Vì sao nhiều doanh nghiệp phớt lờ báo cáo ĐTM?

Môi trường - Ngày đăng : 13:49, 28/08/2020

Do không muốn mất kinh phí nên nhiều doanh nghiệp không có báo cáo hoặc không thực hiện đúng các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), gây hậu quả khó lường về môi trường, thiệt hại cho chính doanh nghiệp.


Cuộc sống của người dân khu dân cư Trại Mới, phường Hiệp An (Kinh Môn) bị ảnh hưởng nặng nề vì bụi than phát sinh trong quá trình hoạt động của Công ty CP Thương mại Sông Hàn

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) hoạt động nhưng không có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hoặc không thực hiện đúng các nội dung báo cáo ĐTM đã được phê duyệt.

Bị phạt nặng

Ngày 29.7.2020, UBND tỉnh quyết định xử phạt Công ty CP Thương mại Sông Hàn (Công ty Sông Hàn) ở phường An Lưu số tiền 300 triệu đồng do vi phạm trong lĩnh vực môi trường. DN này chuyên sơ chế, kinh doanh than, vật liệu xây dựng và dịch vụ bốc xếp hàng hóa tại phường Hiệp An (cùng thị xã Kinh Môn). Trong suốt quá trình hoạt động, DN không có báo cáo ĐTM được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. 

Trước đó hơn 1 tháng, Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Phúc Khánh ở phường Phả Lại (TP Chí Linh) cũng bị UBND tỉnh phạt 350 triệu đồng. DN sản xuất gỗ ván ép từ năm 2016 nhưng cũng không có báo cáo ĐTM được UBND tỉnh phê duyệt theo quy định. 

Đầu năm 2020, Công ty TNHH Hướng dẫn viên Du lịch Việt Nam bị phạt 350 triệu đồng vì không có báo cáo ĐTM trong quá trình triển khai dự án Nhà máy đóng tầu - cảng thủy nội địa và kho bãi tại thôn Lương Xá, xã Kim Liên (Kim Thành). Hành vi của DN đã vi phạm các quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18.11.2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Ngoài phạt tiền, UBND tỉnh còn đình chỉ hoạt động sản xuất của DN trong 9 tháng; buộc công ty phải có biện pháp quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, giảm thiểu tiếng ồn và xử lý nước thải, khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định. 

Nhiều DN không thực hiện đúng báo cáo ĐTM đã được phê duyệt. Đơn cử như Công ty CP Đầu tư xây dựng Trường Dương, chủ đầu tư cụm công nghiệp Lương Điền (Cẩm Giàng). DN đã thực hiện không đúng một trong những nội dung báo cáo ĐTM đã được phê duyệt như không thu gom nước thải của các DN sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp vào hệ thống thu gom nước thải chung mà thu gom vào hệ thống thoát nước mưa của cụm. Ngoài ra, công ty này kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp Lương Điền nhưng không có hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định. Với những hành vi trên, công ty bị UBND tỉnh xử phạt 520 triệu đồng. 


Sản xuất thức ăn chăn nuôi nhưng không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, năm 2018, Công ty CP Sản xuất dịch vụ thương mại Hoàng Gia Việt đã bị xử phạt (ảnh tư liệu)

Hậu quả khó lường

Việc các DN hoạt động nhưng không có báo cáo hoặc không thực hiện đúng các nội dung báo cáo ĐTM gây hậu quả khó lường về môi trường, thiệt hại cho chính DN. Nhiều năm qua, người dân khu dân cư Trại Mới (phường Hiệp An) bức xúc vì hoạt động chế biến, vận chuyển than của Công ty Sông Hàn. Than không được che đậy nên mỗi khi trời mưa, nước thải chảy tràn ra bãi, xuống ao nuôi cá của một số hộ dân. Bụi than theo gió bay vào khu dân cư, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, sinh hoạt thường ngày của người dân khu vực này. 

Trong quá trình sản xuất, Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam ở cụm công nghiệp Ngũ Hùng-Thanh Giang (Thanh Miện) tự lắp đặt thêm dây chuyền nghiền liệu, tái chế phế liệu, sản phẩm lỗi hỏng không có trong báo cáo ĐTM đã được UBND tỉnh phê duyệt. Môi trường sản xuất bị ô nhiễm nặng nề dẫn đến hàng loạt công nhân bị nhiễm độc. 

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều DN hoạt động bất chấp quy định của pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chủ yếu đến từ nhận thức chưa đúng của các chủ DN. Nhiều chủ DN còn mơ hồ, không hiểu hết các quy định trong quá trình lập hồ sơ sản xuất, kinh doanh. Nhưng cũng có nhiều chủ DN dù nhận thức đúng nhưng lại ngại thực hiện các thủ tục bảo vệ môi trường hoặc cố tình phớt lờ các quy định vì không muốn mất kinh phí cho các hoạt động này. Cũng có DN dù đã xây dựng các công trình bảo vệ môi trường nhưng lại bỏ qua nhiều công đoạn trong quá trình vận hành do sợ tốn kém và không bố trí được nhân lực.  

Theo số liệu của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), trong tỉnh có gần 1.000 hồ sơ dự án đã được phê duyệt báo cáo ĐTM. Phần lớn chủ dự án đã tuân thủ nghiêm túc các nội dung báo cáo ĐTM đã được phê duyệt. Theo quy định, trong quá trình triển khai dự án, nếu có những nội dung thay đổi so với báo cáo ĐTM đã được phê duyệt thì chủ DN phải có văn bản báo cáo đến cơ quan phê duyệt và chỉ được thay đổi sau khi có ý kiến cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, vẫn còn một số DN trong quá trình sản xuất phát sinh một số nội dung thay đổi nhưng không báo cáo kịp thời dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý của cơ quan chuyên môn. 

LÃ VỌNG