Cuộc sống ở những khu vực bị cách ly

Đời sống - Ngày đăng : 08:37, 14/08/2020

Cuộc sống của người dân thôn Tuyển Cử, xã Tân Hồng (Bình Giang) - quê của bệnh nhân số 867 và một đoạn đường Ngô Quyền, phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) - nơi ông làm việc có nhiều xáo trộn.


Người dân thôn Tuyển Cử, xã Tân Hồng nhận khẩu trang y tế được treo ở cổng

Nhịp sống đảo lộn

Khi có thông báo về việc thực hiện cách ly xã hội tại thôn Tuyển Cử từ tối 11.8, bà Đặng Thị Huy cũng như các thành viên trong gia đình sống trong thôn đều hiểu rằng việc cần làm của mọi người lúc này là ở yên trong nhà. Từ sáng 12.8, hai người con của bà, một người làm công nhân, một người là thợ sửa chữa điện lạnh đã nghỉ ở nhà. Không ra ngoài đi chợ, bà Huy liên lạc với người cháu họ bán thực phẩm ở thôn bên tiếp tế. Bà chia sẻ: "Không chỉ tôi mà nhiều người khác trong thôn đều không tránh khỏi hoang mang, lo lắng khi nghe tin về dịch bệnh. Chúng tôi đang cố gắng giữ bình tĩnh để vượt qua".

Tối 11.8, chị Vũ Thị Trang là công nhân của Công ty TNHH Công nghiệp Brother (Cẩm Giàng) làm ca đêm không về nhà. "Sáng về em đã thấy thôn mình bị cách ly rồi. Em đã điện báo cho công ty xin nghỉ làm 14 ngày, tuân thủ đúng quy định của địa phương".

Theo ghi nhận của phóng viên, người dân tại thôn Tuyển Cử đều chủ động chấp hành nghiêm túc, triệt để các yêu cầu, khuyến cáo của chính quyền. Tại các cửa ngõ ra vào thôn, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 xã Tân Hồng đã thành lập 3 chốt chặn, bố trí lực lượng công an, quân đội, y tế, đoàn thể trực 24/24 giờ.

Sau khi có thông tin ông V.D.B. làm trông xe cho nhà hàng Thế giới bò tươi ở 36 đường Ngô Quyền bị nhiễm Covid-19, một đoạn đường ở đây đã bị cách ly. Khu vực cách ly dài hơn 100 m từ số nhà 20 - 66, có 20 hộ dân với 72 nhân khẩu. Nhiều người dân khu vực bị cách ly cho biết rất bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày nhưng đây là việc làm bắt buộc để bảo đảm an toàn cho cộng đồng và chính những người thân của mình.

Trước khi phát hiện ca bệnh 867, buổi sáng và cuối giờ chiều hằng ngày bà Nguyễn Thị M. ở số nhà 66 Ngô Quyền đều ra tập thể dục ở các máy tập gần nhà. Nhưng từ tối 11.8 đến nay, bà đành gác lại thói quen này. Bà M. và hàng xóm tập thể dục ngay trước cửa nhà, tất cả đều đeo khẩu trang, tránh trò chuyện, tiếp xúc với nhau. Không chỉ thế, 2 con trai của bà M. phải nghỉ việc vì đã bị cách ly thì "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Con của bà M. cũng như nhiều hàng xóm khác đang công tác tại các cơ quan, doanh nghiệp đều phải thông báo lý do nghỉ việc với nơi công tác, đồng thời thu nhập cũng sẽ giảm sút. "Rất bất tiện nhưng tất cả chúng tôi đều chấp hành nghiêm. Bà con ai cũng mong sớm trở lại cuộc sống bình thường", bà M. cho biết.

Tương tự như bà M., một người dân sống tại số nhà 20 đường Ngô Quyền cũng cho biết: "Không ai lường trước được. Bác bảo vệ ở quán bò tươi cũng vậy. Tôi nghĩ chuyện này là một bài học cho tất cả mọi người, nhất là khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên diện rộng. Những người khác cũng không nên bài xích hoặc kỳ thị bác ấy. Bị nhiễm Covid-19 là điều không ai mong muốn".

Không để người dân thiếu thốn

Tại thôn Tuyển Cử đã thành lập một tổ công tác gồm 5 người để kịp thời tiếp tế lương thực, thực phẩm, phát khẩu trang, nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn cho người dân trong thôn. Lương thực, thực phẩm được mua và đặt tại chốt kiểm dịch, sau đó người dân tự ra lấy. Khẩu trang, dung dịch sát khuẩn sẽ được người của tổ công tác treo tại cổng nhà, các gia đình tự ra nhận. 

Ông Lương Văn Thông, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tân Hồng cho biết: “Ngay khi biết được thông tin ở thôn Tuyển Cử có bệnh nhân dương tính với Covid-19, rất nhiều người con quê hương, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ở các nơi đã gửi khẩu trang, nước rửa tay, nhu yếu phẩm về để chung sức cùng địa phương chống dịch. Chúng tôi chân thành đón nhận tấm lòng của mọi người”.      

Đến chiều 13.8, xã Tân Hồng (Bình Giang) đã nhận được hơn 47.000 chiếc khẩu trang y tế và hơn 200 lọ nước rửa tay. Các tổ chức, cá nhân còn ủng hộ mì tôm, sữa, mì chính, dầu ăn... cho nhân dân vùng dịch. 

UBND TP Hải Dương và UBND phường Phạm Ngũ Lão đã có những biện pháp kịp thời giúp nhân dân ở khu vực cách ly yên tâm. Phường Phạm Ngũ Lão cử cán bộ mua lương thực, thực phẩm cho người dân. Các hộ dân tập hợp nhu cầu lương thực, thực phẩm và báo cho một người đại diện. Người này sẽ liên hệ với một cán bộ ở phường Phạm Ngũ Lão để đặt mua. Lực lượng kiểm soát dịch bệnh có trang bị đồ bảo hộ sẽ mang lương thực, thực phẩm đặt trước cửa nhà người dân trước 10 giờ 30 hằng ngày và rút đi ngay. Sau đó, người dân tự nhận lương thực, thực phẩm để tránh tiếp xúc gần. Công tác hậu cần phục vụ các hộ dân bị phong tỏa đã được phường chủ động triển khai với phương châm không để dân thiếu thốn, đáp ứng tốt nhất những nhu cầu thiết yếu của người dân. 

TIẾN HUY - HÀ NGA