Đại hội toàn quốc của Đảng Dân chủ - sự kiện có thể thay đổi lịch sử Mỹ

Tin tức - Ngày đăng : 12:53, 18/08/2020

Đại hội toàn quốc của Đảng Dân chủ diễn ra từ ngày 17-20.8 tại Milwaukee, Wisconsin. Đại hội "bất thường" này sẽ đưa ra một quyết định có thể thay đổi lịch sử Mỹ.

Dai hoi Toan quoc dang Dan chu anh 1
Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ năm 2020 diễn ra theo hình thức trực tuyến để phòng chống Covid-19

Tuần này, các thành viên Đảng Dân chủ sẽ tụ họp lại để tham gia đại hội toàn quốc với ước mơ về một thỏa thuận mới (New Deal) như chính sách đã gắn liền với tên tuổi của cố Tổng thống Franklin Delano Roosevelt.

Tất nhiên, “tụ họp” chỉ nằm trong tưởng tượng vì gần như mọi hoạt động sẽ diễn ra trực tuyến. Tuy nhiên, hình thức đại hội mới này sẽ không ngăn những người trung thành với Đảng Dân chủ nuôi hy vọng đảng sẽ giành thắng lợi hoàn toàn như chiến thắng của Franklin D. Roosevelt trước Tổng thống Herbert Hoover vào năm 1932.

Đây không phải hy vọng viển vông. Thất bại của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi đối mặt với đại dịch và sự sụp đổ kinh tế có thể gợi nhớ đến sự bất cẩn của cố Tổng thống Hoover năm đó.


Mỗi giây phút của đại hội này sẽ là minh chứng cho thất bại của ông Trump, theo giáo sư E.J. Dionne của Đại học Georgetown. Đại hội đã không thể diễn ra theo cách thông thường vì tổng thống đương nhiệm không kiểm soát được cuộc khủng hoảng y tế đang càn quét nước Mỹ.

Và cam kết xây dựng chính phủ năng động, dựa trên thực tế, và tập trung giải quyết vấn đề theo kiểu New Deal thực sự phù hợp với tâm lý của một quốc gia đang muốn loại bỏ virus, khiến việc làm cùng thu nhập tăng trở lại và bảo vệ công bằng trong hệ thống kinh tế.

Đại hội năm 1932 của Roosevelt

Franklin Delano Roosevelt phá vỡ truyền thống bằng cách đích thân xuất hiện tại Đại hội Toàn quốc Đảng Dân chủ năm 1932 ở Chicago. Đây là động thái mà ông gọi là "chưa từng có và bất thường, nhưng đây cũng là những thời điểm chưa từng có và bất thường". Ông đã đưa ra câu nói đi vào lịch sử: "Tôi cam kết với bạn, tôi cam kết với bản thân, về một thỏa thuận mới cho người dân Mỹ".

Nhưng ông cũng nói về "hai cách xem xét nhiệm vụ của chính phủ trong các vấn đề ảnh hưởng đến đời sống kinh tế và xã hội".

“Cách nhìn đầu tiên liên quan dến việc một số ít người có điều kiện hy vọng rằng một phần sự giàu có của họ sẽ đến với người lao động, nông dân, người kinh doanh nhỏ. Lý thuyết này thuộc về đảng Tory (phe bảo thủ). Tôi đã hy vọng rằng hầu hết người theo đảng Tory đã rời khỏi đất nước này vào năm 1776. Lý thuyết này không phải và sẽ không bao giờ là lý thuyết của Đảng Dân chủ”, ông Roosevelt nói.

Không khó để tưởng tượng ông Joe Biden hoặc bà Kamala Harris cũng sẽ nói như vậy. Và đây sẽ như trò đùa của lịch sử nếu ông Biden, người bắt đầu sự nghiệp chính trị ở tầm quốc gia vào năm liên minh New Deal sụp đổ vĩnh viễn, nhậm chức với cách tiếp cận chính trị lấy cảm hứng từ New Deal.

Dai hoi Toan quoc dang Dan chu anh 2

Ông Joe Biden bắt đầu sự nghiệp thượng nghị sĩ của mình vào năm 1972, năm liên minh New Deal của Roosevelt sụp đổ

Liên minh New Deal tan vỡ vào năm 1972 khi Richard Nixon đè bẹp ứng viên của Đảng Dân chủ George McGovern tại bang Delaware của ông Biden, nơi Nixon chiến thắng cách biệt tới 20 điểm phần trăm.

Lúc đó, Joe Biden, 30 tuổi, lội ngược dòng để giành được ghế Thượng viện trước một thành viên Đảng Cộng Hòa. Đó là khởi đầu cho sự nghiệp 36 năm ở Thượng viện của ông.

Mơ ước chiến thắng tương tự năm 2020

Nếu Đảng Dân chủ năm 2020 khác với với Đảng Dân chủ vào 1972, thì sự tương phản với đảng của cố Tổng thống Roosevelt năm 1932 thậm chí còn rõ ràng hơn.

Vào thời ông Roosevelt, các đảng viên Đảng Dân chủ ở miền Nam công khai ủng hộ chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. Họ sẽ không thể tưởng tượng được việc họ là thành viên một đảng đưa Barack Obama trở thành tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ.

Đám đông tại đại hội của ông Roosevelt sẽ kinh ngạc khi ông Biden chọn một phụ nữ da đen - con gái người nhập cư Ấn Độ và Jamaica - làm ứng viên phó tổng thống được nhiều người coi là sự lựa chọn rõ ràng và an toàn nhất.

Việc Đảng Dân chủ chuyển từ một đảng phân biệt chủng tộc sang đảng hòa nhập các thành phần là kết quả của một cuộc đấu tranh lâu dài và vẫn là niềm tự hào. Tuy nhiên, phản ứng dữ dội bắt đầu vào cuối những năm 1960 đã phá hủy liên minh New Deal.

Hầu hết bang từng thuộc Liên minh miền Nam và một phần các cử tri của Đảng Dân chủ ở nơi khác chuyển sang ủng hộ Đảng Cộng hòa. Chiến thắng của Nixon trước McGovern một phần là thành quả Chiến lược phương Nam, chiến lược hoàn toàn biến thành chủ nghĩa phân biệt chủng tộc dưới thời ông Trump.

Các cử tri sẽ đưa ra đánh giá lịch sử tương tự trong năm nay. Họ cũng đang được kêu gọi công nhận đóng góp của chính Roosevelt cho nền chính trị theo kiểu hòa nhập mọi thành phần.

Tự ti về chủng tộc của mình, Roosevelt phản đối chủ nghĩa bản địa bài ngoại và xây dựng liên minh với những người nhập cư thuộc tầng lớp lao động ở phương Bắc - trong số đó có người Italy, người Do Thái Đông Âu, người Ba Lan và người Ireland.

Ông nhắc nhở những người Mỹ tiên phong (như chính bản thân ông) - hậu duệ của những người định cư ban đầu ở Mười ba thuộc địa - rằng họ cũng “xuất thân từ những người nhập cư và những người làm cách mạng”.

Dai hoi Toan quoc dang Dan chu anh 3

Việc ông Biden lựa chọn bà Kamala Harris cùng ra tranh cử tái khẳng định quan điểm về bình đẳng của đảng Dân chủ

Do đó, nếu việc ông Biden lựa chọn bà Harris tái khẳng định quan điểm về bình đẳng chủng tộc của Đảng Dân chủ, thì đây cũng là một kiểu đánh cược của Roosevelt, nhưng ở phiên bản hiện đại.

Họ hy vọng rằng một thế hệ người nhập cư mới - lần này là từ châu Á, Caribbean, châu Mỹ Latinh và châu Phi - liên minh với những người Mỹ khác đã chán ngán với sự kém cỏi và chia rẽ, sẽ thúc đẩy sự thay đổi nền chính trị Mỹ.

Phần lớn bài phát biểu trong tuần ở Đại hội Toàn quốc của Đảng Dân chủ sẽ tập trung vào thảm họa hiện tại: nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump.

Tuy nhiên, nhiệm vụ lịch sử của đại hội “chưa từng có và bất thường” này rất rõ ràng: giúp ông Biden chứng minh liên minh New Deal trong thế kỷ 21 có thể được xây dựng từ những thành phần đa dạng hơn bằng cách chấp nhận cả công bằng về chủng tộc và kinh tế.

Theo Zing