Trồng rau thủy canh: Mạnh ai nấy làm

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 08:19, 23/08/2020

Trồng rau thủy canh là phương pháp còn khá mới mẻ, đang được một số hộ nông dân trong tỉnh lựa chọn để phát triển kinh tế, nhưng đa số vẫn làm tự phát, chưa có định hướng cụ thể.


Hệ thống trồng rau thuỷ canh của gia đình anh Vũ Văn Hậu ở thôn Phạm Xá, xã Ngô Quyền (Thanh Miện) rộng 600 m2

Nhiều ưu điểm

Sau một thời gian nghiên cứu sách báo và học hỏi kinh nghiệm từ thực tế, tháng 4.2019, anh Vũ Văn Hậu ở thôn Phạm Xá, xã Ngô Quyền (Thanh Miện) đã đầu tư hơn 500 triệu đồng để xây dựng hệ thống trồng rau thủy canh (RTC) trên diện tích 600 m2. Theo anh Hậu, trồng RTC đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng có nhiều ưu điểm nổi trội. Khác với trồng trực tiếp trên đất, trồng thủy canh sẽ kiểm soát được sâu bệnh gây hại tốt hơn, không phải thực hiện nhiều khâu sản xuất. Hầu hết các công đoạn đều tự động nên giảm được sức lao động. Đặc biệt, phương pháp canh tác này sẽ tạo ra những sản phẩm sạch, chất lượng, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của khách hàng hiện nay. Hiện mỗi tháng, gia đình anh Hậu cung cấp hơn 2 tấn RTC cho một số siêu thị tại Hà Nội và bán trực tiếp cho các gia đình đã đặt trước.

Nung nấu ý tưởng trồng RTC từ lâu, năm 2017 anh Nguyễn Mạnh Thắng ở thôn Tứ Kỳ Thượng, xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ) quyết định trồng thử nghiệm trên diện tích 600 m2. Do chưa làm chủ được kỹ thuật thâm canh nên trong thời gian đầu, anh gặp nhiều khó khăn. Cây trồng thường xuyên bị thiếu nước, dinh dưỡng cung cấp không bảo đảm, rau chậm phát triển. Không bỏ cuộc, anh quyết tâm làm lại từ đầu, bài bản và thận trọng hơn. RTC được trồng trong nhà màng, lắp đặt hệ thống nước tưới nhỏ giọt. Anh Thắng làm các ô thoáng nhằm tận dụng ánh sáng mặt trời giúp cây sinh trưởng tốt hơn. Để tiết kiệm diện tích và chăm sóc thuận lợi, anh dùng ống nhựa có lỗ trên bề mặt để trồng và sử dụng xơ dừa làm giá thể. Nhờ nắm chắc kỹ thuật nên chỉ sau thời gian ngắn anh đã trồng thành công rau bằng phương pháp này.

Do chủ động điều chỉnh dinh dưỡng, nhiệt độ, độ ẩm nên chỉ từ 30-45 ngày là rau được thu hoạch. Lúc đầu, anh Thắng ký hợp đồng bán rau cho siêu thị Vinmart (Hà Nội) nhưng vì không đáp ứng đủ số lượng theo yêu cầu của đơn vị, anh chuyển sang cung cấp RTC cho một số cửa hàng thực phẩm sạch ở Hà Nội, Hải Phòng. Cuối năm 2017, anh mở rộng diện tích trồng RTC lên 800 m2. Trừ chi phí, mỗi năm anh thu lãi từ 200-300 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với canh tác truyền thống. "Nếu am hiểu kiến thức về thuỷ canh thì phương pháp sản xuất này không khó, thị trường của RTC cũng rất tiềm năng. Căn cứ vào nhu cầu của người dân, sắp tới tôi sẽ phát triển mô hình này để cho hiệu quả kinh tế cao nhất", anh Thắng cho biết.

Cần nắm chắc kỹ thuật

Trồng RTC có nhiều ưu điểm nhưng cũng không ít rủi ro. Cách làm này đòi hỏi người trồng rau phải thật am hiểu vì nó đòi hỏi độ chính xác cao trong từng khâu. Chủng loại cây trồng thuỷ canh không đa dạng và nếu xuất hiện sâu bệnh sẽ lây lan nhanh và khó kiểm soát. Hơn nữa, chi phí đầu tư tốn kém cũng là yếu tố cần cân nhắc khi quyết định trồng RTC.

Gia đình anh Phạm Văn Cường ở phường Tân Hưng (TP Hải Dương) là một trong những hộ sớm áp dụng phương pháp thuỷ canh vào sản xuất trên địa bàn tỉnh. Anh làm 500 m2 nhà màng để trồng xà lách thuỷ canh. Đây là cây trồng phù hợp nhất với phương thức sản xuất này. Tuy nhiên mô hình của anh Cường không duy trì được lâu dù có đầu ra ổn định. Nguyên nhân do những kiến thức về thuỷ canh của anh còn hạn chế nên khi xảy ra sự cố phát sinh khó xử lý và anh đã tìm hướng sản xuất khác.

Do là phương thức sản xuất mới nên hiện nay những mô hình trồng RTC vẫn "mạnh ai nấy làm". Người dân vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể của cơ quan chuyên môn. Hải Dương đang hướng tới nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại. Việc phát triển các mô hình RTC là cần thiết, phù hợp. Song để tránh tình trạng sớm nở tối tàn và khai thác tối đa giá trị kinh tế từ RTC, các mô hình phải được định hướng cụ thể, chặt chẽ từ khâu sản xuất tới tiêu thụ. Có như vậy mô hình này mới phát triển bền vững, lâu dài.

Theo ông Lê Thái Nghiệp, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thời gian gần đây, một số hộ dân trong tỉnh đã chủ động đưa kỹ thuật trồng thuỷ canh vào sản xuất, góp phần làm đa dạng các mô hình nông nghiệp của tỉnh. Qua nắm bắt ban đầu, các mô hình thuỷ canh đều làm tương đối bài bản và có thị trường tiêu thụ ổn định. Mặc dù vậy, đây là phương pháp đòi hỏi trình độ cao nên nếu không nắm chắc kỹ thuật sẽ khó thành công. Người dân cần thận trọng khi áp dụng phương pháp này trong sản xuất. Thời gian tới, trên cơ sở thực tế, sở sẽ có kế hoạch cụ thể, giúp các hộ định hướng phát triển theo mô hình này.

DŨNG CƯỜNG

Thuỷ canh là kỹ thuật trồng cây không dùng đất mà trồng trực tiếp vào môi trường dinh dưỡng hoặc giá thể. Các giá thể có thể là cát, trấu, xơ dừa, than bùn... Thuỷ canh thường được định nghĩa là cây trồng trong nước hoặc cây trồng không cần đất. Kỹ thuật này giúp cung cấp đủ và đúng thời điểm cho cây trồng các dưỡng chất cần thiết.