Kim Thành phát triển công nghiệp, dịch vụ

Kinh tế - Ngày đăng : 14:23, 20/08/2020

Kim Thành đã vận dụng linh hoạt các chính sách, có nhiều ưu đãi thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp, dịch vụ, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, thúc đẩy kinh tế-xã hội của huyện.


Công ty CP Trung Kiên đang giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động, kim ngạch xuất khẩu chiếm trên 40% tổng doanh thu

Phát huy lợi thế có quốc lộ 5, 17B chạy qua, Kim Thành đã vận dụng linh hoạt các chính sách, có nhiều ưu đãi thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp, dịch vụ, góp phần quan trọng giải quyết việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách, thúc đẩy kinh tế-xã hội của huyện phát triển.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư

Để tạo điều kiện thu hút đầu tư, huyện Kim Thành đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành của tỉnh giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho nhà đầu tư. Huyện vận dụng linh hoạt các chính sách và biện pháp tổng hợp để hỗ trợ các ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ phát triển hiệu quả, bền vững. Kim Thành chủ động đầu tư, cải tạo hệ thống giao thông, cấp thoát nước tại các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn; giảm phiền hà trong giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến thu hút đầu tư.

Thành lập cuối năm 1998, từ một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ xăng dầu, năm 2000, Công ty CP Trung Kiên phát triển sang lĩnh vực sản xuất bao bì. Đến nay doanh nghiệp này đã có 3 nhà máy sản xuất bao bì trên địa bàn huyện Kim Thành với diện tích nhà xưởng lên đến hàng trăm nghìn mét vuông. Mỗi năm doanh nghiệp sản xuất cả trăm triệu sản phẩm bao bì cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu với doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng/năm. Công ty hiện giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động. Ông Nguyễn Văn Tăng, Phó Giám đốc Công ty CP Trung Kiên cho biết: "Trong hơn 20 năm phát triển, công ty luôn được chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ về các thủ tục pháp lý, đầu tư cùng một số chính sách ưu đãi. Chúng tôi đã huy động mọi nguồn lực, máy móc, nhân lực để từng bước đưa các nhà máy vào hoạt động đúng thời gian cam kết. Công ty đang tiếp tục xin đầu tư thêm nhà máy số 4".

Năm 2017, khu chợ, dịch vụ thương mại xã Cổ Dũng (chợ Giống) được một doanh nghiệp tư nhân đầu tư với tổng vốn hơn 21 tỷ đồng. Chợ có hơn 100 gian hàng và 76 ki-ốt. Cuối năm 2018, chợ đi vào hoạt động đã dần hình thành khu dịch vụ, thương mại không chỉ cho xã Cổ Dũng mà còn đáp ứng nhu cầu cho một số xã lân cận. Cũng trong năm 2018, huyện Kim Thành đã kêu gọi đầu tư thành công Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm tiểu thủ công nghiệp - làng nghề Cổ Dũng. Dự án có tổng mức đầu tư gần 120 tỷ đồng, sử dụng 126.675 m2 đất.

Theo ông Nguyễn Phúc Công, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Kim Thành, mục tiêu của dự án này là di chuyển và thu hút các cơ sở sản xuất nghề cơ khí, nghề mộc trong khu dân cư xã Cổ Dũng và các xã lân cận vào sản xuất, kinh doanh, góp phần quản lý nguồn chất thải, giảm ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. 

Giá trị sản xuất tăng

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện Kim Thành định hướng đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp, dịch vụ để tạo thêm nhiều việc làm mới cho người dân, tăng thu ngân sách... Hiện nay, toàn huyện có 2 khu công nghiệp, 3 cụm công nghiệp. Giai đoạn 2015 - 2020, đã  thu hút 66 dự án đầu tư, điều chỉnh quy hoạch 14 dự án. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp  đã giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Hoạt động dịch vụ có bước tăng trưởng mạnh. Từ năm 2016 - 2019, toàn huyện có hơn 1.100 cơ sở, điểm kinh doanh dịch vụ mới đi vào hoạt động, nâng tổng số cơ sở, điểm kinh doanh dịch vụ lên gần 6.000. Huyện đang triển khai lập quy hoạch khu công nghiệp Kim Thành II tại xã Tam Kỳ, Đồng Cẩm, Đại Đức với tổng diện tích  460 ha và cụm công nghiệp Tuấn Hưng rộng 50 ha.

Từ năm 2016 đến nay, giá trị sản xuất các ngành  công nghiệp - xây dựng và dịch vụ của huyện luôn tăng trưởng cao với mức bình quân lần lượt là 12% và 10,69%. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng, dịch vụ năm 2016 toàn huyện đạt 5.369 tỷ đồng. Năm 2020 ước đạt gần 7.000 tỷ đồng. Các ngành nghề hoạt động ổn định và có giá trị tăng trưởng cao như công nghiệp dệt may, chế biến thức ăn chăn nuôi, cơ khí, kinh doanh, dịch vụ... Cơ cấu các ngành sản xuất công nghiệp đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng đầu tư các ngành sản xuất công nghiệp có kỹ thuật cao, các sản phẩm có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao. Đã hình thành các ngành công nghiệp chủ lực có lợi thế so sánh như dệt may, da giầy...

Công nghiệp, dịch vụ đã và đang góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện Kim Thành phát triển trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thời gian tới, huyện Kim Thành tiếp tục tạo mọi điều kiện để phát triển công nghiệp nhanh và bền vững, khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và làng nghề gắn với bảo vệ môi trường.

TRƯƠNG HÀ