Nhớ ngày khởi nghĩa ở Bình Giang
Tin tức - Ngày đăng : 18:07, 19/08/2020
Bà Vũ Thị Đỗ thường kể lại về những ngày mùa thu Cách mạng năm 1945 cho cháu nội nghe
Theo Lịch sử Đảng bộ huyện Bình Giang tập I (19301945), trong khoảng thời gian từ tháng 6-7.1945, thanh thế của Việt Minh ngày càng lan rộng khắp nơi trong huyện. Nhiều cuộc tuyên truyền diễn thuyết được tổ chức ở chợ Kiệt, chợ Cậy, chợ Vạc, Châu Khê và nhiều thôn, xã khác. Truyền đơn biểu ngữ được các tổ Việt Minh in và dán ở những nơi đông người qua lại, cột cây số đường 20, phố Kẻ Sặt… Việt Minh ở nhiều xã tập hợp quần chúng thành lập đội tự vệ. Phong trào luyện tập quân sự khá sôi nổi, thu hút đông đảo thanh niên và cả phụ nữ tham gia. Vào cuối tháng 7, đầu tháng 8.1945, dựa vào hình thức hợp pháp, việc tổ chức thanh niên tập võ gậy chống cướp trở nên công khai. Nhiều cuộc đấu tranh chống nộp thuế cho Nhật, chống thu mua thóc tạ, thóc liên đoàn liên tiếp nổ ra. Nổi bật là cuộc đấu tranh chống bọn cường hào thu thuế nặng nề của nhân dân trong thôn Vĩnh Lại (xã Vĩnh Tuy, nay là xã Vĩnh Hưng).
Dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự Việt Minh, hàng nghìn người được huy động đi phá kho thóc của Nhật ở Cầu Vồng (Kẻ Sặt); phối hợp với Việt Minh ở các địa phương lấy thóc ở nhà nhiều tên hào lý, cứu đói cho dân. Quần chúng nhiều nơi công khai mang băng, cờ, khẩu hiệu, rèn đánh vũ khí, luyện tập quân sự.
Ngày 12.8.1945, lực lượng Việt Minh trong toàn huyện đã vào huyện đường tước vũ khí. Sau khi ta giải thích chính sách của Mặt trận Việt Minh, vợ chồng tri phủ Hà Trường Thịnh hứa không chống phá và nộp 12 khẩu súng cho cách mạng. Sau sự kiện tước vũ khí tại huyện đường, bộ máy chính quyền tay sai địch ở huyện Bình Giang thực sự bị tê liệt, mất hiệu lực.
Cụ Lê Xuân Thọ, 96 tuổi ở phố Tam Giang, TP Hải Dương, cán bộ tiền khởi nghĩa quê gốc ở xã Thúc Kháng (Bình Giang), từng tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện này. Sáng 19.8.1945, ông Thọ được phân công cùng các đoàn Việt Minh, tự vệ các xã trong huyện biểu dương lực lượng tiến vào huyện đường. Dòng người ùn ùn từ Phủ đi lên, từ Tân Hưng, Lý Đỏ kéo ra, từ Ngọc Cục, Trạch Xá kéo đến. Tất cả mọi người hướng theo lá cờ đỏ sao vàng phía trước rầm rập tiến bước.
Tối 19.8.1945, Ban cán sự Việt Minh đã họp cử ra Ủy ban cách mạng lâm thời và quyết định tổ chức cuộc mít tinh trong toàn huyện. Ngày 20.8.1945, lực lượng tự vệ cùng hàng vạn nhân dân ở các xã đủ mọi tầng lớp, đặc biệt là quần chúng lao động, với sự chuẩn bị từ trước mang theo băng cờ, vũ khí thô sơ hùng dũng hiên ngang vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm” từ các ngả tiến vào địa điểm cuộc mít tinh tại Kẻ Sặt. Đáp lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh, mọi người đồng thanh hô lớn “Cách mạng Tháng Tám thành công muôn năm”, “Việt Nam độc lập muôn năm” với tinh thần và khí thế sôi nổi, hào hùng chưa từng thấy. Kết thúc cuộc mít tinh, đoàn người giương cao cờ, biểu ngữ, mang vũ khí tuần hành quanh huyện lỵ. Ngày 20.8.1945 mãi mãi đi vào lịch sử Đảng bộ và nhân dân Bình Giang như một cuộc biểu dương ý chí độc lập, tự do.
Hồi ấy, ông Vũ Thanh Đạm, 87 tuổi đời và 58 năm tuổi Đảng ở thôn Hà Đông, xã Thái Dương theo mọi người trong làng đến xem lực lượng của ta thu tài liệu, giấy tờ, con dấu của lý trưởng. Tuy khi ấy ông chỉ là cậu bé vẫn đang theo học một trường tiểu học tư thục trong huyện, dù không biết Việt Minh là ai nhưng ông thích Việt Minh, vì Việt Minh lãnh đạo nhân dân đánh Pháp đuổi Nhật, đem lại tự do, độc lập cho nhân dân.
Bà Vũ Thị Đỗ, 87 tuổi ở thôn Lôi Khê, xã Hồng Khê kể, gia đình bà có 4 người thì 3 người chết vì đói. “Chiến tranh và nghèo đói khiến dân mình khổ quá. Càng khao khát tự do và độc lập thì niềm vui của ngày khởi nghĩa lại càng to lớn”, bà Đỗ nói. Ngày 20.8.1945, nhân dân Kẻ Sặt từ cụ già đến em nhỏ vui mừng đổ ra đường, tay cầm cờ biểu ngữ hòa vào dòng người tuần hành. Bà Đỗ cũng hòa vào dòng người hôm đó. Nói về mùa thu Cách mạng năm ấy, bà Đỗ xúc động bảo: “Dân mình phấn khởi lắm, không có niềm vui nào bằng niềm vui giành được chính quyền, nhân dân được làm chủ”.
HN