Thanh Miện giữ lửa nghề truyền thống

Kinh tế - Ngày đăng : 14:15, 05/08/2020

Dù đang có công việc cho thu nhập ổn định nhưng gia đình chị Đỗ Thị Lánh ở thôn Hội Yên, xã Chi Lăng Nam vẫn quyết định quay lại với nghề làm bánh đa truyền thống của quê hương.


Xưởng sản xuất bánh đa của hộ chị Lánh có quy mô lớn nhất huyện

​Bánh đa Q5 của nhà chị là sản phẩm duy nhất của huyện tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) năm 2020.

​Nghề làm bánh đa đã tồn tại ở xã Chi Lăng Nam từ thế kỷ XVIII nhưng với hộ chị Lánh lại rất mới mẻ vì vợ chồng chị mới theo nghề được 1 năm nay. Trước đây, nhà chị làm hương xuất khẩu nên có cơ hội tiếp cận với nhiều thị trường khác nhau. Nhận thấy nhu cầu sử dụng bánh đa để chế biến món ăn ngày càng cao trong khi người dân địa phương vẫn loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm nên đầu năm 2019, gia đình chị quyết định mở xưởng sản xuất bánh đa. "Ngoài mục đích kinh tế, vợ chồng tôi cũng mong muốn phát triển nghề truyền thống của cha ông, gìn giữ thương hiệu bánh đa Hội Yên", chị Lánh cho biết.

​Trên cơ sở tôn trọng công thức làm bánh truyền thống, hộ chị Lánh tiếp thu kỹ thuật sản xuất mới để làm ra sản phẩm vừa năng suất, vừa chất lượng, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Ngoài thuê lao động có kinh nghiệm, vợ chồng chị đầu tư 2,2 tỷ đồng để mua sắm máy móc, nâng cao hiệu quả sản xuất. Mỗi ngày, nhà chị sản xuất gần 4 tấn bánh đa, tiêu thụ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là cơ sở sản xuất bánh đa có quy mô lớn nhất huyện. Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, chị Lánh chủ động đăng ký bảo hộ nhãn hiệu "Bánh đa Q5" được sản xuất tại làng nghề bánh đa Hội Yên. Lý giải về tên gọi này, chị Lánh cho biết để làm ra bánh đa có độ dai và hương vị đậm đà thì phải dùng gạo Q5, không pha trộn. Do vậy, chị quyết định lấy tên Q5 để đặt cho thương hiệu bánh đa của mình. Để nâng cao giá trị sản phẩm, gia đình chị chú trọng tới khâu đóng gói, tạo sự bắt mắt với khách hàng.

​Nhờ có sự chuẩn bị bài bản nên dù mới đi vào hoạt động được 1 năm nhưng xưởng làm bánh đa của nhà chị Lánh đã thu lãi 600 triệu đồng, tạo việc làm thời vụ cho 15 lao động địa phương với thu nhập 200.000 đồng/người/ngày. Thời gian tới, gia đình chị có kế hoạch xuất khẩu bánh đa sang Ấn Độ. Nếu thành công sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ sang các nước khác.

​Thành công bước đầu đã tạo động lực để vợ chồng chị Lánh đăng ký tham gia OCOP với tư cách hộ sản xuất cá thể. Đây là cơ hội để gia đình chị có thể tận dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, đưa sản phẩm bánh đa Q5 lên một tầm cao mới. Qua đó, góp phần nâng cao vị thế của làng nghề bánh đa Hội Yên theo hướng bền vững.

Theo đánh giá ban đầu của cơ quan chuyên môn, sản phẩm bánh đa Q5 của hộ chị Lánh có nhiều lợi thế để được UBND tỉnh xếp hạng sản phẩm OCOP trong năm nay.

HOÀNG LINH- QUYẾT ĐỖ