Công nhân may khốn đốn vì dịch
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 07:12, 18/08/2020
Nhiều công nhân may làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hải Dương
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), khoảng 70% số doanh nghiệp trong ngành đã giảm việc cho công nhân trong tháng 3 và 80% giảm lao động trong tháng 4 và tháng 5. Dự báo tình hình sẽ càng khó khăn hơn trong thời gian tới nếu dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Doanh nghiệp cắt giảm lao động
Ở Hải Dương, đến nay chưa có số liệu thống kê chính thức về thiệt hại của các doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc. Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, hàng loạt công ty may đối mặt với khó khăn, thậm chí có doanh nghiệp còn buộc phải cho tất cả công nhân nghỉ việc không lương.
Công ty TNHH Embossa Việt Nam (TP Hải Dương), 100% vốn đầu tư Hàn Quốc, hoạt động từ năm 2012, chuyên sản xuất mũ các loại. Khoảng 70% số đơn hàng của công ty xuất sang Mỹ và các nước châu Âu. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến tháng 4, tất cả các đơn hàng xuất sang khu vực này bị hủy. Bởi vậy, giữa tháng 4 công ty đã cho toàn bộ hơn 500 công nhân nghỉ việc không lương. Thời hạn nghỉ đến tháng 11, nhưng nếu tìm được đơn hàng công ty sẽ hoạt động trở lại.
Công ty TNHH Sees Vina, 100% vốn đầu tư nước ngoài, trụ sở chính ở xã Minh Đức (Tứ Kỳ) chuyên may găng tay thể thao xuất khẩu. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công ty không ký được đơn hàng mới. Tháng 5.2020, công ty buộc phải cho 575 công nhân nghỉ việc hẳn. Đây chủ yếu là lao động đã hết hạn hợp đồng, ký hợp đồng lao động ngắn hạn, tay nghề kém…
Nhiều doanh nghiệp may khác cũng lao đao vì dịch. Các Công ty TNHH: May Hải Anh (chi nhánh ở Bình Giang và Ninh Giang), May mặc quốc tế Phú Nguyên (Nam Sách), May Tinh Lợi (ở các khu công nghiệp Nam Sách và Lai Vu)… Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng buộc phải cho công nhân nghỉ việc có thời hạn hoặc giảm giờ làm, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của người lao động.
Công ty TNHH Young Tech Việt Nam ở xã Văn Tố (Tứ Kỳ) chuyên sản xuất găng tay xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu… Do dịch Covid-19 vẫn hoành hành ở các nước trên nên công ty không thể ký kết được đơn hàng mới.
Từ cuối tháng 7, Công ty TNHH Mascot Việt Nam ở khu công nghiệp Tân Trường (Cẩm Giàng) đã cắt giảm 150 lao động (chiếm gần 17% số lao động hiện có của công ty). Nguyên nhân do 70% số đơn hàng là các sản phẩm may mặc xuất khẩu sang các nước châu Âu và Mỹ bị huỷ.
Công nhân khó khăn
Doanh nghiệp thiếu việc khiến công nhân gặp không ít khó khăn. Chị Nguyễn Thị Phương Thảo ở xã Văn Tố làm ở bộ phận chuyền may tại Công ty TNHH Dimond Clothing (thị trấn Tứ Kỳ) cho biết: "Trước đây, công nhân làm không hết việc, thường xuyên tăng ca và thỉnh thoảng còn làm cả chủ nhật. Do ảnh hưởng của dịch nên đơn hàng giảm, việc ít đi. Mức thu nhập của tôi giảm 50% so với trước". Theo chị Thảo, mấy tháng nay thu nhập của chị chỉ từ 4-5 triệu đồng/tháng. Chồng chị là lao động tự do, thu nhập bấp bênh. Các con của anh chị lại đang tuổi ăn học nên phải căn cơ lắm chị Thảo mới đủ trang trải cuộc sống gia đình.
Chị Nguyễn Thị Na ở phường Cẩm Thượng kém may mắn hơn. Chị Na làm việc cho một công ty may trên địa bàn TP Hải Dương. Từ cuối tháng 4 công ty ít việc, chị Na cùng với nhiều người khác phải nghỉ việc không lương. Năm nay chị Na đã gần 40 tuổi. Ở công ty, chị chủ yếu nhặt chỉ và làm các công việc phụ nên không có nhiều kinh nghiệm trong nghề. Chị đành phải làm bất cứ việc gì khi được thuê mướn để trang trải cuộc sống, chăm lo 2 con còn nhỏ.
Ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Tứ Kỳ cho biết trên địa bàn huyện có khoảng 50% số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, không ít doanh nghiệp đã cho công nhân nghỉ việc, giảm giờ làm hoặc chuyển sang loại hình sản xuất khác theo tính chất cầm cự “lấy ngắn nuôi dài”. Điển hình như Công ty TNHH Richway ở xã Đại Sơn chuyên sản xuất hàng dệt sẵn đã cho hơn 50% số công nhân nghỉ việc. Công ty TNHH J.Plus.Vina ở xã Văn Tố chuyển từ may trang phục sang may khẩu trang. Ở thời điểm hiện nay, công nhân may mất việc rất khó xin được việc phù hợp, vì nhu cầu tuyển dụng của nhiều doanh nghiệp trong ngành hạn chế hơn nhiều so với trước.
THẢO NGA