Khi các cầu thủ làm… ông chủ

Trong nước - Ngày đăng : 09:58, 22/08/2020

Chẳng đợi đến lúc giã từ nghiệp “quần đùi áo số”, nhiều cầu thủ đã bắt đầu lấn sang kinh doanh.

Nói đâu xa, Lê Công Vinh sau khi giã từ sự nghiệp cầu thủ đã mở Học viện Bóng đá CV9 và hoạt động rất tốt. Đây là nguồn thu nhập chính của anh hiện nay bên cạnh những công việc tay ngang khác như bình luận viên truyền hình, quảng cáo. Một đồng đội từng cùng Công Vinh đoạt chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008 là Huỳnh Quang Thanh hiện cũng mở một hệ thống quán ăn ở quận 5 và quận 8 (TP Hồ Chí Minh) khá ổn. 

Trước đó, cựu thủ môn Nguyễn Thế Anh nổi tiếng về tài kinh doanh khi từng là ông chủ khu nhà trọ và sân cỏ nhân tạo tên tuổi tại Bình Dương. Tuyển thủ Nguyễn Anh Đức cũng phất lên nhờ kinh doanh các sản phẩm thể thao mang tên Anh Đức cùng hệ thống nhà hàng ở TP Thủ Dầu Một khi còn khoác áo B.Bình Dương. Tương tự, thủ môn Nguyễn Tấn Trường đang thành công với chuỗi siêu thị mini và một trung tâm trò chơi điện tử tại Cao Lãnh (Đồng Tháp)…


Công Phượng tới ủng hộ quán của Ngọc Đức

Tiếp bước đàn anh, vừa qua, Trần Hữu Đông Triều (B.Bình Dương) và Sầm Ngọc Đức (TP Hồ Chí Minh) cũng mở quán ăn. Sau khi quán bánh tráng thịt heo xứ Quảng mang tên ĐT.5 (tên viết tắt và số áo đấu của Đông Triều) rất được yêu thích ở TP Đà Nẵng, tiền vệ này đã cùng đồng đội Công Phượng mở quán ăn thứ hai tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) và rất hợp khẩu vị của dân miền Nam. Đông Triều cho biết: “Là người con xứ Quảng nên tôi muốn góp tay phổ biến những món ăn quê hương đến thực khách khắp nơi. Những món ăn dẫu dân dã nhưng rất ngon và được mọi người thích thú nên tôi cảm thấy rất hạnh phúc”.

Trong khi đó, Sầm Ngọc Đức sau thời gian mở quán bún đậu mắm tôm ở quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) khá ổn, vợ chồng anh đã mạnh tay mở một nhà hàng to hơn ở quận 10 mang tên A Sầm với thực đơn đa dạng hơn, đặc biệt là những món ăn mang hương vị quê nhà Nghệ An.

Ngoài thương hiệu của chính mình và quảng bá các món ẩm thực, Đông Triều và Ngọc Đức cũng muốn tạo điều kiện cho các bạn trẻ và sinh viên có thêm thu nhập sau giờ học. Đặc biệt, nhân viên quán ĐT.5 có khá đông người là fan của Đông Triều và Công Phượng nên rất hết lòng với đứa con tinh thần của hai ông chủ trẻ.


NSND Hoàng Dũng cũng từng đến quán ăn của Đông Triều

Tuy nhiên, thời gian qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không ít đến đời sống xã hội và việc kinh doanh của các cầu thủ cũng không là ngoại lệ, khiến họ đứng ngồi không yên. Đông Triều cho biết: “Từ ngày dịch bệnh bùng phát, tôi đã phải tạm đóng cửa quán ăn ở Đà Nẵng. Quán ăn ở TP Hồ Chí Minh cũng giảm từ 30 đến 40% doanh thu, may mà vẫn còn có khách mỗi ngày”. 

Không chỉ Đông Triều, dịch bệnh và mùa mưa đang diễn ra cao điểm tại TP Hồ Chí Minh đã làm quán A Sầm của Ngọc Đức cũng giảm lượng khách đáng kể. Ngọc Đức chia sẻ: “Quán vừa khai trương lại đụng ngay dịch bệnh nên vợ chồng tôi khá lo, chỉ mong mọi thứ được kiểm soát tốt để công việc ổn hơn. Ra kinh doanh rồi mới biết, bao thứ phải lo chứ chẳng đơn giản như khi đá bóng”.

Một đồng đội khác ở Câu lạc bộ TP Hồ Chí Minh của Sầm Ngọc Đức là hậu vệ Nguyễn Công Thành cũng đã bỏ hàng tỷ đồng để mở một trung tâm thể thao gồm 3 sân cỏ nhân tạo, 1 sân bóng chuyền, 1 khu trò chơi điện tử và khu bán hàng thể thao ở quê nhà Bến Tre. Do Bến Tre lâu nay không phát triển mạnh bóng đá nên Công Thành hy vọng trung tâm thể thao của anh sẽ tiếp lửa đam mê cho khán giả quê nhà.

Theo Bongdaplus