Tọa đàm khoa học nhận diện những giá trị tiêu biểu nổi bật toàn cầu của di tích, danh thắng Yên Tử

Chính trị - Ngày đăng : 14:51, 26/08/2020

Việc tôn vinh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là Di sản thế giới là nguyện vọng, mong muốn của đông đảo nhân dân Việt Nam nói chung và các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương nói riêng.


Quang cảnh buổi tọa đàm

Sáng 26.8, tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hai tỉnh Hải Dương và Bắc Giang tổ chức Tọa đàm khoa học nhận diện những giá trị tiêu biểu nổi bật toàn cầu của Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử để xây dựng hồ sơ, đề nghị tổ chức UNESCO công nhận, vinh danh Di sản thế giới.

Tham dự buổi tọa đàm có lãnh đạo Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia; Cục Di sản văn hóa; Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao); đại diện các cục, vụ, viện, các trường đại học, bảo tàng, đại điện ba địa phương: Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh nhấn mạnh: Cả ba địa phương mong muốn có thể nhận được những ý kiến quý báu từ các chuyên gia, nhà khoa học nhằm xác định được các tiêu chí để xây dựng hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử trình UNESCO công nhận Di sản thế giới.

Tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học đã tham gia góp ý để xác định những giá trị tiêu biểu, nổi bật toàn cầu của Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử phục vụ công tác lập hồ sơ khoa học đề nghị UNESCO công nhận, ghi danh là Di sản thế giới. Cụ thể như: xác định tên gọi của hồ sơ; loại hình lựa chọn để xây dựng hồ sơ (vật thể hoặc phi vật thể); lựa chọn tiêu chí nào theo Quy định Công ước Di sản thế giới năm 1972, Công ước 2003 về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể của Tổ chức UNESCO; xác định không gian, địa bàn, liên vùng, liên khu vực có liên quan... để tiến tới xây dựng hồ sơ giàu tính khoa học, thuyết phục Hội đồng Di sản trong nước và quốc tế ghi danh...

Phó giáo sư, tiến sỹ Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử được cấu thành từ 4 cụm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt gồm: Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí, Quảng Ninh), Khu di tích lịch sử nhà Trần (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh), Khu di tích danh thắng Tây Yên Tử (Bắc Giang) và Quần thể Côn Sơn – Kiếp Bạc – Thanh Mai (Hải Dương). Tuy nhiên, không thể đưa tất cả các điểm di tích trên vào trong hồ sơ di sản trình UNESCO mà cần lựa chọn những điểm di tích có khả năng biểu hiện giá trị nổi bật toàn cầu như tính chân xác của khu di sản mới có khả năng thuyết phục Ủy ban Di sản thế giới.

Theo phó giáo sư, tiến sỹ Đặng Văn Bài, Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử có hai truyền thống văn hóa tiêu biểu là: Phật giáo Trúc Lâm thuần Việt và đạo lý "uống nước nhớ nguồn" – thờ cúng tổ tiên mà đại diện là tôn thờ các vị hoàng đế đã khuất núi với hai hệ thống thiết chế tôn giáo tin ngưỡng (chùa, am, tháp, đền thờ và lăng mộ hoàng gia triều Trần) khá phong phú.

Giáo sư, tiến sỹ Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nhấn mạnh: Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của văn minh nhân loại, đặc biệt Phật giáo, thuyết phong thủy. Kết quả giao thoa, tiếp biến văn hóa được biểu đạt trong tạo dựng cảnh quan, quy hoạch, trong nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí với diễn biến văn hóa đa dạng qua các thời kỳ lịch sử.

Theo giáo sư, tiến sỹ Trương Quốc Bình, việc tôn vinh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là Di sản thế giới là nguyện vọng, mong muốn của đông đảo nhân dân Việt Nam nói chung và các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương nói riêng. Tuy nhiên, muốn đạt được vinh dự này, cần tuân thủ những quy định của UNESCO về nội dung, trình tự, thủ tục xây dựng và đăng ký hồ sơ. Bên cạnh sự phối hợp có hiệu quả của các cơ quan chuyên môn ở Trung ương và các tỉnh, phải có sự nỗ lực không nhỏ của các chuyên gia trong nước và nước ngoài, những người thực sự tâm huyết với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa dân tộc.

Trước đó, tháng 7.2020, Sở Văn hóa, Thể thao các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương cũng đã họp bàn về việc xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là Di sản thế giới. Cả ba đơn vị đã thống nhất chương trình hành động về một số nội dung: Tham mưu cho lãnh đạo ba tỉnh thành lập mới Ban Chỉ đạo lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận Di sản thế giới; thành lập Tổ giúp việc xây dựng hồ sơ dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, đồng thời dự kiến lộ trình, thời gian xây dựng hồ sơ.

Mới đây, sau thông báo của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, trong đó bổ sung tỉnh Hải Dương vào địa bàn nghiên cứu lập hồ sơ Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử và giao UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang, Hải Dương xây dựng, hoàn thiện hồ sơ. Trên cơ sở này, Quảng Ninh cùng với hai tỉnh Hải Dương, Bắc Giang tiếp tục thực hiện việc xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Quần thể di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử là Di sản thế giới.

Theo TTXVN