Ngành văn hóa: Những chặng đường phát triển
Tin tức - Ngày đăng : 11:34, 28/08/2020
Các nghệ sĩ của Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh biểu diễn phục vụ nhân dân (ảnh tư liệu)
Xung kích trong kháng chiến
Tuyên cáo ngày 28.8.1945 của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đánh dấu sự ra đời của Bộ Thông tin - Tuyên truyền, tiền thân của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày nay. Ngày 1.1.1946, Bộ Thông tin - Tuyên truyền đổi tên thành Bộ Tuyên truyền và Cổ động, ở cấp tỉnh thành lập Ty Thông tin tuyên truyền và Kiểm duyệt. Đồng chí Đỗ Văn Thanh (nguyên Bí thư Thành ủy Hải Dương) được cử làm Trưởng Ty Thông tin tuyên truyền và Kiểm duyệt đầu tiên, quản lý 8 ban chuyên môn. Trong bối cảnh đất nước vừa giành chính quyền còn nhiều khó khăn, những người làm công tác tuyên truyền, cổ động xung kích thực hiện 3 nhiệm vụ cấp bách đó là: chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Dấu ấn đậm nét của văn hóa thể hiện rõ qua hai cuộc kháng chiến.
Trong kháng chiến chống Pháp, đội ngũ làm văn hóa đã biết cách tổ chức công tác tuyên truyền thành một nghệ thuật, đồng thời đưa nghệ thuật vào tuyên truyền. Thông qua các hình thức viết báo, làm thơ, soạn nhạc… để tuyên truyền chủ trương của Đảng, vận động toàn dân tham gia kháng chiến, vạch mặt âm mưu thâm độc của kẻ thù. Vật dụng tuyên truyền rất thô sơ, thiết bị chỉ là những chiếc loa bằng tay, bằng mo cau nhưng các chiến sĩ tuyên truyền đã đến tận các ngõ xóm, sống "ba cùng" với nhân dân. Những hoạt động của ngành đã góp phần đưa cuộc kháng chiến 9 năm của dân tộc đi đến thắng lợi. Ngày 30.10.1954, trong đoàn quân tiến về tiếp quản thị xã Hải Dương có các chiến sĩ tuyên truyền văn nghệ.
Trong kháng chiến chống Mỹ, một lần nữa người làm văn hóa lại là chiến sĩ tuyến đầu, đóng vai trò định hướng tư tưởng nhân dân. Khi ấy, Hải Dương cũng bị bom đạn đế quốc cày phá nhưng với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” họ vẫn khắc phục mọi khó khăn để hoạt động. Dù nơi sơ tán hay dưới hầm sâu, phong trào văn nghệ, đọc sách, sinh hoạt câu lạc bộ… vẫn diễn ra sôi nổi. Nhiều phong trào thi đua yêu nước xuất hiện và trở thành điển hình của cả nước như “Xứ tranh miền Bắc”, “đọc và làm theo sách”,“tiếng hát át tiếng bom”… đóng góp không nhỏ vào nhiệm vụ giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Nâng cao đời sống tinh thần nhân dân
Năm 1955, Quốc hội khóa V nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thông qua việc đổi tên Bộ Tuyên truyền thành Bộ Văn hóa. Ở các tỉnh đổi tên Ty Tuyên truyền - Văn nghệ thành Ty Văn hóa. Lần đầu tiên trong bộ máy Nhà nước có cơ quan chuyên trách về công tác văn hóa, mở ra một thời kỳ mới cho văn hóa phát triển. Ty Văn hóa Hải Dương khi ấy xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng đời sống mới, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng phát triển. Từ đây, ngành văn hóa đã xác định mục tiêu hành động là nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Sau khi đất nước thống nhất, rồi thời kỳ đổi mới, ngành văn hóa Hải Dương cũng ghi dấu ấn bởi hệ thống thiết chế văn hóa được củng cố. Tính đến năm 2003, Hải Dương đã có hệ thống thiết chế khá toàn diện với Nhà hát Nhân dân, thư viện, rạp chiếu phim… Phong trào thể dục thể thao phát triển, nhất là bộ môn bóng bàn, xuất hiện nhiều vận động viên tài năng, nổi tiếng cả miền Bắc. Hàng trăm đội văn nghệ quần chúng ở cấp thôn, xã được thành lập.
Nhưng dấu ấn phải kể đến năm 2008, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch được thành lập, trở thành một sở quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Khi ấy, thuận lợi có, khó khăn cũng nhiều, song ngành đã có những bước đột phá cả bề nổi lẫn chiều sâu. Toàn ngành tích cực thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là các hoạt động góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân, gắn liền với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có 8 phòng, 10 đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Cấp huyện, thị xã, thành phố đều có các phòng, ban chuyên môn. Cán bộ, công chức văn hóa cấp xã đều được đào tạo nghiệp vụ, công tác tổ chức, bộ máy của ngành được kiện toàn. Cơ sở vật chất từng bước được tăng cường đầu tư. Các hoạt động sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch phát triển, góp phần nâng cao mức hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Hiện toàn tỉnh có 90% số gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 93,5% số làng, khu dân cư đạt danh hiệu làng, khu dân cư văn hóa. Phong trào văn nghệ phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Lĩnh vực du lịch tâm linh, du lịch văn hóa tiếp tục phát triển. Thông qua các hoạt động trưng bày, tuyên truyền, quảng bá ngày càng thu hút được khách du lịch đến với Hải Dương. Năm 2019, toàn tỉnh đã đón khoảng 4,3 triệu lượt khách, doanh thu đạt 1.980 tỷ đồng.
75 năm nỗ lực vượt qua những khó khăn, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, ngành văn hóa đã và đang làm tròn sứ mệnh đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh mong đợi “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
HUYỀN ANH