Mối nguy từ những người mắc Covid-19 không có biểu hiện bệnh

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 13:05, 29/08/2020

Nước ta đang kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, vì chưa có vaccine nên thời gian tới, những làn sóng âm thầm của dịch bệnh này có thể tiếp tục ập đến bất cứ lúc nào.


Hiện có khoảng 70% số người mắc Covid-19 nhưng không có triệu chứng của bệnh. Đây có thể là nguồn lây bệnh âm thầm trong cộng đồng. Ảnh minh họa

Theo tổng hợp của Tiểu ban Điều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19), trong số các bệnh nhân Covid-19 được phát hiện và điều trị tại nước ta, có đến 70% không có biểu hiện lâm sàng, hơn 16% có biểu hiện nhẹ và chỉ có 14% số bệnh nhân có sốt, ho, khó thở, đau ngực, mất khứu giác và các triệu chứng rõ rệt khác.

Theo ông Lương Ngọc Khuê, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị, SARS-CoV-2 là 1 loại virus hoàn toàn mới. Các nhà khoa học chưa biết rõ các đặc tính phát triển, miễn dịch cũng như các yếu tố sinh hóa khác của loại virus này. Trong đợt dịch lần trước chỉ ghi nhận trường hợp bệnh nhân Covid-19 là F1 nhưng tại đợt dịch lần này phát hiện cả những người là F2 cũng bị lây bệnh. Trường hợp tái mắc Covid-19 cũng đã được ghi nhận trên thế giới.

Ông Lương Ngọc Khuê khẳng định các biện pháp phòng chống hiện nay ở nước ta thường xuyên được bổ sung, thậm chí là thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế của dịch bệnh.

Cụ thể, hiện Bộ Y tế cùng Bảo hiểm xã hội đã thống nhất tất cả trường hợp ho, sốt, khó thở, có biểu hiện cúm hoặc không có biểu hiện, đi từ vùng dịch hoặc không đi từ vùng dịch đều được xét nghiệm để phát hiện và bảo hiểm y tế thanh toán.

"Đây là một trong số những giải pháp quan trọng và chúng tôi thực sự mong mỗi một người dân trở thành một chiến sĩ trong mặt trận y tế nơi công cộng tự mình phòng chống cho mình cũng như mọi người trong cộng đồng”, ông Khuê nhấn mạnh.

Dù năng lực xét nghiệm của nước ta đã được nâng lên rất nhiều nhưng cũng không thể tiến hành xét nghiệm được hết cho tất cả mọi người trong cộng đồng. Với nhiều ca bệnh nghi ngờ, phải tới 4 lần xét nghiệm mới khẳng định được bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV2. Trên thực tế, cũng đã có những bệnh nhân tái dương tính sau nhiều lần có kết quả xét nghiệm âm tính. Trong khi đó, dù không có triệu chứng nhưng trước khi tự khỏi, những bệnh nhân Covid-19 không có biểu hiện lâm sàng vẫn âm thầm lây nhiễm cho những người khác. Do vậy, mỗi khi phát hiện ổ dịch, ngành y tế lại tiến hành xét nghiệm kháng thể để xem trước đó đã có những bệnh nhân mắc Covid-19 và tự khỏi hay chưa, từ đó đưa ra biện pháp chống dịch phù hợp.

“Một trong những cái nhóm giải pháp rất quan trọng là việc chúng ta phải chấp hành nghiêm các hướng dẫn của Bộ Y tế, đó là tự giác bằng các biện pháp cách ly, dự phòng như đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và chúng ta luôn luôn cảnh giác khi tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ, những nơi chúng ta thấy là có dấu hiệu về dịch tễ học và thậm chí không có dấu hiệu về dịch tễ học nhưng cũng có biểu hiện về bệnh cúm, ho, sốt hay khó thở, đau đầu, mệt mỏi, sổ mũi, chảy nước mắt, thì người bệnh đó phải đến khám tại bệnh viện và gặp thấy thuốc, cơ sở y tế gần nhất”, ông Lương Ngọc Khuê cho biết thêm.

Theo các chuyên gia y tế, trong khi chờ vaccine, chúng ta phải chung sống với dịch bệnh Covid-19 hàng năm nữa. Những làn sóng tiếp theo của dịch bệnh này vẫn như những đốm lửa nhỏ, nếu không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời sẽ cháy lan và thảm họa sẽ đến như cháy rừng.

Theo VOV