Bầu thẩm phán Tòa Luật Biển quốc tế: Ứng viên Trung Quốc bị tố kém tài

Bình luận - Ngày đăng : 14:54, 05/08/2020

9 ứng viên đến từ 4 châu lục sẽ bước vào cuộc bầu chọn 7 ghế thẩm phán của Tòa Luật Biển quốc tế (ITLOS) dự kiến sẽ diễn ra sớm nhất trong tháng 8 này. Ứng viên Trung Quốc bị xem là "nhẹ ký" nhất.

Bầu thẩm phán Tòa luật biển quốc tế: Ứng viên Trung Quốc bị tố kém tài - Ảnh 1.
Một phiên điều trần tại Tòa luật biển quốc tế


Các cuộc bầu bán của ITLOS thường diễn ra trong im ắng và ít thu hút sự chú ý của quốc tế. Tuy nhiên, những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông đã khiến cuộc bầu chọn lần này nhận được sự quan tâm của quốc tế.

Bắc Kinh ra sức bảo vệ

Trừ khi Trung Quốc chủ động rút lui vào phút chót, đại sứ Trung Quốc tại Hungary, ông Đoàn Khiết Long, đã gần như chắc suất trở thành 1 trong 7 thẩm phán mới của ITLOS với tư cách là ứng viên duy nhất của khu vực châu Á.

Trong số 7 thẩm phán sẽ hết nhiệm kỳ ngày 30.9 tới, có một thẩm phán Trung Quốc là ông Cao Chí Quốc. Nếu ông Khiết Long được chọn, Bắc Kinh sẽ kéo dài chuỗi hiện diện liên tục tại ITLOS kể từ khi tòa án này được thành lập vào năm 1996.

Theo trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David R. Stilwell, Trung Quốc đang ra sức vận động hành lang các nước ủng hộ ứng viên của mình bất chấp các hành động trên Biển Đông.

Một số chuyên gia về luật quốc tế cho rằng nếu chỉ xét hồ sơ trình lên ITLOS, ông Khiết Long đang là ứng viên "nhẹ ký" nhất. Mặc dù vậy, xét tới tư cách là ứng viên của Trung Quốc, ông này lại trở thành ứng viên nặng ký nhất. Đó là chưa kể ông còn là ứng viên duy nhất của khu vực châu Á.

Bản "CV" của ông Khiết Long thể hiện ông đã từng theo học luật tại Mỹ rồi về nước làm tại Vụ Luật pháp và điều ước quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Tuy nhiên thời gian làm việc của ông tại vụ này không liên tục, thường bị chen vào bằng các nhiệm kỳ ngoại giao ở Úc, Singapore, Mỹ và hiện tại là Hungary. Các bài viết nghiên cứu của ông được liệt kê trong hồ sơ trình lên ITLOS đều đăng trên các tạp chí trong nước.

Trong một hội nghị trực tuyến về Biển Đông giữa tháng 7 vừa rồi, trợ lý ngoại trưởng Mỹ David R. Stilwell đã thúc giục các nước không bỏ phiếu cho ứng viên Trung Quốc.

"Các quốc gia tham gia việc bầu chọn thẩm phán ITLOS cần đánh giá thông tin của ông ta và tự hỏi bỏ phiếu cho ông ta là đang giúp hay đang hại luật biển quốc tế" - ông Stilwell lập luận.

Trước các nghi ngờ về năng lực của ông Khiết Long, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng bảo vệ.

"Ứng viên được Trung Quốc đề cử rất thông thạo luật quốc tế, có kiến thức phong phú lẫn kinh nghiệm thực tế trong Luật biển quốc tế. Nếu được bầu, chắc chắn ông Khiết Long sẽ cống hiến hết mình cho các công việc của tòa án và giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển" - người phát ngôn Hoa Xuân Oánh của Trung Quốc lập luận trong cuộc họp báo hôm 18.7.

Ngăn "bất chiến tự nhiên thành"

Trao đổi với phóng viên, thạc sĩ luật quốc tế Phạm Ngọc Minh Trang nhận định cuộc bầu chọn thẩm phán ở các tòa quốc tế như ITLOS hay Tòa công lý quốc tế (ICJ) là "một cuộc chơi chính trị" nên trong một số trường hợp, dù năng lực của các ứng viên không phù hợp, những người này vẫn nghiễm nhiên thắng cử.

Theo ThS Minh Trang, đối với các vấn đề như Biển Đông, ITLOS có vai trò rất quan trọng khi là 1 trong 3 cơ quan tài phán quốc tế có thể giải quyết các vấn đề trên biển. Khác với ICJ, chỉ các nước tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) mới có quyền bầu chọn 21 thẩm phán của ITLOS.

"Vì không có nước nào khác đề cử, ông Đoàn Khiết Long trở thành ứng viên châu Á duy nhất nên có thể nói lần này Trung Quốc không cần đánh cũng thắng. Dù ông ta có thể nổi tiếng ở Trung Quốc nhưng trên trường quốc tế, rất ít người biết ông này là ai - một điều rất khác với những ứng viên châu Âu hay châu Mỹ" - ThS Minh Trang, người từng có thời gian được đào tạo 9 tháng tại ITLOS, nhận định.

Theo ThS Minh Trang, để tránh tình trạng Trung Quốc "bất chiến tự nhiên thành" như lần này, "các quốc gia, đặc biệt là những nước liên quan vấn đề Biển Đông, cần phải chủ động đề cử thẩm phán cho ITLOS, có như vậy mới có thể tỏ rõ thái độ một cách chính danh và hợp pháp. Nhưng cơ hội như lần này sẽ chỉ tới sau 9 năm nữa".

Đừng trao ghế cho kẻ phá hoại UNCLOS

Ngay từ tháng 5 năm nay, đã có nhiều tiếng nói từ cộng đồng học giả kêu gọi 167 nước thành viên UNCLOS không bầu cho ứng viên của Trung Quốc, trong đó có học giả Jonathan G. Odom (Mỹ). Ông Odom kêu gọi các nước UNCLOS "không nên trao một ghế thẩm phán có nhiệm kỳ tới 9 năm cho nước đang phá hoại UNCLOS" khi phớt lờ phán quyết Biển Đông năm 2016 của Tòa Trọng tài quốc tế.

"Bắc Kinh có thể lập luận rằng việc không bỏ phiếu cho ứng viên của họ là thể hiện sự không thiện chí, nhưng chúng ta cần gửi thông điệp tới Chính phủ Trung Quốc rằng các hành vi sai trái của họ đang khiến danh tiếng của họ bị ảnh hưởng trên trường quốc tế" - học giả Mỹ kêu gọi.

Theo Tuổi trẻ