Bình Giang chủ động bảo vệ bờ kênh Bắc Hưng Hải

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 13:40, 08/08/2020

Các địa phương trong huyện Bình Giang đã phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải bảo vệ bờ kênh, ngăn chặn các hoạt động khai thác cát trái phép.


Lãnh đạo UBND xã Vĩnh Hưng và Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải kiểm tra, đánh giá mức độ nguy hiểm của sự cố sạt lở bờ kênh ở thôn Ngọc Mai

Bờ kênh Bắc Hưng Hải đoạn qua huyện Bình Giang có nhiều điểm nhỏ hẹp, dễ xảy ra sự cố. Để bảo vệ bờ kênh, chính quyền địa phương và Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Bắc Hưng Hải đã phối hợp chặt chẽ nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố.

Nhiều điểm xung yếu

Xã Vĩnh Hưng có gần 10 km kênh Bắc Hưng Hải nhưng có tới 4 điểm xung yếu ở cả bờ tả và hữu sông Kim Sơn. Các đoạn xung yếu dài từ 400 - 500 m, có đoạn dài tới 900 m, cao trình thấp, không đủ khả năng chống tràn. Cuối năm 2019, đoạn kênh thuộc thôn Ngọc Mai đã xảy ra sự cố sạt trượt mái phía tả sông Kim Sơn. Cung sạt dài 17 m, điểm sạt sâu nhất vào trong thân bờ kênh 1,4 m, mặt bờ kênh chỉ còn 2 m. Đây là sự cố sạt trượt nguy hiểm trên toàn tuyến. Nguyên nhân do tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra thường xuyên trên đoạn kênh này. 

Sông Tây Kẻ Sặt đoạn qua huyện Bình Giang cũng đang có 7 điểm xung yếu, tập trung ở các xã Thúc Kháng, Thái Dương. Các điểm xung yếu này đều có đặc điểm chung là thấp và nhỏ hẹp. Nhiều đoạn bờ kênh chỉ rộng từ 2 - 3 m, chưa đạt theo mặt cắt thiết kế, phần lớn thuộc các tuyến sông Kim Sơn, Đình Đào. Một số đoạn người dân tận dụng mái kênh phía trong đồng làm bờ ao nuôi cá. Ở những khu vực này, chân mái bờ kênh bị cá rúc rỉa gây sạt trượt. Đây cũng là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn bờ kênh.

Ông Vũ Thành Long, cán bộ kỹ thuật Trạm Quản lý công trình sông Sặt khẳng định: "So với các địa phương khác, huyện Bình Giang có bờ kênh dài, nhiều điểm xung yếu nhất tỉnh, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố. Trong những năm gần đây, khu vực này liên tiếp xảy ra sự cố sạt trượt, đặc biệt là sau mỗi trận mưa lớn, nước sông dâng cao".

Theo đánh giá của Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Bắc Hưng Hải, trong số 36 km bờ kênh Bắc Hưng Hải thuộc huyện Bình Giang có tới 20 điểm xung yếu cần được bảo vệ. Trong năm 2019, các đợt mưa lớn đã khiến bờ kênh trục Bắc Hưng Hải xảy ra 99 sự cố sạt trượt. Trong đó, 2sự cố sạt trượt ở bờ tả kênh Tây Kẻ Sặt đoạn qua xã Thái Dương dài 120 m. Đây là đoạn sạt trượt nguy hiểm nên đã được cải tạo ngay trong năm 2019 bằng nguồn vốn thường xuyên của doanh nghiệp.

Chung tay bảo vệ

Toàn bộ hoạt động sản xuất nông nghiệp của huyện Bình Giang đều phụ thuộc vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Do vậy, việc bảo vệ bờ kênh không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn của chính quyền địa phương.

Ông Vũ Hiền Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hưng cho biết: “Việc bảo vệ bờ kênh Bắc Hưng Hải có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của địa phương. Xã giao trách nhiệm cho trưởng các thôn có vị trí tiếp giáp với bờ kênh và dân quân tự vệ thường xuyên tuần tra ở các tuyến kênh nhằm phát hiện các phương tiện khai thác cát trái phép, kịp thời báo cáo các sự cố sạt lở lên chính quyền địa phương và công ty để phối hợp xử lý”.

Ngay sau khi xảy ra sự cố sạt lở ở thôn Ngọc Mai, UBND xã Vĩnh Hưng đã tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác, bảo vệ vị trí sạt lở. Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Bắc Hưng Hải tích cực phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương tìm giải pháp khắc phục vì vị trí sạt lở dài, cao trình đáy sạt lở sâu. Nếu mực nước sông trục Bắc Hưng Hải dâng cao, kèm theo mưa, sạt lở còn diễn biến phức tạp, nước ngoài sông sẽ tràn vào trong đồng và gây thiệt hại lớn cho sản xuất, đời sống người dân. Hiện sự cố này đang được công ty xử lý bằng biện pháp hạ thấp bờ kênh cũ dài 155 m, mở rộng mái kênh phía đồng rộng 1,5 m, mặt bờ kênh rộng 3 m. Kinh phí xử lý khoảng 900 triệu đồng từ nguồn vốn thường xuyên của công ty.

Những năm gần đây, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đã xuống cấp, nhiều sự cố xảy ra đe dọa tới đời sống và sản xuất của người dân. Ngoài tác động của dòng chảy, hoạt động khai thác cát trái phép cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều đoạn kênh bị sạt trượt. Trong khi đó, nguồn lực của công ty có hạn nên việc đầu tư xử lý sự cố chưa nhiều. Việc bảo vệ bờ kênh, chặn đứng các hoạt động khai thác cát trái phép không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn của chính quyền địa phương. 

TRẦN HIỀN