[Video] Lặng thầm "người lính áo trắng"
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 20:34, 23/08/2020
Nhân viên y tế lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 của người dân trong khu vực phong tỏa cách ly thuộc khu 12 phường Bình Hàn (TP Hải Dương)
Trong cuộc chiến chống lại “giặc Covid-19” có một lực lượng tuyến đầu đang hy sinh thầm lặng để truy tìm SARS-CoV-2. Đó là lực lượng phản ứng nhanh đi lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm.
3 không
7 giờ sáng 19.8, trong khi đang ngồi uống nước chè để chuẩn bị cho một hành trình đặc biệt thì điện thoại của tôi rung lên. “A lô, lên đường thôi chú phóng viên, đến 243 Nguyễn Lương Bằng nhé, khẩn trương đấy”. Tôi lập tức phóng xe máy đến Trung tâm Y tế TP Hải Dương. Tại đây, xe chuyên dụng và hàng chục nhân viên y tế đã sẵn sàng. Dưới sân là các thùng đựng trang phục bảo hộ y tế, găng tay, mũ chắn giọt bắn, ủng, khẩu trang, kính, bộ đồ lấy mẫu xét nghiệm...
Ông Trương Văn Thạo, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Hải Dương giao nhiệm vụ: “Anh em chú ý, việc lấy mẫu phải khẩn trương, bảo đảm chính xác, đúng quy trình và tuyệt đối an toàn”. Nhận nhiệm vụ, họ chia làm 2 đội, mỗi đội 10 người. Một đội đi lấy mẫu ở khu vực phong tỏa trên đường Nguyễn Văn Linh (phường Thanh Bình), một đội lấy mẫu tại khu vực phong tỏa trong khu đô thị Tuệ Tĩnh (phường Bình Hàn). Tôi đi theo đội lấy mẫu ở phường Bình Hàn.
Trước đây tôi cũng từng nhiều lần đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh (nơi cách ly các bệnh nhân Covid-19), khu vực gần ổ dịch 36 đường Ngô Quyền nhưng lần tác nghiệp này tôi vẫn hơi run. Ngồi trên xe ô tô di chuyển đến chốt kiểm soát trên đường Tuệ Tĩnh mà tâm trạng vẫn bồn chồn. Đến chốt, không ai bảo ai, mỗi người một việc, người bê đồ, người liên hệ chốt kiểm soát. Họ thoăn thoắt với những động tác thuần thục. Người nọ quấn băng dính vào cổ tay cho người kia, họ đeo 2 khẩu trang, 2 găng tay...
Tôi đang quan sát thì có người gọi thất thanh: “Chú phóng viên mặc bộ bảo hộ này vào nhé, bọc máy ảnh, điện thoại vào nữa”. Mỗi lần mặc bộ đồ này tôi đều thấy mới như lần đầu và lóng ngóng. Vì để mặc bộ bảo hộ y tế đúng cách cần nhiều công đoạn để không bị rách và bảo đảm an toàn. Loay hoay thử máy ảnh, máy điện thoại trong bộ đồ này mới thấy thật bất tiện. Mặc bộ đồ bảo hộ kín mít được 10 phút, tôi đã thấy khó chịu, mồ hôi bắt đầu túa ra. Vậy mà những nhân viên y tế họ phải mặc hàng giờ, hằng ngày trong khi vẫn phải thao tác công việc liên tục.
Bước qua hàng rào của khu phong tỏa cách ly, chúng tôi chia làm 4 tổ, mỗi tổ 2-3 người. Bốn tổ tỏa đi các ngả đường trong khu vực, gõ cửa từng nhà để yêu cầu người dân lấy mẫu xét nghiệm. Vừa đi, chị Nguyễn Thị Phương Dung, nhân viên Trung tâm Y tế TP Hải Dương quay sang nói với tôi: “Anh phóng viên có thấy mặc bộ đồ này khó chịu không? Đã mặc bộ này là phải 3 không: không gãi, không vệ sinh, không uống nước đâu đấy nhé".
Để lấy được mẫu xét nghiệm, trước hết là đến nhà người dân, giải thích mục đích, yêu cầu người dân lấy ghế ra cửa ngồi, giãn cách 2 m. Các động tác được các nhân viên y tế thực hiện một cách thuần thục. Một người ghi chép thông tin, một người dùng que lấy mẫu dịch họng, mũi và cho vào ống nghiệm. Một người khác nhận ống nghiệm ghi thông tin tên, tuổi, số nhà lên ống nghiệm và niêm phong cho vào thùng đựng chuyên dụng. Rác thải y tế được cho ngay vào 1 túi nilon. Thời gian lấy 1 mẫu khoảng 3-4 phút. Các nhân viên y tế luôn phải cố gắng thao tác nhanh để hạn chế thời gian tiếp xúc.
Người được lấy mẫu đủ thành phần, lứa tuổi, từ người già đến trẻ em. Khó nhất là lấy mẫu của trẻ em vì các bé sợ nên hay khóc. Khi ấy nhân viên y tế phải kiêm cả bác sĩ tâm lý động viên các bé. Có người khó tính yêu cầu thay găng tay mới cho lấy mẫu. Có người dân vừa cho que vào lấy mẫu dịch hầu họng thì giật đầu lùi lại nên có khi phải lấy mấy lần mới xong. Nhiều nhân viên y tế đã khản cả giọng vì thường xuyên phải gọi cửa nhà người dân, hướng dẫn người dân cách ngồi, tư thế để lấy mẫu.
Đang quan sát một nhân viên lấy mẫu dịch mũi, bỗng nhiên người được lấy mẫu hắt hơi làm nhân viên y tế giật bắn người. Có thể thấy việc lấy mẫu vô cùng khó khăn, nguy hiểm nếu gặp trường hợp phát sinh, nguy cơ phơi nhiễm rất cao. Khi được hỏi, nhân viên y tế này cho biết những trường hợp như thế rất sợ, cứ đưa que lấy dịch mũi là họ chuẩn bị hắt hơi trực diện vào mình.
Đến 10 giờ 30, một phần vì thời tiết nắng nóng, lại phải đi bộ nhiều, phần vì mặc bộ đồ bảo hộ hơn 2 giờ đồng hồ làm tôi thấm mệt. Nhiều lúc tôi phải ngồi bệt xuống vệ đường quan sát các nhân viên y tế làm việc. Nhưng đã mặc bộ đồ bảo hộ kín bưng như này có ngứa cũng không gãi được, có khát cũng không dám uống nước và cũng chẳng thể đi vệ sinh... vì đây là trong khu cách ly phong tỏa, nguy cơ lây nhiễm cao.
Khoảng 11 giờ trưa, nhận lệnh từ trung tâm, 3 tổ tại đây lại di chuyển về phường Trần Phú và Trần Hưng đạo lấy mẫu bệnh phẩm. Còn 1 tổ ở lại tiếp tục lấy mẫu. Sau khi lấy mẫu xong, ra đến chốt kiểm soát, một số nhân viên y tế đã khá mệt mỏi vì gần 1 tuần nay họ phải làm việc xuyên đêm, cũng một phần vì đi bộ cả buổi sáng nên có người ngồi bệt xuống vỉa hè. Họ thở hổn hển, cùng vết hằn khẩu trang trên khuôn mặt, mồ hôi nhễ nhại trên trán. Nhiều nhân viên y tế tại đây cho biết lúc đầu chưa quen, bộ đồ phòng hộ khiến họ cảm thấy khá khó chịu, ngột ngạt, nhưng giờ đây, công việc này diễn ra hằng ngày nên họ cũng quen dần.
Những "người lính áo trắng" chuẩn bị trang phục, dụng cụ để vào khu vực phong tỏa lấy mẫu xét nghiệm
Làm cả ngày lẫn đêm
Không kể ngày đêm, nhận lệnh là lên đường, lực lượng phản ứng nhanh trên đã thực hiện lấy hàng trăm mẫu xét nghiệm. Chị Nguyễn Thị Nhan, nhân viên Trung tâm Y tế TP Hải Dương cho biết chị đã làm công tác dự phòng nhiều năm nhưng chưa bao giờ gặp đại dịch đáng sợ như lần này. Lực lượng lấy mẫu xét nghiệm mỏng trong khi lượng mẫu yêu cầu lấy nhiều nên gần 1 tuần nay các chị phải căng mình đi lấy mẫu không kể ngày hay đêm.
Đặc biệt đêm 13.8, đội của chị Nhan phải lấy mẫu của trên 130 người F1 được cách ly tại ký túc xá Trường Đại học Hải Dương. Đội làm liên tục từ 9 giờ tối hôm trước đến 3 giờ sáng hôm sau mới lấy mẫu xong. Sau đó lại về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để giao mẫu đến 4 giờ sáng mới xong. Về đến đơn vị ai cũng mệt nhoài. Từ ngày dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng ở TP Hải Dương, những nhân viên như chị Nhan hoàn toàn không có ngày nghỉ, cảm giác ngột ngạt trong bộ đồ bảo hộ, những bữa cơm ăn dở, mùi thuốc khử trùng khó chịu đã không còn xa lạ với họ.
Tôi nhớ mãi hình ảnh trưa 16.8, khi ghi nhận có ca nghi nhiễm Covid-19 tại ngõ 64 phố Quang Trung. Hôm đó, tôi gặp đội của chị Nhan đang ngồi trên vỉa hè cạnh ngõ 64. Đã 12 giờ trưa mà họ vẫn ngồi đó ăn vội bát mỳ tôm để chuẩn bị vào lấy gần 100 mẫu trong ngõ này. Vất vả là vậy nhưng họ vẫn cười đùa vui vẻ trong bữa ăn để động viên nhau tiếp tục công việc.
Ít ai biết rằng, nhiều đêm nay, những nhân viên y tế thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu bệnh phẩm phải thường xuyên đến từng nhà, rà từng ngõ, phải tiếp xúc với hàng trăm người để truy tìm “giặc Covid-19”. Họ đâu cần biết “giặc Covid-19” đang ẩn nấp trong bóng tối, rình rập, sẵn sàng đem đến hiểm nguy cho chính họ.
Không chỉ công việc nguy hiểm, họ còn đang phải hy sinh cả tình cảm, chuyện riêng tư để hoàn thành thật tốt nhiệm vụ. Chị Dung chia sẻ đã gần 1 tháng nay chị không gặp người yêu và hạn chế về nhà. Một phần vì công việc bận rộn, phần vì muốn bảo vệ sức khỏe cho người thân và gia đình. Có lần đội về đến cơ quan đã quá nửa đêm, nhiều người chỉ kịp tắm rửa qua rồi tìm bất cứ chỗ nào trong cơ quan để ngả lưng.
Trong đội có nhiều nữ nhân viên đã có gia đình và con nhỏ nhưng nhiều ngày nay các chị cũng hạn chế về nhà, tiếp xúc chồng con. Có lúc chỉ gọi điện thoại về cho đỡ nhớ. Có trường hợp về nhà thì cũng chỉ chốc lát, thậm chí là có về nhà cũng không dám ngủ chung với chồng con. Vì thế nhiều người không thể có một nụ hôn với đứa con thơ, vui đùa cùng con nhỏ hay bên cạnh chăm sóc cha mẹ già…
Cuộc chiến của các nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm sẽ còn dài, nhất là từ ngày 19.8, TP Hải Dương bước vào đợt xét nghiệm diện rộng với khoảng 10.000 mẫu. Cũng vì thế, đội ngũ này sẽ còn vất vả hơn nữa. Nhiều nhân viên y tế tâm sự rằng dù dịch có kéo dài thì họ vẫn sẽ đoàn kết, động viên cùng nhau vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ.
Dịch Covid-19 không biết còn kéo dài đến khi nào, những nhân viên y tế cũng không biết còn phải phòng chống dịch đến bao giờ, nhưng những hy sinh thầm lặng của họ đang giúp cộng đồng thêm yên tâm, tạo niềm tin để chiến thắng "giặc Covid - 19".
Xem clip
THẾ ANH