Bỏ hay vẫn thi tốt nghiệp THPT: An toàn là tiêu chí quyết định

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 17:59, 02/08/2020

Trước một sự việc có thể có góc nhìn tìm cách giải quyết vấn đề và cũng có thể có góc nhìn trầm trọng hóa vấn đề.


Vừa lo chống dịch vừa lo thi tốt nghiệp THPT

Tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh thành để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, riêng chuyện mở cửa sổ phòng thi hay không đã có hai góc nhìn.

Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu mở các cửa phòng thi cho thông thoáng bởi giới chuyên môn đã rút ra kết luận phòng đóng cửa, mở máy điều hòa là môi trường tốt cho virus lây lan.

Thế nhưng Thứ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo lại nói các điểm thi cần cân nhắc phía cửa mở để tránh nguy cơ lộ đề thi khi các thiết bị có thể ghi hình đề thi từ xa qua cửa sổ.

Tại sao không nhân ý kiến của bên y tế để nhắc nhở các địa phương tuân thủ chuyện mở cửa? Tại sao lại trầm trọng hóa một rủi ro phải nói là rất nhỏ bởi làm sao từ xa có thể ghi hình đề thi qua cửa mở?

Nhắc mở cửa là để duy trì an toàn cho học sinh; nhắc coi chừng cửa mở là bảo vệ cho trách nhiệm của người lớn.

Có thể nhìn cuộc tranh luận nên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không qua hai lăng kính như thế. Bỏ thi và giao các trường xét tốt nghiệp sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề, trong đó an toàn cho học sinh là tiêu chí quyết định.

Thứ nhất là tình hình dịch COVID-19 đang quay trở lại, có nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng, chưa phát hiện hết nguồn lây nhiễm. Làm sao yên tâm tổ chức một kỳ thi mà trong đó có cả thí sinh F1, F2 dù có tổ chức phòng thi hay điểm thi riêng.

Về nguyên tắc, F1 là ca có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân COVID-19, phải cách ly và chỉ có bác sĩ hay nhân viên y tế điều trị được tiếp cận. Làm sao phân công thầy cô giáo vào coi thi chung với các F1 hay với các F2 cũng vậy?

Quan trọng hơn, nhiều địa phương đang yêu cầu người dân cách ly xã hội; nhiều nơi khác áp dụng biện pháp giãn cách xã hội - các điểm thi tập trung hàng trăm, hàng ngàn thí sinh là sai với nguyên tắc cách ly hay giãn cách.

Thí sinh dù không phải là F1, F2 cũng không nên để phơi nhiễm rủi ro lây lan khi cả xã hội đang nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh.

Ngược lại, cứ khăng khăng phải tổ chức thi tốt nghiệp chỉ là cách nghĩ trầm trọng hóa vấn đề. Trước đây đã từng có nhiều cuộc tranh luận nên hay không nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bên nói bỏ đưa ra các lập luận khó bác bỏ: tỉ lệ tốt nghiệp hằng năm luôn cao, ví dụ năm 2019 là 94,06%, năm 2018 là 97,57%; kỳ thi năm nay không dùng làm căn cứ để các trường đại học xét tuyển; các trường đại học từng phát biểu không thi tốt nghiệp họ vẫn có phương án tuyển sinh được...

Việc tiếp tục tổ chức thi tốt nghiệp trong bối cảnh đó chẳng khác gì sợ mở cửa phòng thi bên ngoài sẽ dùng phương tiện tối tân để biết được đề thi đã phát ra cho thí sinh!

Đó là nỗi sợ không thi học sinh sẽ lười học, không thi sẽ sai luật, không thi ngành giáo dục sẽ không hoàn thành nhiệm vụ..., toàn là chuyện của người lớn, toàn là nỗi lo của người lớn.

Thật ra hành lang luật pháp đã lường trước các tình huống như thế và trong phiên bản mới nhất của Luật giáo dục có nói: Học sinh học hết chương trình THPT nhưng không dự thi thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

Đối đế lắm các em có thể chọn cách này và sau này dùng giấy chứng nhận để dự thi các lần sau. Các nước cũng đã lần lượt công bố chuyện bỏ thi tốt nghiệp trung học như Pháp, Na Uy, Tây Phi; nhiều nước khác hoãn thi và nhiều trường đại học nói tuyển sinh không cần xét đến kết quả thi SAT như mọi năm nữa.

Nếu kỳ thi tốt nghiệp dùng để tuyển sinh đại học thì để công bằng cho mọi học sinh, cần phải tổ chức thi như nhau, giả dụ có một địa phương như Đà Nẵng không thi được cũng không ổn; còn thi chỉ để xét tốt nghiệp thì nên bỏ hẳn; các trường sẽ tự xét dựa trên kết quả học tập của học sinh.

Dịch COVID-19 làm xáo động cuộc sống của tất cả mọi người nhưng đồng thời cũng giúp chúng ta nhìn nhận lại ưu tiên của cuộc sống. Con người sẽ chọn cái thực chất và từ bỏ các thứ mang tính hình thức.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ gây ra những áp lực không cần thiết lên học sinh phụ huynh, thầy cô và nhiều người khác liên quan. Nên để nguồn năng lực ấy dồn vào chuyện phòng chống dịch sẽ tốt hơn và thực chất hơn cho xã hội.


Theo Tuổi trẻ