Vụ nổ kho hóa chất ở Lebanon: Bắt Tổng Giám đốc cảng vụ Beirut

Tin tức - Ngày đăng : 09:18, 07/08/2020

​Giới chức Lebanon bắt 16 người, gồm Tổng Giám đốc cảng vụ Beirut, trong cuộc điều tra vụ nổ khiến ít nhất 145 người chết và 5.000 người bị thương.


Binh sĩ Lebanon đứng tại hiện trường vụ nổ ở càng Beirut hôm 6.8. Ảnh: Reuters

Hãng thông tấn nhà nước Lebanon NNA hôm 6.8 không nêu tên những người bị bắt, nhưng dẫn lời thẩm phán Fadi Akiki, đại diện chính phủ tại tòa án quân sự, nói rằng giới chức đến nay đã thẩm vấn 18 quan chức hải quan, cảng vụ và những người tham gia bảo trì tại nhà kho.

"16 người đã bị bắt để phục vụ cuộc điều tra", thẩm phán Akiki nói và cho biết cuộc điều tra vẫn đang diễn ra.

Một nguồn tin tư pháp và hai đài truyền hình địa phương cho biết Tổng Giám đốc cảng vụ Beirut Hassan Koraytem là một trong những người bị bắt. Trước đó, ngân hàng trung ương Lebanon đã đóng băng tài khoản của 7 người, gồm Koraytem và người đứng đầu Tổng cục Hải quan Lebanon.

Thủ đô Beirut của Lebanon ngày 4.8 rung chuyển vì vụ nổ kho chứa 2.750 tấn amoni nitrat tại bến cảng. Với sức công phá ngang 240 tấn TNT, nó tàn phá hơn nửa thành phố, khiến ít nhất 145 người thiệt mạng và 5.000 bị thương, gây thiệt hại ước tính lên đến 5 tỷ USD.

Bức ảnh xuất hiện hôm 5.8 cho thấy kho số 12 của cảng Beirut chứa đầy amoni nitrat, hợp chất chủ yếu được dùng làm phân bón trong nông nghiệp, nhưng có thể trở thành chất nổ mạnh khi bị trộn với các chất dễ cháy. Bức ảnh được đăng trên mạng xã hội cho thấy amoni nitrat lưu tại kho 12 ở cảng Beirut chỉ được đựng trong các bao tải xếp chồng lên nhau mà không có bất kỳ biện pháp bảo vệ nào.

Số hàng này được cho là thuộc sở hữu của doanh nhân Nga Igor Grechushkin, được tàu Rhosus treo cờ Moldova chở từ Gruzia tới Mozambique để làm phân bón, nhưng bị bỏ lại khi tàu gặp sự cố động cơ lúc cập cảng Beirut tháng 6.2013. Các chi phí phát sinh trong quá trình neo tại cảng khiến Grechushkin sau đó tuyên bố phá sản và "bỏ rơi con tàu".

Koraytem cho biết số hóa chất trên được đưa vào kho theo lệnh của tòa án. Koraytem và lãnh đạo Tổng cục Hải quan Lebanon Badri Daher nói rằng họ đã vài lần gửi thư đến cơ quan tư pháp để yêu cầu đưa amoni nitrat khỏi cảng nhưng không được đáp ứng.

Hai tài liệu Reuters đã xem cho thấy hải quan Lebanon đã yêu cầu cơ quan tư pháp vào năm 2016 và 2017 ra lệnh cho cơ quan hàng hải có liên quan tái xuất hoặc phê duyệt việc bán thanh lý amoni nitrat để bảo đảm an toàn cho cảng. Một tài liệu cho thấy họ cũng gửi yêu cầu tương tự năm 2014 và 2015, nhưng giới chức Lebanon không có bất cứ động thái nào sau đó.

Theo VnExpress