xã hội, thậm chí không ít nơi đang phong tỏa vì dịch bệnh. Ông đánh giá thế nào với phương án phân loại thí sinh mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đưa ra?
- Bộ GDĐT tính phương án một số địa phương đang là tâm dịch sẽ có thể có giải pháp khác, trong khi những nơi khác vẫn cố gắng tổ chức kỳ thi như hằng năm.
Bộ GDĐT dự kiến chia thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020 thành 4 nhóm gồm F0, F1, F2 và các đối tượng khác. Thí sinh F0 được xem xét đặc cách tốt nghiệp THPT.
Thí sinh F1, F2 thi riêng phải kéo theo cả một bộ máy như coi thi, giám sát, thanh tra, bảo vệ, phục vụ rất cồng kềnh. Sau thi, ngần ấy người đó lại phải cách ly 14 ngày. Việc riêng cùng việc chung đều bị ảnh hưởng. Tôi cho rằng việc chia làm bốn nhóm thí sinh là không khả thi.
- Bộ GDĐT cho biết đã yêu cầu các địa phương phải có phương án dự phòng về địa điểm thi, phòng thi, nhân lực ở tất cả các khâu của kỳ thi khi cần thiết, phương án đảm bảo an toàn, phòng dịch khi đưa đón thí sinh F1, F2…?
- Cần hết sức lưu ý tình trạng lây lan của dịch COVID-19 hiện nay đang có nhiều ca mắc trong cộng đồng, thậm chí chưa xác định được nguồn lây rõ ràng nên làm sao biết được nơi nào an toàn, nơi nào không.
Những nơi mình tưởng an toàn nhưng biết đâu lại là nơi có tiềm ẩn ca nhiễm, đùng một cái dịch bùng phát lây ra hàng loạt ca nhiễm nơi đó thì xử lý thế nào? Do vậy tôi rất băn khoăn khi đến giờ này Bộ GDĐT vẫn quyết tổ chức thi.
Cho dù phân nhóm thí sinh nhưng ngay cả từng nhóm thí sinh như vậy cũng rất nhiều người chứ không ít, mật độ người tập trung cao trong phạm vi nhỏ.
Việc thực hiện giãn cách bố trí thí sinh trong phòng thi kiểu nào các em vẫn phải ngồi gần nhau. Việc bố trí cơ sở vật chất để tổ chức kỳ thi cũng cực kỳ khó khăn chứ không đơn giản.
Với những gì đang diễn ra trên thực tế, theo tôi, tốt nhất nên hủy kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp.
* TS Nguyễn Hoàng Chương (hiệu trưởng Trường THPT Lộc Phát, Lâm Đồng): Được ít, mất mát quá nhiều Cả nước đang tập trung cao độ phòng chống dịch COVID-19. Mọi nguồn lực được ưu tiên dùng để phát hiện, điều trị, khoanh vùng, dập dịch với thời gian ngắn nhất. Trong những tháng đầu năm 2020, đối mặt với làn sóng thứ nhất COVID-19 chúng ta đã gặp nhiều khó khăn. Khi tình hình chớm bình thường trở lại, làn sóng thứ hai COVID-19 bùng phát. Khó khăn tiếp nối khó khăn. Tổ chức thi lúc này được thì ít, mất mát nhiều quá. * GS.TS Trần Văn Nam (nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng): Dừng thi là đúng và cần thiết Diễn biến dịch COVID-19 tại Đà Nẵng quá phức tạp. Việc UBND TP Đà Nẵng đề nghị dừng tổ chức thi tốt nghiệp THPT là đúng và cần thiết lúc này. Việc phân chia ra các nhóm F1, F2, F3… để thi sẽ rất nguy hiểm. Bản thân các em cũng bị ảnh hưởng tâm lý, người phục vụ công tác thi chưa biết sức khỏe sẽ như thế nào?
|