Biểu tượng của tình yêu con

Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 16:56, 02/08/2020

Bài thơ Chiếc nôi của con đã gửi gắm tình yêu con nhất mực của người cha và còn nhắc nhở ta trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc.

Đọc bài thơ Chiếc nôi của con của Tạ Ngọc Hùng, tôi nhớ đến câu hát của Phạm Duy: “Tôi yêu tiếng nước tôi/Từ khi mới ra đời, người ơi/Mẹ hiền ru những câu xa vời/À ơi/Tiếng ru muôn đời/Tiếng nước... nước tôi/Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi…”. Có phải khi sáng tác những ca từ ấy, Phạm Duy nhớ đến vành nôi tre êm ấm cùng lời ru thân thương của bà, của mẹ? Chiếc nôi từ bao đời đã bao bọc chở che cho đứa trẻ ngay từ khi “Con bước ra đời”. Đối với những người “có tuổi”- nhất là những người sống ở thôn quê thì chiếc nôi tre càng trở nên gần gũi, thân thiết. Chiếc nôi gói ghém bao tình cảm, nỗi niềm của những người thân yêu khi đứa trẻ chào đời. Đúng là “Nôi thay lòng của bao người đón con”. Hẳn đó cũng là cảm xúc để Tạ Ngọc Hùng viết lên những dòng thơ “rút ruột” như vậy đó chăng?

Hỏi có ai không được lớn lên từ vành nôi thân thuộc? Trong cảm thức của tác giả thì “Nôi là chiếc tổ chim non/ Yêu thương chăm chút đều dồn vào đây”. Sự so sánh làm cho hình ảnh chiếc nôi thêm cụ thể và gần gũi hơn. Nôi được đan bằng mây tre, lòng nôi phẳng, có thành bao bọc xung quanh, giúp cho đứa trẻ lưng thẳng, có lẽ vì vậy mà tác giả hình dung: “Lòng nôi mang dáng tay bà nâng niu”? Tre là nguyên liệu chính làm nên chiếc nôi, nâng đỡ con những ngày thơ bé. Từ bao đời hình ảnh cây tre đã trở nên thân thuộc với mỗi người Việt Nam. Có thể nói, tre là linh hồn của người Việt. Người Việt suốt đời gắn bó với tre, từ khi mới lọt lòng đã được tre bao bọc. Rồi khi lớn lên lại vui đùa chạy nhảy sau lũy tre làng. Dưới lũy tre làng từng chứng kiến bao cuộc đưa tiễn người thân ra trận. Trong mỗi gia đình còn có sự hiện diện của đôi đũa tre, chiếc nôi tre… Nhìn chiếc nôi tre, ta hình dung từng nan tre, từng sợi mây đều mang nặng tình yêu của bà, của cha mẹ. Nôi càng có ý nghĩa ngay từ khi “Con non tơ một mầm cây” thì “Chiếc nôi làm vỏ tháng ngày chở che”. Nôi tre là một vật dụng hữu ích bảo vệ cho con khỏi những tác động bên ngoài. Kỳ diệu biết bao, ngay khi mới chào đời, con đã được quê hương bao bọc. Từ trong nôi, lời ru của bà, của mẹ sẽ chắp cánh cho con bay đến chân trời mơ ước, bởi “Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn” (Nguyễn Duy). Ngắm đứa con bé bỏng, đáng yêu nằm trong nôi, nhà thơ liên tưởng: “Nôi mang hồn nước hướng về mai xa”. Câu thơ có sức nặng, bởi nó vừa khái quát được tình yêu quê hương đất nước, vừa gửi gắm tình yêu của cha. Hay đó còn là niềm tin yêu, hy vọng cha gửi vào con sau này.

Bài thơ hội tụ tình yêu của bà, của cha mẹ và mở rộng hơn là tình thương của xóm nghèo cho con. Không chỉ có thế, cả không gian, cây cỏ, hoa trái cũng góp phần làm “Vịnh thương yêu” bao bọc lấy con, tất cả cho con: “Nôi như thuyền nhỏ neo ngay giữa nhà”. Con thuyền nhỏ ấy sẽ đưa con đi đến những chân trời cao rộng. Được lớn lên trong tình yêu rộng lớn ấy, chắc chắn mai sau con sẽ nên người. Từ chiếc nôi tre con sẽ lớn lên, viết tiếp những ước mơ đời cha còn dang dở…

Trong suốt bài thơ, hình ảnh bà, mẹ và cha chỉ xuất hiện thấp thoáng nhưng không phải vì thế mà ta không cảm nhận được tình yêu và trách nhiệm của từng đối tượng. Bà bế ẵm nâng niu, dành tất cả tình thương cho con. Mẹ lặn lội sớm chiều nơi đồng bãi nuôi con khôn lớn. Cha cầm súng canh giữ nơi biên cương Tổ quốc, giữ bình yên cho giấc ngủ của con... Mỗi người một nhiệm vụ khác nhau nhưng chỉ có tình yêu con là chung nhất. Chiếc nôi là biểu tượng cho tình yêu mà ở đó gói trọn “Yêu thương chăm chút đều dồn vào đây”. Hẳn là nằm trong chiếc nôi tre, nghe lời ru của bà của mẹ, con sẽ được “đánh thức” bởi tình yêu tuyệt vời của quê hương và những người thân yêu. Đó là điểm tựa để con vào đời.

Ngày nay, giữa thời buổi công nghệ 4.0, nhiều bà mẹ trẻ thích dùng nôi điện tử. Chỉ cần bật công tắc là cái nôi tự động lắc lư và phát ra những bản nhạc dịu êm đưa bé vào giấc ngủ, khỏi cần phải mất công ru. Ta không phủ nhận những ứng dụng công nghệ trong cuộc sống hiện đại nhưng vẫn lo rằng, những nét đẹp truyền thống sẽ dần mai một. Và chiếc nôi tre có thể chỉ còn trong ký ức? Theo đó, lời ru ầu ơ của mẹ cũng chỉ còn là một thứ xa xỉ chăng?

Chiếc nôi tre đang có nguy cơ dần dần bị lãng quên trong cuộc sống thường ngày. Bởi các bà mẹ trẻ bây giờ mấy ai quan tâm đến chiếc nôi tre. Mấy ai còn trực tiếp hát ru con ngủ? Bằng lời thơ lục bát đằm thắm, nhẹ nhàng, ngôn từ giản dị, bài thơ Chiếc nôi của con đã gửi gắm tình yêu con nhất mực của người cha và còn nhắc nhở ta trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc. 

NGUYỄN THỊ BÌNH

Chiếc nôi của con


Chờ mong con bước ra đời    
Nôi thay lòng của bao người đón con

Nôi là chiếc tổ chim non
Yêu thương chăm chút đều dồn vào đây
Con non tơ một mầm cây
Chiếc nôi làm vỏ tháng ngày chở che
Mượt mà óng chuốt mây tre
Nôi mang hồn nước hướng về mai xa    
Thắp lên ngọn lửa đời cha
Lòng nôi mang dáng tay bà nâng niu

Mẹ ra đồng bãi sớm chiều
Bóng cha lẫn với núi đèo biên cương
Trái cam ngọt quả thị thơm
Lòng nôi hội tụ tình thương xóm nghèo

Không gian làm vịnh thương yêu
Nôi như thuyền nhỏ con neo giữa nhà.

TẠ NGỌC HÙNG