Làm gì để phòng Covid-19 cho trẻ dưới hai tuổi?

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:14, 23/08/2020

Bộ Y tế khuyến cáo trẻ dưới 6 tháng nên được nuôi bằng sữa mẹ để tăng sức đề kháng cơ thể, giúp hệ miễn dịch đủ sức chống chọi với vi khuẩn, virus.

Trẻ em chưa trưởng thành về thể chất và chức năng các cơ quan, trong đó có hệ miễn dịch. Do đó trẻ dễ mắc các bệnh về nhiễm khuẩn hơn người lớn. Để bé an toàn trong mùa dịch Covid-19, Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc đưa ra các khuyến cáo cho từng nhóm trẻ dưới hai tuổi.

Trẻ dưới 6 tháng

Nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu mà không cần ăn thêm bất cứ thức ăn đồ uống nào khác. Đây là nguồn dinh dưỡng tốt nhất mà còn cung cấp nhiều kháng thể giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên

Tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ và tập cho trẻ ăn dặm. Ăn đủ 3 bữa và các bữa phụ trong ngày. Nên cho trẻ ăn đa dạng các loại thực phẩm và chú ý tăng cường ăn trái cây tươi, uống đủ nước. Không nên cho trẻ ăn các thức ăn chế biến công nghiệp. Vệ sinh các dụng cụ chế biến ăn dặm, bát, thìa trước và sau khi cho trẻ ăn.·

Khi trẻ có biểu hiện sốt cao, khó thở cần đưa trẻ đến bệnh viện, luôn đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và giữ khoảng cách tối thiểu là 2 m.

Bà mẹ nuôi con bú nghi nhiễm hoặc cách ly tại nhà

Thông báo cho cán bộ y tế tình trạng của mình để được tư vấn, theo dõi sức khỏe của mẹ và con.

Tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ để bảo đảm an toàn cho trẻ. Lưu ý, khi cho con bú bà mẹ cần đeo khẩu trang đúng cách khi cho con bú và bất kỳ khi nào tiếp xúc với trẻ. Rửa sạch tay bằng xà phòng trước và sau khi ôm con cho bú

Thường xuyên vệ sinh cá nhân và khử khuẩn các bề mặt, vật dụng xung quanh hay tiếp xúc. Không chạm tay vào mắt, mũi, miệng, hôn con trước, trong và sau khi cho con bú. Ngoài ra, mẹ có thể vắt sữa để người khác cho trẻ uống bằng cốc hoặc thìa sạch.·

Bà mẹ nuôi con bú bị mắc Covid-19

Cần thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ y tế về cách nuôi trẻ thích hợp nhất. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ ngay từ hôm nay để phòng chống dịch bệnh.

Phụ nữ mang thai nhiễm Covid-19 cần ưu tiên điều trị Covid-19 trước, chỉ can thiệp sản khoa khi có triệu chứng cấp cứu về sản khoa. Đa số phụ nữ mang thai nhiễm Covid-19 có biểu hiện lâm sàng ở mức độ nhẹ hoặc trung bình, một số rất ít mắc bệnh thể nặng. Đến nay mới có một trường hợp được báo cáo, là một phụ nữ mang thai 30 tuần mắc Covid-19 mức độ nặng phải thở máy, đã được mổ lấy thai cấp cứu và hồi phục sức khỏe tốt.


Theo Bộ Y tế