Dòng sông con gái chợt ngừng...
Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 18:21, 09/08/2020
Rưng rưng xúc động là cảm xúc của tôi khi đọc bài thơ Mong lắm mẹ ơi của tác giả Ninh Đức Hậu. Bài thơ viết về nỗi đau thương, mất mát trong chiến tranh. Đề tài viết về chiến tranh và những di họa của nó không mới, bởi nó luôn là mối quan tâm thường xuyên của giới văn nghệ sĩ. Nhưng mỗi người lại chọn cách khai thác riêng, hoặc là làm nổi bật sự dũng cảm, kiên cường; tinh thần lạc quan vượt lên mọi khó khăn, gian khổ; hoặc là nỗi đau thương mất mát... Nhà thơ Ninh Đức Hậu cũng có khá nhiều bài thơ viết về đề tài này với những cung bậc cảm xúc khác nhau, Mong lắm mẹ ơi là một ví dụ tiêu biểu.
Mong lắm mẹ ơi viết về sự hy sinh của người nữ thanh niên xung phong trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Bài thơ mở đầu bằng hiện thực đau xót: "Bây giờ con của cỏ hoa/ Vui cùng mây gió ở nhà đất sâu/ Tóc xanh biêng biếc một màu/Bao năm vẫn thuở ban đầu tinh khôi". Tác giả hóa thân vào nhân vật trữ tình thủ thỉ an ủi mẹ, để mẹ phần nào nguôi ngoai nỗi muộn phiền, bởi con đã hòa vào cỏ cây khi tuổi đời đang độ thanh xuân phơi phới. Với mẹ, con vẫn "thuở ban đầu tinh khôi" như ngày nào nhưng nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ cứ đầy lên theo năm tháng. Nhớ nhất là hình dáng mẹ ngày tiễn con lên đường: "Đêm đêm nhớ lắm mẹ ơi/ Tiễn con hôm ấy mưa rơi mắt người". Ở đây, hình ảnh người mẹ hiện lên qua nỗi nhớ của con như chạm khắc vào lòng người đọc: "Lệch môi nâng nấc miệng cười". Ta hình dung thương nhớ con, để con nhẹ lòng ra đi cứu nước, mẹ nén khóc, cố gượng cười nhưng nét cười nhòe đi trong tiếng nấc đến lệch môi của mẹ. Mẹ đứng đó "chẳng chịu rời bến sông", cứ dõi mãi theo con, mong mỗi bước con đi "chân cứng đá mềm". Mẹ mường tượng những khó khăn, vất vả con phải gánh chịu và càng thương con đứt ruột: "Trường Sơn thăm thẳm trập trùng núi non/Mịt mù khói lửa đạn bom/Rừng thiêng nước độc mỏi mòn thanh xuân".
Ai đã kinh qua chiến tranh mới càng thấm thía "gương mặt thật" của nó. Đâu chỉ là đạn bom khói lửa, mà người lính Trường Sơn phải vượt qua muôn ngàn gian nan, vất vả kể cả đói khát, thiếu thốn, bệnh tật: "Miếng xà bông năm bảy phần/Quả bồ kết nhỏ chia lần lượt nhau". Nhưng những người con gái ấy vẫn kiên cường bám trụ, bất chấp bom đạn kẻ thù, đêm ngày mở đường cho những đoàn xe nối nhau ra mặt trận. Chưa hết, khó khăn về vật chất làm sao thấm với những thiếu thốn về tinh thần. Ở giữa chiến trường, họ thèm lắm một tiếng nói, một lời chia sẻ từ người thân. Ta không ngạc nhiên khi họ "Khát khao một cái bì thơ", ở nơi sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc thì lá thư không còn là của riêng mà là nỗi chờ đợi niềm vui chung của mọi người.
Gánh vác cuộc chiến tranh trên vai đối với nam nhi đã là gánh nặng khôn lường, nhưng với những người phụ nữ thì gánh nặng ấy càng được nhân lên gấp bội. Tuy nhiên, không khó khăn, trở ngại nào có thể làm nhụt chí những người con gái "chân yếu tay mềm". Trong bom đạn, họ vụt sáng lên thành một sức mạnh phi thường: "Bờ vai mảnh hóa trụ cầu/Hoa tiêu áo trắng đêm thâu trăng mờ". Hai câu thơ với những hình ảnh đẹp đã tạo dựng một bức chân dung dũng cảm, kiên cường của những người nữ thanh niên xung phong, làm "hoa tiêu áo trắng" để những đoàn xe an toàn thẳng tiến về phía trước.
Nhưng trong chiến tranh điều gì cũng có thể xảy đến, tổn thất là điều không tránh khỏi. Đó là lúc "Dòng sông con gái chợt ngừng dòng xuôi", người con gái chưa một lần được hưởng tình yêu, hạnh phúc, thậm chí "Nụ hôn thấp thoáng trong mơ ngập ngừng". Xót xa hơn "mơ cũng nửa chừng". Cho dù cách nói hình tượng của tác giả về sự hy sinh của người con gái trong bài thơ có thể làm cho nỗi mất mát nhẹ vơi đi nhưng đau thương là một sự thật không thể hóa giải: "Dòng sông con gái chợt ngừng dòng xuôi", lời thơ như tắc nghẹn nửa chừng. Mong ước rất đời thường và chính đáng của người con gái "Bàn tay nắm chặt bàn tay/Hoa cài mái tóc ngất ngây sang đò" mãi mãi chỉ là ước mong, là khát khao mà thôi.
Bằng giọng thơ lục bát nhẹ nhàng, ngôn ngữ giản dị, trau chuốt, thi ảnh giàu sức gợi, Mong lắm mẹ ơi của Ninh Đức Hậu đã tạo được dư ba trong lòng bạn đọc. Bài thơ viết về sự hy sinh nhưng không bi lụy, vì cao hơn sự mất mát hy sinh là nỗi nhớ thương gia đình, là khát vọng tình yêu, hạnh phúc, là trách nhiệm với non sông đất nước... Cho dù "Dòng sông con gái chợt ngừng" nhưng mạch ngầm truyền thống của dân tộc không bao giờ ngơi nghỉ, bởi biết bao người đã không tiếc tuổi thanh xuân, hóa thân vào cây cỏ, làm nên đất nước hôm nay.
NGUYỄN THỊ BÌNH
Mong lắm mẹ ơi NINH ĐỨC HẬU |